Những năm gần đây, nhờ tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp chăn nuôi, đời sống của người dân các xã ở huyện Đại Từ từng bước được cải thiện rõ rệt. Ngày càng có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ hướng đi hiệu quả này.
Dẫn chúng tôi đi thăm diện tích keo mới trồng được hơn 2 năm, ông Nguyễn Hồng Thao, ở xóm Vân Long, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) cho biết: Từ năm 2000 trở về trước, nhà tôi trồng cây bạch đàn trên khu đồi này, khi thu hoạch thì 1ha chưa được 50 triệu đồng. Sau khi được các cán bộ kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn, năm 2006, gia đình tôi đã chuyển sang trồng cây keo Úc, keo tai tượng cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, 1ha keo tai tượng có giá bán trung bình từ 70-80 triệu đồng. Tôi nhận thấy việc trồng rừng không mất nhiều công chăm sóc, mỗi năm chỉ phát dọn, vệ sinh rừng từ 1-2 lần, không phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và tưới nước như cây chè... Được biết, cùng với trồng rừng, gia đình ông Thao còn đầu tư trồng chè, nuôi lợn, nuôi cá, trung bình mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Đối với gia đình anh Nông Văn Cường, ở xóm Vai Cày, xã Bản Ngoại (Đại Từ) cũng là một trong những hộ đi lên từ kinh tế đồi rừng kết hợp phát triển chăn nuôi. Anh cho biết: Năm 2012, được Nhà nước hỗ trợ cây giống trồng rừng, gia đình tôi đã phá bỏ diện tích đồi tạp để trồng keo. Song song với việc chăm sóc, bảo vệ rừng trồng, gia đình tôi còn đào ao thả cá, nuôi 70 con lợn/lứa, 180 đôi bồ câu sinh sản và nuôi 600 con vịt. Thu nhập bình quân của gia đình cũng đạt trên 100 triệu đồng/năm. Tôi nhận thấy trồng rừng có rất nhiều lợi ích, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cho gia đình, vừa phủ xanh diện tích đất trống đồi trọc để giữ nước, góp phần giữ cho bầu khí quyển trong lành...
Ông Nguyễn Hữu Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Ngoại cho biết: Những năm qua, chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương khuyến khích người dân phát triển kinh tế đồi rừng, góp phần tăng thu nhập như: triển khai đầy đủ, kịp thời cơ chế, chính sách hỗ trợ trồng rừng; tạo điều kiện cho phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ để tiêu thụ đầu ra cho bà con. Cùng với đó, xã cũng phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Vì thế, nhiều diện tích đất lâm nghiệp trước đây bị bỏ trống nay đã được người dân tận dụng trồng rừng với màu xanh phủ kín. Những cánh rừng vươn lên xanh tốt đã và đang mang lại cuộc sống no ấm cho người dân.
Được biết, toàn huyện Đại Từ có tổng diện tích tự nhiên là 57.790ha, trong đó có trên 29.500ha đất lâm nghiệp. Để khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng thế mạnh kinh tế đồi rừng, huyện đã có nhiều biện pháp khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã... đầu tư, hoặc tham gia góp vốn đầu tư trồng rừng; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như giao thông, thủy lợi, hệ thống điện... để giúp người dân có cơ hội tiếp cận, định hướng sản xuất theo thị trường. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn, hàng năm, huyện tổ chức rà soát tổng diện tích đất lâm nghiệp giao cho người dân trồng rừng, phát triển sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tích cực vận động, tuyên truyền người dân làm tốt công tác chuẩn bị về phân bón, mặt bằng... để trồng rừng đúng khung thời vụ. Nhờ đó, hằng năm kế hoạch trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng của huyện đều hoàn thành vượt mức, tỷ lệ cây sống đạt cao. Trung bình mỗi năm, nông dân huyện Đại Từ trồng mới được trên 600ha rừng, cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn tấn nguyên liệu gỗ. Trên địa bàn huyện hiện có 160 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản đang hoạt động. Năm 2016, các cơ sở này đã sản xuất, tiêu thụ 12.400 m3 gỗ tròn, tổng doanh thu đạt trên 27 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Vũ Văn Toản, Phó Hạt Trưởng hạt Kiểm lâm Đại Từ cho biết: Nếu như trước đây, người dân chủ yếu trông chờ vào các dự án trồng rừng của Nhà nước, thì hiện nay nhiều hộ nông dân trong huyện đã tự bỏ vốn hoặc vay vốn ngân hàng để trồng rừng kinh tế. Ngoài ra, các hộ dân còn tích cực chăm sóc, bón phân cho cây nhanh lớn. Để bảo vệ diện tích rừng, hằng năm, Hạt đều tham mưu cho UBND huyện xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện, cấp xã. Toàn huyện duy trì 209 tổ quản lý, bảo vệ rừng với 1.650 người tham gia. Cùng với đó, Hạt cũng tăng cường công tác kiểm tra việc khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép nhằm kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.