Tại diễn đàn Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) năm 2017 diễn ra ngày 17-5 vừa qua, ngay khi Hội nghị còn chưa kết thúc, Chỉ thị số 20/CT-TTg đã được người đứng đầu Chính phủ đặt bút ký ban hành, trong đó có những nội dung khiến cộng đồng DN “mát lòng” như không thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần; thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN.
Thời gian gần đây, qua theo dõi tình hình và phản ánh của cộng đồng DN cho thấy, hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn tồn tại những hạn chế, còn những vụ việc gây phiền hà, sách nhiễu DN. Sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ; thời gian thanh tra kéo dài; nội dung thanh tra chưa rõ ràng, có khi vượt ra ngoài thẩm quyền quản lý; chậm ban hành kết luận thanh tra, chưa làm rõ được dấu hiệu vi phạm, kiến nghị xử lý chưa cụ thể. Tại Hội nghị, các DN đã không ngần ngại than phiền về chuyện thanh, kiểm tra của nhiều bộ, ngành còn xảy ra khá chồng chéo. Cá biệt, có DN cho biết một năm phải tiếp đến 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán, thậm chí trên 10 đoàn, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức.
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do sự phân công, phân cấp, ủy quyền giữa các bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa được rõ ràng. Ngay tại cuộc gặp gỡ này, nhiều kiến nghị cụ thể của DN đã được các vị bộ trưởng, trưởng ngành quyết đáp kịp thời. Đại diện lãnh đạo các địa phương cũng sôi nổi vào cuộc, giải đáp các kiến nghị của DN, doanh nhân, nêu rõ các giải pháp cụ thể hỗ trợ cộng đồng DN phát triển.
Để chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN, Chỉ thị số 20/CT-TTg nêu rõ các cuộc thanh tra phải thực hiện theo đúng định hướng, kế hoạch thanh tra đã phê duyệt; nội dung thanh tra phải giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước được giao; chủ động kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch thanh tra khi cần thiết theo hướng không làm tăng số cuộc thanh tra; ban hành kết luận thanh tra phải đúng thời hạn theo quy định. Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm. Người ra quyết định thanh tra, kiểm tra; trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra; công chức thanh tra chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kết luận, làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm và việc xử lý đối với cá nhân, tổ chức có liên quan theo các dấu hiệu đã được xác định là căn cứ để ra quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất. Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Những động thái kịp thời đó cho thấy việc xây dựng một chính phủ kiến tạo, hành động nhằm thúc đẩy và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp thực sự là quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị; việc giải thích đã đi đôi với giải quyết.
Với Thái Nguyên, để “khơi thông” những “ách tắc” do các DN phản ánh, lãnh đạo tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp thực hiện đồng bộ chương trình “3 đồng hành, 5 hỗ trợ" DN, doanh nhân; nghiên cứu và cải cách bộ phận một cửa; tăng cường giáo dục, quản lý và yêu cầu cụ thể về năng lực làm việc, chuyên môn, tính chuyên nghiệp và thái độ tận tâm với người dân, DN đối với đội ngũ công chức; coi DN là đối tượng phục vụ. Ngoài ra, tỉnh cũng đã có nhiều động thái tăng cường hỗ trợ dịch vụ cho DN như hỗ trợ xúc tiến đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, hỗ trợ về nông nghiệp, hỗ trợ về bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ… Hiệp hội DN luôn là cầu nối lắng nghe tập hợp tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến vướng mắc, những khó khăn còn tồn tại của các DN trong quá trình sản xuất kinh doanh để đề xuất, kiến nghị tới các cấp lãnh đạo của tỉnh. Cùng với đó là truyền tải những chính sách về cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.
Tuy nhiên, không thể giải quyết một sớm một chiều những vướng mắc, tồn tại của các DN mà cần phải có thời gian. Tới đây, triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TTg, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sẽ tiếp tục ban hành những văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn để Chỉ thị thực sự đi vào thực tiễn đời sống của các DN, tạo điều kiện để các DN phát triển lành mạnh. Đối với các DN cần có tầm nhìn xa, làm ăn bài bản, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời cũng cần nắm vững và nghiêm túc tuân thủ pháp luật, kiên trì xây dựng văn hóa doanh nhân và đạo đức DN; tìm hiểu và vận dụng chính xác các quy tắc, luật lệ quốc tế. Từ đó, các DN chủ động nâng cao năng lực sản xuất, tạo chỗ đứng trong việc liên kết, sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ theo chuỗi giá trị thị trường, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế.