Triển vọng từ cây ớt xuất khẩu ở Định Hóa

07:57, 11/03/2017

Vụ đông năm 2016, Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa đã phối hợp với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tiến Phát (Bắc Kạn) đưa giống ớt chỉ thiên xuất khẩu vào trồng thí điểm trên địa bàn huyện. Đến nay, sau một vụ thu hoạch, cây ớt đã cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác, mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân nơi đây.

Chúng tôi đến thăm khu ruộng trồng ớt của gia đình chị Phan Thị Quế, ở xóm Du Nghệ 1, xã Đồng Thịnh (Định Hóa) vào đúng thời điểm cả nhà đang khẩn trương thu hoạch ớt chín bán cho doanh nghiệp đến thu mua. Chị Quế cho biết: Gia đình tôi có 2 sào ruộng trồng ớt chỉ thiên từ tháng 10-2016, sau 3 tháng thì cho thu hoạch (mỗi lứa khoảng 70-80kg), đến nay đã thu được hơn 700kg ớt. Với giá bán cho doanh nghiệp từ 15-20 nghìn đồng/kg, gia đình tôi đã thu về 13 triệu đồng. Hiện nay, cây ớt vẫn đang trong thời kỳ chính vụ và có thể cho thu hoạch đến hết tháng 7 tới.

 

Cũng trong vụ đông năm 2016, gia đình chị Ma Thị Nông, ở xóm Cắm Xưởng, xã Bảo Cường (Định Hóa) đã trồng thí điểm 2 sào ớt chỉ thiên xuất khẩu, sau 3 tháng cho thu nhập gần 10 triệu đồng. Chị phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi có 5 sào ruộng, trước đây chỉ trồng 1 vụ lúa và 1 vụ ngô/năm, cho thu nhập khoảng 13 triệu đồng. Đến nay, tôi mới chuyển 2 sào ruộng sang trồng ớt nhưng đã cho thu nhập cao gần bằng 5 sào cấy lúa cả năm. Trồng ớt không tốn công chăm sóc như lúa, sản phẩm lại được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ nên chúng tôi rất yên tâm...

 

Ông Đào Phương Tuấn, Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, Vụ đông năm 2016, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tiến Phát (Bắc Kạn) đưa giống ớt chỉ thiên xuất khẩu vào trồng thí điểm tại 2 xã Bảo Cường và Đồng Thịnh với diện tích gần 10 nghìn mét vuông (tương đương khoảng 27 sào). Để bà con yên tâm thực hiện mô hình, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tiến Phát đã hỗ trợ toàn bộ giá giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho người dân theo hình thức trả chậm; đồng thời, ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con theo giá cả từng thời điểm. Trước khi đưa cây ơt vào trồng, doanh nghiệp còn tổ chức tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nông dân.

 

Do là năm đầu tiên triển khai mô hình trồng ớt chỉ thiên xuất khẩu trên địa bàn huyện, đầu vụ thời tiết lại không thuận lợi, mưa nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây ớt. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tiến Phát, các hộ nông dân đã tuân thủ chặt chẽ quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất ớt trung bình đạt khoảng 500-600 kg/sào/vụ (bằng khoảng 80% kế hoạch). Sau khi cây ớt bắt đầu cho thu hoạch đợt 1, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tiến Phát đã đến tận ruộng thu mua cho các hộ nông dân theo giá đã ký kết từ đầu vụ (thấp nhất là 10 nghìn đồng/vụ). Với giá bán hiện nay là 17 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống (khoảng 2 triệu đồng/sào), mỗi sào ớt cho thu nhập khoảng 6 triệu đồng/vụ. Như vậy, nếu thời tiết thuận lợi, người nông dân thực hiện đúng các hướng dẫn kỹ thuật thì năng suất quả có thể đạt dự kiến khoảng 700-800kg/sào. Giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần các loại cây trồng truyền thống như: lúa, ngô, khoai tây… Sau 1 vụ đưa vào trồng thí điểm, cây ớt chỉ thiên xuất khẩu đã cho thấy đây là loại cây trồng rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của huyện miền núi Định Hóa. Bên cạnh đó, cây ớt còn có ưu điểm là dễ trồng, đầu tư công chăm sóc không lớn, ít sâu bệnh, phù hợp với nhiều loại đất, thời gian được thu hoạch ngắn (chỉ khoảng 3 tháng).

 

Theo ông Lê Văn Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tiến Phát: Sau khi thu mua ớt của bà con nông dân về, Công ty sẽ tiến hành sơ chế để xuất khẩu sang các nước lân cận như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ớt tại các thị trường nước ngoài rất lớn. Chính vì vậy, đầu ra cho sản phẩm luôn được công ty đảm bảo cho bà con nông dân. Cũng theo ông Khiêm: Để tránh tình trạng người dân phá vỡ hợp đồng không bán ớt cho công ty khi giá ớt ngoài thị trường tăng cao giống như tình trạng đã từng xảy ra ở một số địa phương thời gian trước đây, chúng tôi đã ký hợp đồng cam kết thu mua giá ớt với mức thấp nhất là 10 nghìn đồng/kg. Nếu giá ớt ngoài thị trường cao hơn thì chúng tôi sẽ thu mua sát với giá thị trường để tránh thiệt thòi cho người dân.

 

Hiệu quả kinh tế bước đầu từ mô hình trồng ớt xuất khẩu đã được khẳng định trên thực tế ở huyện miền núi Định Hóa. Trước triển vọng của cây ớt xuất khẩu, vụ xuân năm 2017, Trạm Khuyến nông Định Hóa đã vận động bà con nông dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng ớt tại 7 xã gồm: Định Biên, Trung Lương, Phượng Tiến, Kim Sơn, Bảo Cường, Đồng Thịnh và Linh Thông với tổng diện tích gần 70 nghìn mét vuông (tương đương khoảng 190 sào). Có thể thấy rằng, trồng ớt xuất khẩu đã và đang góp phần đa dạng hoá cơ cấu cây trồng cho nông dân huyện Định Hóa. Mô hình thành công và tiếp tục được triển khai nhân rộng cho thấy hướng đi đúng đắn trong mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với người nông dân, một xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững thì cần có sự định hướng cụ thể, sự liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nông, nhà doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Có như vậy, mới giúp người nông dân mới yên tâm sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập.