Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng

16:47, 02/04/2017

Với mong muốn nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, anh Văn Tươi, Trưởng xóm Liên Hồng 7, xã Vô Tranh (Phú Lương) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng thanh long ruột đỏ. Kết quả cho thấy, trồng thanh long không mất nhiều công chăm sóc, trong khi đó lại cho thu nhập cao hơn chè.

Anh Tươi cho biết: Làm chè đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều công từ việc chăm sóc đến thu hái, sao sấy. Hơn nữa, để có sản phẩm chè ngon, bán được giá cao thì không phải ai cũng làm được. Do đó, dù đã gắn bó với cây chè hơn chục năm nhưng vợ chồng tôi vẫn quyết định chuyển đổi toàn bộ 5.000m2 chè sang trồng thanh long ruột đỏ. Ưu điểm nổi bật của cây trồng này là không mất nhiều công chăm sóc, phù hợp với gia đình neo người như nhà tôi, hơn nữa lại cho thu nhập cao hơn so với trồng chè.

 

Anh Tươi sinh năm 1982. Năm 2001, sau khi lập gia đình, toàn bộ 5.000m2 đất được ông bà cho, vợ chồng anh đã khai phá trồng chè giâm cành. Năm ấy, anh Tươi cũng là người đầu tiên ở xã trồng chè cành. Mặc dù đã gắn bó với cây chè nhiều năm nhưng đến năm 2012, trong một lần đi tham quan mô hình thanh long ở Phú Thọ, anh Tươi đã nảy sinh ý định trồng giống cây này tại quê hương của mình. Nhận được sự ủng hộ của vợ, năm 2013, anh Tươi đã đồng loạt chặt hạ toàn bộ diện tích chè, vay ngân hàng 100 triệu đồng để san ủi đất, mua cột, hệ thống nước tưới… để trồng giống thanh long ruột đỏ. Khi bắt đầu trồng đúng vào thời điểm Trạm Khuyến nông huyện triển khai mô hình này nên gia đình anh đã được hỗ trợ 50% giá giống, phân bón và các kỹ thuật chăm sóc.

 

Do chưa có kinh nghiệm nên khi bắt đầu triển khai, lứa cây giống đầu tiên của anh đã bị hỏng. Không nản, anh Tươi quyết định tiếp tục bỏ tiền để mua lượt giống mới thay thế. Nhờ kiên trì tìm tòi, học hỏi trên sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng nên chỉ sau 1 năm, vườn thanh long của gia đình anh Tươi đã cho ra quả. Năm đầu tiên, gia đình anh đã thu được gần 2 tấn quả, giá bán bình quân 25.000 đồng/kg cho thu trên 50 triệu đồng. Anh Tươi cho biết: Trồng thanh long chỉ mất 1 lần công đầu tư về giống, cột bê tông, hệ thống tưới…, sau đó chăm sóc rất nhàn. Trong năm, thanh long cho thu hoạch liên tục từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Sau lứa thu hoạch, chỉ cần đi cắt bỏ những cành già để mọc mầm non đậu quả cho vụ sau. Lứa thu hoạch năm ngoái, gia đình tôi đã bán được tới gần 3 tấn quả, thu trên 70 triệu đồng.

 

 Theo anh Tươi, nếu so sánh với cây chè, trồng thanh long cho thu nhập cao hơn hẳn. Trước đây, với 5.000m2 chè, trung bình mỗi lứa gia đình anh thu được khoảng 70kg chè búp khô, giá bán trung bình được 100-120 nghìn đồng/kg thì thu được 7-8 triệu đồng/lứa, mỗi năm thu hái khoảng 6-7 lứa, tổng thu khoảng 40-50 triệu đồng/năm, trừ các chi phí từ thuê hái, tiền thuốc bảo vệ thực vật, xao xấy… thu được gần 30 triệu đồng/năm. Nhưng với trồng thanh long, chỉ mất thời gian chăm sóc trước và sau thu hoạch 1 tháng, còn lại người trồng có thể chủ động làm việc khác, khác với trồng chè phải đầu tư gần như toàn bộ thời gian trong năm. Vì chủ động được thời gian nên vợ anh Tươi vẫn có thể đi làm công nhân may ở ngoài với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. Anh Tươi còn nuôi thêm 300m2 ao cá, bình quân thu nhập mỗi năm từ bán cá được gần 20 triệu đồng. Tổng thu cả năm của 2 vợ chồng anh cũng được trên dưới 150 triệu đồng.

 

Nhận xét về anh Tươi, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vô Tranh cho biết: Dù mới trồng thử nghiệm trên địa bàn xã chưa lâu nhưng vườn thanh long của gia đình anh Tươi đã cho hiệu quả kinh tế tốt, nhiều tư thương trong và ngoài huyện đã tự tìm đến mua. Ngoài làm kinh tế giỏi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trên cương vị là trưởng xóm, anh Tươi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.