Bảo vệ và phát triển bền vững rừng phòng hộ hồ Núi Cốc

19:38, 24/04/2017

Hướng tới việc trồng cải tạo, thay thế cây keo bằng những loại cây bản địa, hỗ trợ người dân phát triển sinh kế bền vững trên diện tích đất rừng được giao là biện pháp mà Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc đã và đang triển khai nhằm bảo vệ, phát triển bền vững rừng phòng hộ. Từ đó góp phần tạo cảnh quan đẹp để thu hút khách du lịch; đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc có tổng diện tích trên 3.454ha, thuộc địa phận 6 xã: Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên); Lục Ba, Tân Thái, Vạn Thọ (Đại Từ) và Phúc Tân (T.X Phổ Yên). Rừng có vai trò quan trọng trong việc giữ nguồn nước, cho hồ vận hành đạt đúng công suất thiết kế, đồng thời tạo cảnh quan thiên nhiên đẹp để phát triển du lịch.

 

Xác định được tầm quan trọng này, những năm qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc đã phối hợp với chính quyền các địa phương và hạt kiểm lâm các huyện, thành, thị tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Cùng với đó, Ban Quản lý tiến hành giao khoán công tác bảo vệ rừng cho các hộ dân theo phương án đã được phê duyệt. Cụ thể, năm 2016, Ban đã giao khoán trên 1.300ha rừng cho các hộ với mức phí 200 nghìn đồng/ha/năm. Ngoài ra, các hộ dân cũng được trang bị những kiến thức chăm sóc, bảo vệ rừng, nhất là việc xử lý nhanh đối với các tình huống phòng cháy chữa cháy rừng. Anh Lý Xuân Trường, Phó Ban lâm nghiệp xã Phúc Trìu cho biết: Xã có hơn 628ha bao gồm cả rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Do được tập huấn, tuyên truyền về vai trò, tác dụng của rừng trong việc điều hòa khí quyển, giữ nước và đem lại lợi ích kinh tế nên hiện nay, đa số các hộ dân trong xã đều nâng cao ý thức bảo vệ rừng, việc khai thác gỗ được thực hiện theo đúng quy định. Ngoài diện tích nhận khoán, nhiều hộ còn bỏ vốn ra trồng rừng thay thế diện tích đồi tạp. Nhà tôi cũng nhận khoán bảo vệ, chăm sóc 1,4ha rừng, mỗi năm được chi trả gần 300 nghìn đồng. Số tiền này tuy không lớn nhưng cũng góp phần động viên chúng tôi tích cực tham gia bảo vệ rừng...

 

Bên cạnh việc chi trả kịp thời, đầy đủ tiền phí dịch vụ môi trường rừng, từ năm 2015 trở lại đây, Ban Quản lý còn hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế cây keo sang trồng các loại cây bản địa như: Lát, trám, sấu, mít, sầu riêng, vú sữa... Hiện nay, tổng diện tích chuyển đổi được trên 60ha. Anh Long Văn Đoài, một hộ dân ở xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) nói: Nhà tôi nhận khoán bảo vệ 2,4ha rừng. Dưới sự hướng dẫn của Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc, năm 2016, sau khi khai thác, gia đình tôi đã chuyển đổi 0,3ha rừng keo sang trồng cây trám đen. Đây là loại cây vừa cho thu hoạch quả vừa cho khai thác gỗ. Quả trám có giá bán đắt, trung bình 50 nghìn đồng/kg, được người dân rất ưa chuộng và dễ tiêu thụ. 3 năm đầu, khi cây chưa khép tán, chúng tôi có thể trồng các cây dược liệu, cây công nghiệp ngắn ngày kết hợp chăn nuôi để phát triển kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc cho hay: Hiện nay, chúng tôi đang triển khai thực hiện Phương án quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ hồ Núi Cốc bền vững có sự tham gia của người dân, giai đoạn 2014-2020. Mục tiêu của Phương án nhằm phân rõ trách nhiệm và tạo sự đồng thuận của người dân trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển bền vững rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, tạo nên khu rừng có chức năng phòng hộ tốt. Đồng thời, lồng ghép các nội dung đầu tư bảo vệ và phát triển rừng với các dự án khác nhằm đảm bảo quyền lợi, nâng cao thu nhập cho người dân. Người dân sẽ có sự chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh cũng như chia sẻ những lợi ích thu được từ rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật. Tham gia Phương án, bà con thấy yên tâm và gắn bó với khu rừng mình được giao khoán. Từ đó, khuyến khích người dân địa phương tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.