Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của giai cấp nông dân, khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chính sách của Đảng và Nhà nước luôn hướng đến phát huy vai trò của người nông dân (ND) trong sản xuất nông nghiệp và mang lại lợi ích cho ND, giúp cho họ có điều kiện nâng cao vị thế chính trị và bảo đảm quyền làm chủ của mình.
Thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đều khẳng định vai trò chiến lược của vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đảng ta luôn coi nông dân và nông thôn là cơ sở và là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định. Trải qua hơn 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng: Tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; năng suất các cây, con không ngừng tăng lên; nhiều loại cây, con có năng suất sinh học thuộc nhóm cao nhất thế giới (như cá tra, điều, tiêu, cà phê, dừa, cao su, gạo...); sản lượng nhiều loại nông sản tăng nhanh, trong đó một số nông phẩm xuất khẩu đứng vào tốp 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới (như tiêu, điều, cà phê, gạo, chè, rau quả tươi, cao su...).
Tuy nhiên, sau một giai đoạn tăng trưởng nhanh, tổng sản phẩm nông nghiệp trong nước có xu hướng chậm lại. Những bất cập trong nông nghiệp vẫn tồn tại kéo dài. Đó là: Hiện tượng “được mùa rớt giá” năm nào cũng xảy ra; thiếu vốn, mặc dù đã có chính sách hỗ trợ của Nhà nước; thu nhập của người ND thấp hơn nhiều so với lao động trong công nghiệp và dịch vụ; xuất khẩu nông sản không ổn định, bị động trong tiêu thụ. Nguyên nhân chính của những bất cập đó là sự không tương thích giữa quan hệ sản xuất và tổ chức sản xuất trong nông nghiệp với điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.
Đa số hộ nông dân nước ta, những đơn vị sản xuất cơ bản trong nông nghiệp, rất nhỏ về tiềm lực kinh tế, sản xuất manh mún. Bình quân một hộ nông dân có 2 lao động và 2 người phụ thuộc. Theo con số tổng hợp của các chuyên gia nghiên cứu, trong tổng số 21 triệu lao động nông nghiệp cả nước thì có tới 97,05% không được đào tạo có chứng chỉ về nghề nghiệp; 80% số hộ có diện tích đất canh tác dưới 1ha, thiếu vốn thường xuyên. Nếu canh tác độc lập, riêng lẻ thì sức mạnh kinh tế của hộ nông dân rất nhỏ bé, khả năng chịu đựng rủi ro rất thấp, tình trạng thoát nghèo rồi tái nghèo rất dễ xảy ra.
Để liên kết các hộ nhỏ lẻ thành đơn vị kinh tế lớn hơn, từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương và chỉ đạo hình thành các hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên có một thời gian dài nhận thức của chúng ta về vai trò HTX trong nông nghiệp chưa phù hợp và đầy đủ với quy luật phát triển. Vì vậy, tác dụng và hiệu quả của HTX còn hạn chế. Hiện nay, các HTX hoạt động hiệu quả chỉ liên kết, hỗ trợ được khoảng 5% số hộ nông dân cả nước, còn 95% số hộ thực chất là sản xuất theo phương thức tự phát (tự quyết định trồng cây gì, nuôi con gì, bán sản phẩm không theo hợp đồng cho thương nhân, không biết trước ai sẽ mua, mua với giá nào và khối lượng bao nhiêu).
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 180 HTX nông nghiệp kiểu mới, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực chăn nuôi. Hầu hết các HTX đã tạo được sự đoàn kết giữa các hội viên, cung ứng giống, phân bón trong quá trình chăn nuôi, sản xuất; đã bước đầu kết nối được giữa người ND với doanh nghiệp trong giải quyết dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản phẩm của các thành viên HTX. Tuy nhiên, thực trạng về phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng không nằm ngoài tình trạng chung của cả nước.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp nước ta đang tồn tại những mâu thuẫn: Sản xuất trong cơ chế thị trường song lại không nắm được nhu cầu thị trường; hộ nông dân cần vay vốn song không đủ điều kiện vay vốn; năng suất tăng song thu nhập lại tăng rất chậm; người ND cần liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, song mỗi doanh nghiệp không thể liên kết trực tiếp với hàng vạn hộ nông dân riêng lẻ; thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm và xuất xứ hàng hóa, song các cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm không thể giám sát trực tiếp hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ; NND cần ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, song các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ khoa học - công nghệ không thể hướng dẫn trực tiếp cho các hộ nông dân.
Để phát huy vai trò chủ thể của người ND, rất cần thiết đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp với những giải pháp đủ mạnh giúp thay đổi căn bản nhận thức, hành động của người dân, đồng thời cần những chính sách hợp lý để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi giúp người ND chủ động và tích cực tổ chức sản xuất, cải thiện thu nhập, góp phần phát triển khu vực nông thôn ổn định và bền vững. Việc phát triển các HTX kiểu mới và Liên hiệp HTX, phát huy vai trò của Hội Nông dân trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần phát huy vai trò chủ thể của người ND trong giai đoạn hiện nay. Chừng nào mà sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu là các hộ riêng lẻ, không liên kết với nhau thì người ND vẫn mãi yếu thế và các yêu cầu rất hợp lý về hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, các chính sách về tín dụng, đào tạo, liên kết với các nhà khoa học sẽ rất khó thực thi.