Tháo gỡ “nút thắt” đầu ra cho rau an toàn: Cần có sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ (Kỳ II)

08:32, 05/04/2017

Trước vấn nạn thực phẩm "bẩn" gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp (DN) sản xuất trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm sạch, đặc biệt là rau an toàn, đưa sản phẩm này từng bước chiếm lĩnh thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Thay đổi tư suy sản xuất

 

Mặc dù được các DN, nhà phân phối bán lẻ đánh giá cao về chất lượng sản phẩm rau sạch của Thái Nguyên, tuy nhiên, theo đại diện các đơn vị, để hợp tác bền vững, các hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh cần thay đổi cách thức sản xuất để sản phẩm có số lượng lớn, ổn định và đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn thực phẩm (ATTP). Đây là cái khó của ngành Nông nghiệp bởi đa phần bà con nông dân vẫn sản xuất nhỏ, chưa hình thành được các vùng chuyên canh rau quy mô lớn. Do vậy, việc cần làm trước tiên hiện nay là tạo điều kiện giúp các hộ nông dân liên kết với nhau để đạt quy mô sản xuất phù hợp, giảm chi phí sản xuất, chi phí giao dịch. Điều này cũng tạo thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về ATTP.

 

Bên cạnh đó cần trợ giúp các cơ sở này làm tốt công đoạn sơ chế, chế biến và bảo quản rau an toàn. Ngoài ra, nông dân cũng cần giữ chữ tín trong sản xuất, tránh tình trạng làm ăn kiểu "chụp giật" (ví dụ như khi nông sản an toàn tăng giá, nông dân tự ý phá vỡ hợp đồng hoặc không cung ứng đủ số lượng sản phẩm theo cam kết với DN). Ông Phạm Văn Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng - con nuôi ở tỉnh Ninh Bình cho biết: Đối với các hộ dân khi ký cam kết liên kết theo chuỗi giá trị, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bảo đảm vệ sinh ATTP, đồng thời, thực hiện đúng cam kết khi giá cả thị trường biến động. Có như vậy mới tạo được sự hợp tác lâu dài, bền vững giữa người dân và DN.

 

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, ngành Nông nghiệp - PTNT đã xây dựng lộ trình phát triển cho cây rau trong 5 năm tới. Trong đó, việc đầu tiên được ưu tiên thực hiện là khuyến khích người dân tăng diện tích gieo trồng, sử dụng đa dạng, phong phú chủng loại rau có giá trị kinh tế cao; phấn đấu đến năm 2020, diện tích cây rau, đậu các loại đạt 15.000ha, tăng so với năm 2016 là 2.000ha, năng suất rau bình quân đạt 170 tấn/ha, sản lượng đạt 255 nghìn tấn. Từng bước hình thành vùng sản xuất rau tập trung, an toàn quy mô lớn, đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông nội đồng, hệ thống tưới, tiêu, xử lý môi trường, hệ thống nhà màng, nhà lưới đáp ứng yêu cầu sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, quản lý chặt chẽ kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chế phẩm sinh học, đất và nước tưới đối với toàn bộ diện tích thuộc vùng sản xuất rau an toàn.

 

Hướng tới chuỗi cung ứng khép kín

 

Thực tế cho thấy, nếu không có sự kết nối từ sản xuất đến phân phối, lưu thông nhằm tạo ra một chuỗi cung ứng khép kín thì sản phẩm rau an toàn sẽ khó cạnh tranh. Trên địa bàn tỉnh ta hiện chưa có bất kỳ một mối liên kết thực sự bền vững giữa DN với người sản xuất, giữa Nhà nước với người sản xuất hay giữa Nhà nước với DN. Để thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các sở, ngành chức năng nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp như: tổ chức hội nghị bàn các giải pháp liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản an toàn; trong đó có sự tham gia của đại diện nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Qua đó nhằm giới thiệu, đánh giá về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng và quy trình sản xuất, bảo đảm vệ sinh ATTP… của các loại nông sản, trong đó có mặt hàng rau an toàn.

 

Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn cũng đang triển khai giám sát quy trình sản xuất, xác nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, dán nhãn, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Từ đó, hướng đến hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Từ nay đến hết năm 2017, tỉnh ta sẽ thực hiện thí điểm việc dán nhãn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, quy trình và quy định về ưu đãi trong năm đầu thí điểm với các đơn vị tham gia dán nhãn sản phẩm, nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa, đặc biệt là giá thành không tăng khi DN, tổ chức, cá nhân thực hiện dán nhãn. Đây được xem là một bước tiến ưu việt, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện được nông sản chất lượng thông qua nhãn sản phẩm, hàng hóa đã được kiểm định và quản lý bởi cơ quan chức năng.

 

Tạo thuận lợi cho các DN

 

Anh Ngô Thanh Hải, Tổng Giám đốc HTX cung ứng thực phẩm an toàn Việt Nam cho biết: Chúng tôi rất mong muốn được tham gia thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp sản phẩm nông sản an toàn, nhằm bảo đảm ổn định được đầu ra và tăng hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời, chủ động liên kết với các hộ dân, HTX sản xuất rau an toàn để ký cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trong cả nước, phục vụ  nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có nhiều DN dám mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp an toàn do sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, lượng vốn đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm. Vì vậy, để thu hút các DN đầu tư vào lĩnh vực này, tỉnh cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ DN như: quy hoạch các khu vực, vùng sản xuất rau an toàn, cho thuê đất giá rẻ, tạo điều kiện về mặt bằng, giảm thuế đối với DN sản xuất rau an toàn. Ngoài ra, cùng với việc xây dựng chuỗi cửa hàng ở các thành phố lớn, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ DN xúc tiến việc xây dựng ở các chợ nông sản đầu mối, các kho chứa và bảo quản rau sạch theo kỹ thuật tiên tiến, tổ chức các mạng lưới cung cấp rau an toàn từ các chợ đầu mối đến các chợ nhỏ ở cấp phường, xã, các bếp ăn tập thể, bệnh viện, trường học, các cửa hàng bán lẻ... để rau an toàn đến tận tay người tiêu dùng.

 

Nói về chính sách hỗ trợ các DN khi tham gia đầu tư vào việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch, đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh Thái Nguyên sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao. Đây cũng là hướng đi của nền nông nghiệp tỉnh nhà trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Thực hiện chủ trương này, các ngành chuyên môn của tỉnh sẽ tiến hành quy hoạch vùng đủ điều kiện sản xuất an toàn; hỗ trợ xây dựng mô hình theo chuỗi, hỗ trợ vay vốn, đất đai... Sắp tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, tăng cường quảng bá sản phẩm nông nghiệp an toàn. Việc triển khai kết nối cung ứng chuỗi nông sản an toàn sẽ bảo đảm quyền lợi của người dân được tiêu dùng rau và các loại thực phẩm sạch.

 

Từ thực tế cho thấy, việc sản xuất rau an toàn đã và đang được nhiều địa phương triển khai thực hiện. Đây là hướng đi phù hợp với nhu cầu thực tế của đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, các mô hình này sẽ khó thành công nếu không xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm một cách hợp lý và bền vững.