Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

08:16, 13/03/2017

Thực hiện mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, những năm gần đây, huyện Đại Từ đã không ngừng mở rộng quy mô, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Để người dân từng bước chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, huyện Đại Từ đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, khoa học, kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã tổ chức trên 140 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo, dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăn nuôi thú y cho trên 8.000 lượt người tham gia. Đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để người dân có vốn đầu tư chăn nuôi. Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã có 32 trang trại chăn nuôi được hỗ trợ kinh phí mở rộng quy mô và duy trì chăn nuôi với tổng số tiền 4,8 tỷ đồng. Ngoài ra, các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi cũng được tạo điều kiện vay vốn từ các ngân hàng với tổng số tiền 1.200 tỷ đồng. Qua đó, người dân có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, giống, thức ăn chăn nuôi, mở rộng quy mô chuồng trại.

 

Nói đến các mô hình chăn nuôi có quy mô khép kín, hiệu quả kinh tế cao phải kể đến mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Phòng, xóm Bình Sơn, xã Bình Thuận. Ông Phòng được biết đến là người rất thức thời trong việc lựa chọn các loại vật nuôi phù hợp với từng thời điểm. Đã từng được nhiều người trong giới chăn nuôi biết đến khi là một trong những hộ đầu tiên của tỉnh đưa con ba ba vào nuôi sinh sản và kiếm bạc tỷ vào thời điểm năm 2008. Sau một thời gian, ba ba rớt giá, lợi nhuận không cao như trước, ông lại chuyển sang nuôi trâu và hiện nay ông đầu tư tập trung vào mô hình chăn nuôi lợn. Mấy năm nay, lúc nào trong chuồng nhà ông cũng có khoảng 700 con. Lứa nọ gối lứa kia, cứ 5 tháng ông lại xuất chuồng 1 lứa với khoảng 10 tấn thịt, thu được trên dưới 2 tỷ đồng.

 

Nhằm tạo ra phong trào, giúp người dân mạnh dạn đầu tư, đồng thời để các hộ chăn nuôi hỗ trợ lẫn nhau về kiến thức, con giống, thức ăn… huyện cũng xây dựng các câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi. Đơn cử như Câu lạc bộ liên kết chăn nuôi lợn nái ngoại xã Na Mao. Thành lập từ năm 2010 đến nay có 31 hộ gia đình tham gia. Nếu trước kia mỗi thành viên chỉ chăn nuôi 4-5 con lợn nái với vài chục con lợn thịt và lợn con, thì nay các cơ sở chăn nuôi đều phát triển từ 30-40 con lợn nái, với hàng trăm lợn thịt và lợn con.

 

Đặc biệt hầu hết các cơ sở đã phát triển chăn nuôi lợn thịt theo mô hình khép kín: tự sản xuất con giống, sản xuất cám đến tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh và xuất bán.Với quy mô 415 con lợn nái ngoại và khoảng 2.800 con lợn thịt ngoại, 14 hộ thuộc quy mô trang trại, 17 hộ thuộc quy mô gia đình đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/cơ sở/năm. Hiện nay, toàn huyện có 506 hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại; trong đó có 65 trang trại chăn nuôi có giá trị sản lượng hàng hóa đạt 1 tỷ đồng/trang trại/năm trở lên. Các trang trại chăn nuôi theo mô hình khép kín, sử dụng thức ăn công nghiệp; hệ thống chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi được cải tiến góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất. Chất lượng sản phẩm được nâng cao, chu kỳ sản xuất được rút ngắn.

 

Để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, một trong những việc quan trọng đó chính là lựa chọn những giống vật nuôi tốt. Về điểm này, huyện đã tích cực đưa các giống lợn siêu nạc vào chăn nuôi. Hiện tại có 48 trang trại trên địa bàn đã, đang sử dụng các giống lợn ngoại, giống lợn lai 3 máu ngoại. Đến nay, tỷ lệ các giống lợn siêu nạc, lợn lai 2 dòng, 3 dòng được chăn nuôi phổ biến, chiếm 80% tổng số đàn lợn của huyện. Đối với các con vật nuôi khác như trâu, bò, gà, vịt… huyện đã tiến hành bình tuyển những cá thể to khỏe làm giống, đưa giống gà Ross 208, gà Arboi Acres… vào chăn nuôi. Qua đó giúp nông dân được tiếp cận và áp dụng khoa học công nghệ mới vào chăn nuôi, góp phần đưa các giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thức ăn chăn nuôi công nghiệp, đảm bảo chất lượng đã được các hộ đưa vào trong chăn nuôi. Bước đầu, huyện đã tạo dựng được một số tổ hợp tác trong chăn nuôi tại các xã: Na Mao, Phú Xuyên, Lục Ba, Phục Linh… Các tổ hợp tác đã chủ động liên kết với các công ty sản xuất, cung ứng để được cung cấp thức ăn chăn nuôi giá rẻ, đảm bảo chất lượng. Đến nay, khoảng 70% số hộ chăn nuôi đã sử dụng thức ăn công nghiệp, 30% sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp nguyên liệu thức ăn truyền thống, sẵn có. Nhằm chủ động được nguồn thức ăn và đảm bảo chất lượng, các loại máy chế biến thức ăn đã từng bước được đưa vào. Hiện trên địa bàn có trên 300 máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có 4 máy trộn thức ăn hỗn hợp có công suất 500kg/ngày, còn lại là các loại máy thái đa năng, máy nghiền đùn thức ăn cho gia súc, gia cầm…

 

Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, tránh những rủi ro do dịch bệnh gây ra, hằng năm, huyện đều thực hiện tốt công tác tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm. Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch, đảm bảo 95% số gia súc, gia cầm được tiêm phòng, song song với đó, công tác vệ sinh thú y, khử trùng tiêu độc, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ được chú trọng. Nhờ đó, nhiều năm liền trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh lớn, đàn gia súc, gia cầm không ngừng tăng qua các năm. Hiện tại huyện có tổng đàn trâu là trên 10.500 con, tăng 244 con so với năm 2011; trên 800 con bò, tăng 259 con; trên 70.000 con lợn, tăng gần 13.000 con và khoảng 1.500.000 con gia cầm, tăng trên 460.000 con. Sản lượng thịt hơi hằng năm đạt trên 12.000 tấn, giá trị ngành chăn nuôi đạt trên 27% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện.