Đề án 2037 đã mang đến cho các xóm, bản đồng bào Mông những công trình nước sinh hoạt, điện, đường, lớp học, nhà văn hóa và cây, con giống phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của bà con. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng cần kê chỉnh một số điểm chưa phù hợp để Đề án về đích thành công.
Để công trình bền vững trong dân
Khi đội ngũ cán bộ khuyến nông nhiệt tình
Huyện vùng cao Võ Nhai có 12 xóm, bản đặc biệt khó khăn (thuộc 8 xã) có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống được thụ hưởng Đề án 2037. Qua gần 3 năm triển khai thực hiện, sự đầu tư, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất theo Đề án đã làm thay đổi rõ nét diện mạo các xóm, bản cũng như đời sống của bà con. Điểm đáng lưu ý, việc hỗ trợ cụ thể về tư liệu sản xuất là phù hợp với truyền thống canh tác và điều kiện của các vùng. Rõ nhất là hỗ trợ phát triển cây ngô, bởi đây là loại cây trồng quen thuộc và quan trọng đối với đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao, nơi gần như không có điều kiện canh tác lúa nước. Ông Dương Văn Súa, Phó trưởng xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai) tâm sự: Từ nhiều đời nay, cuộc sống của bà con người Mông luôn gắn với cây ngô, nhưng trước chỉ trồng ngô giống cũ, tự để giống từ vụ này qua vụ khác, lại trồng dầy nên năng suất thấp lắm. Nay được Nhà nước hỗ trợ giống mới, phân bón, lại được cán bộ khuyến nông về tận nơi hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, bà con phấn khởi, tin tưởng làm theo nên bắp ngô to hơn trước nhiều...
Để triển khai thành công các nội dung của Đề án 2037 về hỗ trợ sản xuất, không thể không nhắc tới vai trò rất quan trọng và thường xuyên của đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở. Chị Phan Thị Oanh, cán bộ khuyến nông xã Tràng Xá cho biết: Ngoài việc lập danh sách, xây dựng phương án hỗ trợ bà con, tập huấn kỹ thuật trồng ngô mỗi vụ 1 lần, tôi thường tranh thủ thời gian vào xóm hướng dẫn kỹ thuật khi bà con cần trợ giúp. Đến nay thì trình độ thâm canh cây ngô của người dân ở Chòi Hồng không thua kém so với nơi khác. Tôi cũng tư vấn cho các hộ đăng ký nhận hỗ trợ trồng cây ăn quả theo Đề án 2037 chọn cây nhãn miền, vì loại cây này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây. Thực tế là 3ha nhãn của 10 hộ đang phát triển tốt.
Cùng với cây ngô, các hộ có nhu cầu hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng và trồng cỏ để nuôi trâu, bò, trồng cây ăn quả đều được cán bộ chuyên môn huyện, các xã, nhất là khuyến nông viên cơ sở tư vấn và người dân có quyền chọn lựa giống cây, con gì cho phù hợp nhất. 20 hộ dân xóm Khuổi Mèo chọn mua bò về nuôi thay vì nuôi trâu như các xóm khác, mạnh dạn nhận hỗ trợ giống, phân bón để trồng cây cam sành thay thế vào diện tích vốn trồng ngô. Anh Hà Văn Nguyên, cán bộ khuyến nông xã Sảng Mộc chia sẻ: Dù có truyền thống nuôi bò nhưng người dân Khuổi Mèo chưa quen trồng cỏ làm thức ăn cho chúng, mà thường thả rông hoặc đi kiếm cỏ trên rừng. Sau khi bà con được Đề án hỗ trợ giống cỏ, tôi đã hướng dẫn kỹ thuật và vận động họ mở rộng diện tích, nay nhiều hộ đã quen và thấy rõ lợi ích của việc trồng cỏ chăn bò. Cây cam sành cũng đang phát triển tốt. Tôi cho rằng những nội dung hỗ trợ của Đề án đều rất cần thiết và phù hợp với tập quán, nguyện vọng của người dân.
Nhưng niềm vui chưa trọn
Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn khi chúng tôi tìm hiểu tình hình ở xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương). Được tỉnh hỗ trợ trồng 3ha cây na để thay đổi phương thức sản xuất, tạo hướng thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình, hầu hết các hộ trong xóm đều nhận giống về trồng. Nhà ít thì vài chục cây, nhà nhiều lên tới 1.000 cây. Lên xem bãi na của anh Hoàng Văn Dũng, chúng tôi phải căng mắt ra nhìn bởi nếu không chú ý sẽ dẫm phải cây na nhỏ xíu lẫn trong cây cỏ hoặc màu đất. Không có cây nào được đánh dấu bảo vệ, cũng chẳng thấy dấu hiệu của hố trồng cây ăn quả. Một số cây bắt đầu ra lá non nhưng cũng có nhiều cây đã chết khô. Anh Dũng cho biết: Nhà tôi nhận trồng 1.000 cây ở gần nhà và trên núi. Bãi gần nhà thỉnh thoảng tưới nước được nên nhiều cây sống. Còn phần lớn tôi trồng trên núi, đến cuối năm 2016 thì đã chết quá nửa, chắc do trời nắng, đất khô quá.
Tương tự, anh Hoàng Văn Sì (nguyên Trưởng xóm Phú Thọ) cũng nhận 500 cây na về trồng thay vào bãi ngô của gia đình, nhưng đến nay cây chết quá nửa, phần vì thời tiết, phần bị mối xông gốc. Sau đó, nhà anh được cấp thêm 150 cây để trồng lấp nhưng vì giống bé quá, nhiều cây không sống được hoặc phát triển rất kém.
Khi được hỏi, anh Sì, anh Dũng và một số người khác cho biết: Trước khi trồng, cán bộ phòng nông nghiệp của huyện có xuống nhà văn hóa tập huấn, hướng dẫn cách trồng, sau đó cấp giống cho bà con tự trồng. Người dân trồng xong mới xuống kiểm tra chứ không làm mẫu tại vườn, đồi cho bà con. Chưa kể, cây giống cấp vào khoảng tháng 8-9 (năm 2016), đúng thời điểm nắng “rám quả bòng” và khô hạn nên cây na khó phát triển. Trước thực trạng này, bà con rất muốn được cấp thêm cây giống khỏe vào thời điểm thích hợp và được cán bộ chuyên môn xuống hướng dẫn cụ thể để cây có thể phát triển tốt.
Nguyện vọng của bà con ở xóm Phú Thọ là chính đáng. Để thực hiện dự án phát triển sản xuất theo chủ trương của tỉnh, họ đã bỏ nhiều diện tích trồng ngô (cây lương thực gắn bó với bà con từ bao lâu nay) để trồng na theo dự án và mong muốn một kết quả khả quan. Vậy nhưng, trước thực tế này, nếu các cấp, ngành chuyên môn không xử lý kịp thời và quyết liệt, rất có thể dự án sẽ “chết yểu”. Với bà con người dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với đồng bào Mông, trình độ văn hóa còn hạn chế, không nên để bà con tự “bơi” mà cán bộ phải xuống tận nơi “cầm tay chỉ việc”, đồng thời phải kiểm tra thường xuyên thì dự án mới đem lại kết quả tốt.
Và còn vướng mắc cần tháo gỡ
Đề án 2037 được triển khai nhanh, có tác động rõ rệt trong việc cải thiện đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc Mông. Tuy vậy, do là chính sách đặc thù nên cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thanh quyết toán các nguồn vốn. Theo số liệu báo cáo của Ban Dân tộc UBND tỉnh, tính đến ngày 31-12-2016, huyện Võ Nhai mới giải ngân được hơn 2 tỷ đồng kinh phí làm đường giao thông, bằng gần 50% kế hoạch vốn giao trả nợ xây dựng đường.
Giải thích về sự chậm trễ trên, ông Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Đề án 2037 có sự phối hợp, lồng ghép các chính sách khác nhau nên việc lập thủ tục hồ sơ thanh quyết toán rất phức tạp, khó giải ngân. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn và cấp kinh phí thực hiện Đề án của tỉnh đôi khi còn chậm, dẫn đến khó xây dựng phương án hỗ trợ, lồng ghép các nguồn vốn và đảm bảo thời vụ với nội dung hỗ trợ sản xuất. Vướng mắc này đòi hỏi tỉnh có cơ chế đặc thù trong việc lập hồ sơ thanh quyết toán mới giải quyết được.
Tìm hiểu thêm về những thuận lợi, khó khăn của huyện Đồng Hỷ khi triển khai thực hiện Đề án tại địa phương, chúng tôi được ông Dương Tiến Cường, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ cho biết: Đề án đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đa số đồng bào dân tộc, từ đó đem lại những kết quả tích cực, cải thiện đáng kể đời sống của bà con. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án vẫn còn một số tồn tại, như: Do Đề án có nhiều nguồn vốn chính sách lồng ghép, trong đó mỗi chính sách lại thực hiện theo một cơ chế khác nhau nên dẫn đến vướng mắc trong việc thanh quyết toán; nguồn vốn hỗ trợ giống, phân bón trồng ngô lai phân bổ còn chậm so với thời vụ sản xuất, ảnh hưởng đến khung thời vụ của bà con; một số công trình kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được tiến độ so với kế hoạch của Đề án do khó khăn về nguồn vốn đầu tư...
***
Đề án 2037 - món quà quý dành riêng cho đồng bào dân tộc Mông - chứa đựng sự quan tâm, đồng cảm của nhân dân toàn tỉnh với cộng đồng đang sống ở nơi còn rất nhiều khó khăn. Tuy mới trải qua nửa giai đoạn thực hiện nhưng Đề án đã mang lại những niềm vui cụ thể, thiết thực trong đời sống thường ngày của bà con nơi vùng cao heo hút. Tất nhiên, cùng với sự đầu tư, hỗ trợ theo Đề án, người dân các xóm, bản cũng cần tự nỗ lực vươn lên phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống...
Nhìn lại chặng đường đã qua, tập trung đánh giá, rút kinh nghiệm, kê chỉnh một số vấn đề để tiếp tục thực hiện Đề án 2037 đạt hiệu quả cao hơn là việc làm cần thiết. Và, qua bài viết này, chúng tôi hy vọng được góp sức nhỏ mang niềm vui đến với đồng bào.