Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Những vấn đề đặt ra (Kỳ II)

16:41, 01/03/2017

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi bền vững, mang lại hiệu quả cao cho sản xuất. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu lớn này, nếu chỉ có ngành Nông nghiệp - PTNT đơn phương thực hiện thì sẽ khó có thể thành công, mà cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương cùng bà con nông dân trong tỉnh. Đặc biệt, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không thể tách rời với tái cơ cấu Ngành.

 Suy nghĩ về sự vào cuộc đồng bộ

 

Nhà quản lý vào cuộc

 

Theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh Thái Nguyên sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 320ha nằm trên địa bàn 2 xã Tiên Phong và Tân Hương (T.X Phổ Yên); xây dựng được các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với những loại cây trồng, vật nuôi là thế mạnh của tỉnh; có ít nhất 2 doanh nghiệp (DN) phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 20% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy trình kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đối với các đối tượng cây trồng, vật nuôi ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện của tỉnh… Đây được xem là những chỉ tiêu khá “nặng ký” đối với một tỉnh có xuất phát điểm thấp trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Thái Nguyên. Bởi trong khi cả nước đã có 10 tỉnh, thành phố có khu nông nghiệp công nghệ cao đi vào hoạt động hoặc đang được xây dựng, nhiều địa phương đã xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên dưới 1.000ha (như T.P Hồ Chí Minh, Lâm Đồng…) thì Thái Nguyên mới đang ở điểm xuất phát.

 

Ông Đoàn Bá Thu, Chủ tịch UBND xã Huống Thượng (Đồng Hỷ): Với kinh nghiệm sẵn có, chúng tôi mong muốn xã Huống Thượng sẽ được lựa chọn để hình thành vùng sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao. Nếu được như vậy, chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ diện tích đất nông nghiệp hiện có (400ha) sang trồng rau, hoa để tạo thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn...
Chị Đoàn Thị Thúy, xóm Xuân Đài, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ): Chúng tôi rất ủng hộ việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để các DN bao tiêu sản phẩm của bà con nông dân...
Ông Trương Hồng Dương, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia: Chúng tôi đang có nhu cầu đầu tư trồng nấm trong nhà lạnh, rau thủy canh và hoa lan cấy ghép mô. Do đó, chúng tôi mong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh sớm đi vào hoạt động để Công ty triển khai các chiến lược kinh doanh mới của mình...

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một xu hướng tất yếu trong giai đoạn mới, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng trước sau gì thì chúng ta vẫn phải thực hiện. Bởi vậy, sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nước - nhà khoa học - nhà DN và nhà nông) trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm là một yêu cầu bức thiết đặt ra trong quá trình thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Muốn làm được việc đó, không thể thiếu vắng sự chỉ đạo ráo riết của cả hệ thống chính quyền. Nhất là trong việc huy động các nguồn lực từ vốn ngân sách, vốn ODA… để đầu tư cơ sở hạ tầng (khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…) và thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, khuyến khích phát triển các hình thức liên kết, hợp tác trong nông dân, đặc biệt giữa nông dân với DN nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, gắn với chế biến tiêu thụ, tạo sản xuất ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, làm cơ sở để xây dựng thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường. Quan tâm phát triển DN gắn với hình thức liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường; có nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư lớn.

 

Ông Hoàng Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) nói: Theo tôi, tỉnh cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí đất đai để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt là việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện và ban hành chính sách đủ mạnh, làm đòn bẩy tích tụ đất đai, hỗ trợ thu hút các DN mạnh, tâm huyết vào đầu tư; hỗ trợ DN du nhập công nghệ mới, giống mới… Về phía cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến xã cũng cần vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, tạo chính sách thông thoáng và ưu đãi để thu hút DN đầu tư vào phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

 

Tránh nhiệm của nhà khoa học và doanh nghiệp

 

Ông Nguyễn Tá, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Thái Nguyên cho biết: Thực tiễn đã chứng minh, nếu không có nhà khoa học, không có sự đầu tư về kỹ thuật thì không thể có sự liên kết chặt chẽ và bền vững trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vì lẽ đó, thu hút các nhà khoa học tham gia Chương trình sẽ giúp Thái Nguyên có những bước đi vững chắc. Khi có sự tham gia của nhà khoa học, chúng ta sẽ chủ động được việc lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới theo phương thức đi tắt, đón đầu, nhất là công nghệ giống, tự động hóa, tin học hóa, sau thu hoạch; từng bước nghiên cứu phát triển được các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở xác định loại cây trồng cụ thể, quy mô sản xuất, phương thức tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh…

 

Theo khẳng định của ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT thì DN đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, các DN chỉ thể hiện được vai trò của mình khi có ý tưởng tốt, triển khai thực hiện việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm một cách bài bản và phát triển bền vững. Trong đó, DN có sự liên kết chặt chẽ với HTX, nông hộ; là đầu tàu trong việc liên kết với các nhà khoa học cũng như trở thành trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng được các mô hình điểm về liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao…

 

Suy nghĩ của người dân

 

Trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, người nông dân không thể đứng ngoài cuộc. Họ phải có thu nhập ổn định và bền vững khi Chương trình này đi vào cuộc sống. Anh Hoàng Huy Hiệp, nông dân xóm Xuân Đài, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) cho rằng: Khi DN lấy đất của nông dân để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh cần yêu cầu DN cam kết không để nông dân đứng ngoài cuộc bởi nếu chỉ DN làm ăn phát đạt mà nông dân vẫn nghèo thì Chương trình này của tỉnh không thành công.

 

Tuy nhiên, để người dân có thể đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì ngay từ lúc này, việc quan tâm đến công tác đào tạo về công nghệ cao cho đội ngũ kỹ sư nông nghiệp là rất cần thiết bởi chính họ sẽ truyền đạt kiến thức cho nông dân một cách dễ hiểu nhất. Bên cạnh đó, không thể thiếu việc tuyên truyền, giới thiệu mô hình, công nghệ để người dân áp dụng cũng như mở các lớp tập huấn, hội nghị, hội nghị đầu bờ cho cán bộ nông nghiệp và nông dân tham gia… Đặc biệt là chú trọng công tác đào tạo nghề, trong đó liên kết với các DN theo hướng vừa đào tạo, vừa thực hành và tiếp nhận lao động sau đào tạo. Đồng thời, phát triển các dịch vụ ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp như: tư vấn kỹ thuật, đầu tư, pháp lý, tài chính, bảo hiểm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; cung ứng vật tư, máy móc, thiết bị...

 

Bà Lưu Thị Hồng, hộ sản xuất chè ở xóm Khe Cốc, xã Tức Tranh (Phú Lương) cho rằng: Theo tôi, việc tìm hiểu nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trên thị trường cũng cần được tiến hành để tránh tình trạng thừa “cung”, thiếu “cầu”. Bởi 3 năm nay, chúng tôi đã sản xuất chè an toàn nhưng đầu ra vẫn rất bấp bênh, vào chính vụ chè thường mất giá thảm hại. 

 

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một chương trình lớn của Thái Nguyên. Do đó, việc gắn các hoạt động của Chương trình với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên cả lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp) là rất cần thiết.  Đặc biệt, cùng với sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp, rất cần sự đồng thuận, vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng, nhất là các ngành như Công Thương, Khoa học - Công nghệ, Ngân hàng…