Không nản chí trước khó khăn

09:38, 30/05/2017

Anh Trương Quốc Hoàn, xóm Soi, xã Kha Sơn (Phú Bình) là chủ mô hình trồng nấm linh chi, nuôi thỏ cho thu nhập gần 300 triệu đồng.Với tinh thần ham học hỏi, kiên trì, anh đã nghiên cứu và tạo ra phôi giống nấm Linh chi, giúp tiết kiệm chi phí khép kín khâu sản xuất. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp anh Hoàn đó là giọng nói nhẹ, gương mặt hiền lành nhưng trong quá trình tiếp xúc, trò chuyện, chúng tôi lại cảm nhận anh là người quyết đoán, mạnh mẽ.

Sinh ra trong gia đình thuần nông, do điều kiện kinh tế khó khăn nên sau khi học xong phổ thông, anh Hoàn tìm kiếm việc làm ở các thành phố lớn. Từng có thời gian làm cho các công ty nông sản xuất khẩu, nên anh Hoàn cũng có cơ hội tiếp cận với các mô hình cây giống mới. Khi về địa phương, anh Hoàn cũng đã triển khai trồng thử nghiệm các giống cây mới như: ớt, ngô ngọt, dưa lê siêu ngọt, nghệ đỏ tới người dân. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên nhiều mô hình không thành công. “Những năm 2009- 2010, tôi mất hàng chục triệu đồng, nhiều lúc thấy nản chí. Nhưng khi ngẫm về lời dạy của Người với thanh niên: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”  tôi lại có thêm động lực.

 

Năm 2014, sau khi tìm hiểu các thông tin về mô hình sản xuất nấm linh chi cho hiệu quả kinh tế cao, anh Hoàn đã quyết định triển khai mô hình này tại quê nhà. Anh đã vay mượn bạn bè, đầu tư hơn 300 triệu đồng để thuê mặt bằng rộng gần 500m2, gồm ba khu: Khu sản xuất, khu cấy giống và khu nuôi giống; mua sắm máy móc để sản xuất như máy trộn mùn cưa, xây lò hấp, bao bì, nguyên liệu các loại, lắp hệ thống đường ống bơm nước thủ công cho nấm vào mùa hè. Trong quá trình sản xuất, do phải đi lại nhiều lần tới các Công ty ở Hà Nội để nhập phôi giống, rất vất vả và tốn kém, anh đã tự tìm hiểu, nghiên cứu thông tin trên mạng để chế ra phôi nấm. Có những nguyên liệu, dụng cụ anh phải nhờ người đặt mua bên nước ngoài, có loại tiền triệu. Những thông tin, công thức, anh phải mò mẫm, vừa phiên dịch sang tiếng Việt, vừa pha chế theo cảm tính. Ròng rã trong hơn 6 tháng, sau gần 40 lần làm thử trên ống nghiệm, pha chế dung dịch, cấy thử nghiệm, rồi ghi chép, theo dõi, cuối cùng anh đã chế được thành công. Từ khi có nguồn phôi giống, cơ sở của anh không chỉ chủ động hơn trong khâu sản xuất mà còn cung cấp cho các cơ sở ở tỉnh bạn với giá rẻ hơn 10.000 đồng/chai phôi nấm so với thị trường.

 

Nhờ thực hiện tốt các công đoạn kỹ thuật, nấm linh chi của cơ sở anh Hoàn cho năng suất khá cao, bịch nấm có thể cho thu hoạch đến 5 lần, trong khi nơi khác chỉ thu khoảng 3 lần. Ngoài ra, các bịch nấm với nguyên liệu mùn cưa sau đó được tận dụng lần nữa để trồng nấm rơm, sản phẩm nấm của cơ sở anh Hoàn đã được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Trung bình mỗi năm, cơ sở của anh nuôi cấy trên 20 nghìn bịch nấm Linh chi, cho thu hoạch khoảng 230 kg nấm khô. Cơ sở của anh Hoàn đã được một công ty ở Hà Nội ký hợp đồng thu mua dài hạn với giá từ  600 - 800 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí sản xuất, mỗi năm gia đình anh thu về trên 200 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, cơ sở của anh Hoàn cũng tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, chủ yếu là người dân trong xóm với mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng.

 

Khi sản xuất nấm đã ổn định, anh Hoàn đã tính đến việc chăn nuôi để nâng cao hiệu quả thời gian. Đầu năm 2017, anh Hoàn quyết định nuôi thỏ vì đây là loại vật nuôi mới, dễ nuôi, dễ thích nghi với điều kiện địa phương. Qua tìm hiểu và học hỏi các hộ nuôi thỏ ở các địa phương, anh đã tích lũy kinh nghiệm riêng cho mình. Khu chuồng được thiết kế cao ráo trên giàn khung, thỏ được nuôi trong các lồng lưới sắt, mỗi lồng được gắn hệ thống đường dẫn nước uống, đảm bảo cung cấp đủ nước cho thỏ trong mùa nắng nóng. Phía dưới giàn lồng, anh Hoàn thả thêm giun quế để giải quyết nguồn phế thải của thỏ, sau thời gian ngắn giun quế cũng sẽ được tận dụng bán cho các điểm thu mua. Hiện tại, trong dãy nuôi của anh Hoàn có 100 con cái và 20 con đực, trên 350 con thỏ con. Theo nhẩm tính của anh Hoàn, với sự phát triển nhanh của loài thỏ, chỉ sau 3 tháng từ khi sinh ra, thỏ con đã thành thỏ mẹ, trọng lượng đạt trên 2kg; thỏ mẹ đẻ 6 – 7 lứa/năm, mỗi lứa có từ 7-8 con, trung bình với giá bán thỏ giống 100-150.000 đồng/kg, thỏ thịt 80.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh Hoàn sẽ thu về từ 100 - 200 triệu đồng.

 

Nhận xét về anh Hoàn, bà Dương Thị Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình cho biết: Với sự kiên trì, năng động, ham học hỏi, anh Hoàn đã có những thành công trong phát triển kinh tế. Anh Hoàn là một trong những tấm gương  tiêu biểu ở địa phương.