Hiệu quả từ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP

09:54, 30/05/2017

Bao đời nay, người Mỹ Yên chỉ quen với cách làm chè truyền thống nên hiệu quả từ cây chè mang lại chưa cao. Từ tháng 1-2015, Ban Quản lý chè huyện Đại Từ đã triển khai mô hình sản xuất chè theo quy trình VietGAP trên diện tích 5 ha với 28 hộ xã viên của Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Bắc Hà (xóm Bắc Hà 1 và Bắc Hà 2) tham gia. Từ mô hình này đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển cây chè cho vùng quê nằm dưới chân núi Tam Đảo này.

Sản xuất chè theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) là một chứng nhận giúp giám sát hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh chè bền vững, an toàn và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm. Chứng nhận đem lại lợi ích cho người sản xuất, thị trường và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Anh Lê Văn Hậu, cán bộ phụ trách mô hình cho biết: Khó khăn lớn nhất khi triển khai mô hình là các hộ tham gia đang sản xuất chè theo phương thức truyền thống, công nghệ chế biến lạc hậu, khu vực chế biến bừa bãi, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất và chế biến chè chưa đáp ứng được yêu cầu theo kỹ thuật mới. Các loại trang bị quần áo bảo hộ lao động, dụng cụ lao động và hóa chất chưa có nơi bảo quản riêng. Đặc biệt, bà con chưa có thói quen ghi chép sổ nhật ký nông hộ.

 

Tuy nhiên, bằng sự nhiệt tình, ham học hỏi, sau khi được cán bộ Ban Quản lý chè huyện Đại Từ tập huấn cách trồng, chăm sóc, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP và ghi chép sổ nhật ký nông hộ, bà con đã dần thích nghi và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sau nhiều nỗ lực của các hộ tham gia mô hình, đến tháng 10-2016, Hợp tác xã đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh cấp cấp Giấy chứng nhận sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP TCCN (có giá trị 2 năm, diện tích 5 ha, số hộ 28 hộ). Chị Chu Thị Nhì, Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên cho hay: Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng chè thành phẩm được nâng lên, hiệu quả kinh tế từ cây chè cũng tăng lên. Trước đây, vào chính vụ, mỗi kg chè búp không chỉ bán được với giá 120 nghìn đồng thì nay đã bán được với giá 150 thậm chí là 200 nghìn đồng.

 

Không chỉ tăng hiệu quả kinh tế mà số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây chè cũng giảm từ 1 đến 3 lần so với trước đây. Anh Lê Văn Hậu, cán bộ phụ trách mô hình này nói: Sau 2 năm triển khai, ý thức của người dân về việc sản xuất sản phẩm chè an toàn đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay, các hộ dân đã nắm chắc quy trình sản xuất và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, cũng như tiếp cận được quy trình sản xuất hàng hoá chất lượng cao, biết được tính cấp thiết của vấn đề an toàn thực phẩm trên cây chè trong giai đoạn hiện nay; đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đạt tiêu chuẩn chất lượng.

 

Thực tế cho thấy, dù năng suất chè búp tươi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không cao hơn nhiều so với diện tích chè ngoài mô hình nhưng sản phẩm chè búp khô đã không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), đạt tiêu chuẩn theo quy trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định. Bà con làm chè ở xóm Bắc Hà 1 và Bắc Hà 2 đã biết sử dụng thuốc BVTV đúng danh mục được phép sử dụng trên cây chè, đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc; đúng nồng độ và liều lượng; đúng lúc; đúng cách), ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học góp phần hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; bảo đảm sức khỏe của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; giữ cân bằng hệ sinh thái…

 

Từ những thành công này, xã đang vận động các hộ dân trong xã, đặc biệt là 5 xóm sản xuất chè chuyên canh nhân rộng mô hình sản xuất chè theo quy trình VietGAP, từ đó tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Theo tính toán của chị Nhì, hiện xã có hơn 400ha chè, năng suất chè đạt khoảng 100 đến 115 tạ chè búp tươi/ha/năm; thu nhập bình quân từ 1 ha chè đạt gần 100 triệu đồng/ha. Nếu áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất chè, chi phí đầu tư sẽ giảm khoảng 10 đến 15% (do giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật); giá trị kinh tế sẽ tăng ít nhất 15% (khoảng 15 triệu đồng/ha/năm). Đặc biệt, Mỹ Yên sẽ xây dựng được thương hiệu chè và phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương.

 

Dù vậy, để mô hình có thể nhân rộng, trước mắt, UBND huyện nên có chính sách hỗ trợ để nâng cấp nhà xưởng chế biến, bảo quản chè của các hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP ở 2 xóm Bắc Hà 1 và Bắc Hà 2; hỗ trợ kinh phí cho bà con tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá thương hiệu chè và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...