Động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

15:09, 20/05/2017

Kết thúc Hội nghị lần thứ 5 khóa XII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua nội dung cơ bản nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Nghị quyết sẽ được hoàn chỉnh và ban hành chính thức để tổ chức thực hiện trong thời gian tới.

Những năm đổi mới, kinh tế tư nhân là một vấn đề gay cấn, lúng túng, gây tranh cãi nhiều nhất. Song, với sự nhất quán trong đường lối đổi mới của Đảng, với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật, nói đúng sự thật, cùng với sự nỗ lực của các nhà lý‎ luận, các nhà quản lý và sự hưởng ứng của toàn dân, đến nay, kinh tế tư nhân đã được hồi phục, phát triển và trở thành một lực lượng kinh tế lớn mạnh, góp phần vào công cuộc đổi mới.

 

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân" (2002-2017) cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng để khuyến khích và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng được nhận thức rõ hơn, đánh giá đúng hơn. Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn hơn trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Tỉ trọng GDP của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả kinh tế cá thể duy trì ổn định ở mức 39-40%. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh.

 

Tuy nhiên, kinh tế tư nhân cũng đã bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của kinh tế tư nhân nhìn chung còn thấp; chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, cá thể. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn yếu kém; chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác và tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động thiếu ổn định, không bền vững, thậm chí bị thua lỗ, giải thể, phá sản. Tình trạng vi phạm pháp luật, gian lận thương mại, trốn thuế, nợ thuế, cạnh tranh không lành mạnh, gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, không quan tâm bảo đảm lợi ích của người lao động diễn biến phức tạp, có nơi, có lúc rất nghiêm trọng.

 

Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ra đời lần này xuất phát từ tình hình thực tiễn, căn cứ vào những đánh giá khách quan, khoa học về kết quả đã đạt được, bám sát chỉ đạo, định hướng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, được các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 5 khóa XII tập trung thảo luận kỹ, tạo sự thống nhất cao về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những nhiệm vụ, giải pháp lớn. Các cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục đổi mới.

 

Và có lẽ, để kinh tế tư nhân ở nước ta có điều kiện phát triển mạnh mẽ, một vấn đề quan trọng cần tập trung giải quyết là vấn đề bình đẳng thật sự giữa kinh tế tư nhân với kinh tế và doanh nghiệp nhà nước, giữa doanh nghiệp vốn trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn. Cùng với đó, cần có chính sách trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh và khởi nghiệp, không tham nhũng, tiêu cực và “lợi ích nhóm”; bảo vệ lâu dài quyền sở hữu tài sản cá nhân và sở hữu trí tuệ.

 

Chúng ta tin tưởng và kỳ vọng triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân lần này sẽ tạo cơ hội để kinh tế tư nhân ngày càng phát triển đúng định hướng và lành mạnh hơn, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.