Thực hiện cơ giới hóa trong chăn nuôi

17:46, 06/04/2017

5 năm trở lại đây, mỗi năm, đàn vật nuôi của tỉnh tăng khoảng 10%. Hiện nay, toàn tỉnh đã có gần 600 nghìn con lợn, trên 10 triệu con gia cầm và hơn 100 nghìn con trâu bò. Một trong những điều kiện khiến đàn vật nuôi của tỉnh phát triển khá nhanh là do người chăn nuôi đã đưa các loại máy móc, trang thiết bị vào phục vụ chăn nuôi.

Ông Bùi Hải Sơn, chủ trang trại chăn nuôi lợn và gà ở xóm Mới, xã Nam Hòa cho biết: Trang trại của gia đình tôi hiện đang chăn nuôi 100 con lợn nái, 200 con lợn thịt/lứa và 18 nghìn con gà/lứa. Hiện nay, trang trại đã ứng dụng cơ giới vào một số khâu như: vệ sinh, làm mát chuồng trại; chế biến và cung cấp thức ăn, nước uống cho lợn, gà; xử lý chất thải trong chăn nuôi; xây hầm Biogas chạy máy phát điện, đun nấu…

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trang trại của gia đình ông Sơn được đánh giá là một trong những trang trại khá hiện đại trên địa bàn tỉnh. Điều đáng mừng là không riêng gì trang trại của gia đình ông Sơn mà hơn 600 trang trại chăn nuôi của tỉnh cũng đang ứng dụng cơ giới hóa vào phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, một số hộ chăn nuôi quy mô nông hộ trên địa bàn tỉnh tuy còn khó khăn về kinh phí cũng đã mạnh dạn đầu tư máy băm rau, máy thái chuối…. Nói về hiệu quả của việc đưa cơ giới hóa vào phục vụ chăn nuôi, anh Nguyễn Văn Mạnh, xóm Tân Tiến 1, xã Quân Chu (Đại Từ) cho hay: Gia đình tôi đầu tư chăn nuôi lợn hơn chục năm nay rồi. Mỗi lứa, tôi nuôi trên dưới 10 con lợn/lứa. Khi chưa có máy thái chuối, băm rau, tôi phải mất rất nhiều thời gian để làm công việc này. Nhưng nay, do đã mua được máy chế biến thức ăn cho lợn nên tôi không phải vất vả như trước nữa.

 

Thực tế cho thấy, hiệu quả đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất đã tăng từ 1,15 - 1,2 lần so với lao động thủ công. Đồng thời góp phần giải phóng sức lao động, giảm bớt khó khăn, nặng nhọc cho nông dân, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn. Nhận thấy những lợi ích của việc phát triển cơ giới hóa trong sản xuất chăn nuôi, 5 năm trở lại đây, tỉnh ta đã có những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích nông dân đưa cơ giới hóa và phục vụ sản xuất chăn nuôi. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Năm nay, tỉnh hỗ trợ 50% giá mua máy móc cho 9 máy băm cỏ; 2 máy ép, cuốn rơm cỏ cho trâu, bò; 9 máy chế biến thức ăn cho gà, lợn quy mô nông hộ. Tổng số tiền hỗ trợ là trên 420 triệu đồng. Mức hỗ trợ này tuy không lớn nhưng rất có ý nghĩa đối với các mô hình chăn nuôi quy mô nông hộ.

 

Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan song trên thực tế, mức độ cơ giới hóa phục vụ chăn nuôi ở Thái Nguyên hiện vẫn đang ở mức thấp. Trình độ cơ giới hóa chưa đồng bộ, còn rời rạc từng khâu. Việc mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ cơ giới hóa trong chăn nuôi còn mang tính tự phát. Người nông dân thiếu vốn, thiếu thông tin cần thiết về việc đầu tư trang thiết bị. Nguyên nhân của những hạn chế này là do chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ; tính hợp tác, tính hàng hóa thấp nên khó khăn cho cơ giới hóa, nhất là đối với các loại máy có công suất lớn. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi phần lớn đầu tư theo hướng quảng canh, thủ công, chưa đầu tư cơ giới hóa theo hướng khép kín, đồng bộ nên chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất chưa cao, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường.

 

Do vậy, để tháo gỡ những khó khăn này, thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra với Thái Nguyên là phải tiếp tục khắc phục và củng cố quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện để các hợp tác xã nông nghiệp làm nòng cốt trong quá trình thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, sớm hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất chăn nuôi để quản lý, sử dụng tốt máy móc, thiết bị cơ giới hóa nhằm góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn…