Với bề dày truyền thống 66 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với cả nước, ngành Công Thương Thái Nguyên đã và đang phát triển ngày càng lớn mạnh, thể hiện rõ vai trò, vị thế của một ngành kinh tế chủ lực ở địa phương.
Thời gian qua, ngành Công Thương Thái Nguyên đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý: Bằng khen của Bộ Công Thương năm 2011, 2013; Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công Thương năm 2012, 2015; nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương. Năm 2011, Sở Công Thương Thái Nguyên được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2016 được trao Huân chương Lao động hạng Hai. |
Cách đây 66 năm, ngày 14-5-1951, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 21-SL về việc đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Từ đó, ngày 14-5 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam.
Trong 66 năm phát triển, ngành Công Thương Thái Nguyên đã đóng góp quan trọng vào kinh tế địa phương. Nhất là giai đoạn 2008-2015, nền kinh tế Thái Nguyên có những bước phát triển nhảy vọt, trong đó ngành Công Thương giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Giai đoạn này, Thái Nguyên đã thu hút được khoảng 700 dự án với tổng vốn đầu tư đạt trên 250.000 tỷ đồng, trong đó có trên 50 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký khoảng 7 tỷ USD.
Đáng chú ý, tại huyện Đại Từ, Dự án khai thác mỏ đa kim Núi Pháo đi vào hoạt động năm 2013 đã không chỉ cung cấp sản phẩm Vonfram được chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, mà còn có khả năng thay đổi cục diện trên thị trường Vonfram thế giới. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Núi Pháo đã đóng góp hơn 62 triệu USD vào ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động, trong đó hơn 700 lao động địa phương. Tại Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình, huyện Phổ Yên (nay là T.X Phổ Yên), dự án đầu tư 6,4 tỷ USD của Tập đoàn Samsung - Hàn Quốc đã góp phần dịch chuyển cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh theo xu thế từ công nghiệp nặng truyền thống sang công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được trên 11.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tăng khoảng 3.000 cơ sở so với giai đoạn trước. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp của tỉnh đã từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại với 6 KCN, 32 cụm công nghiệp, nổi bật trong đó là KCN Yên Bình và KCN Điềm Thụy với lượng dự án đầu tư từ vốn FDI chiếm đa số... Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 477,5 nghìn tỷ đồng, gấp 19,2 lần so với năm 2010, góp phần đưa tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 51,2% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong đó, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 444,1 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 93%; công nghiệp địa phương ước đạt 17.263 nghìn tỷ đồng; công nghiệp Trung ương ước đạt 16,2 nghìn tỷ đồng.
Đồng hành cùng lĩnh vực công nghiệp, hoạt động thương mại cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại phát triển mạnh, nhiều loại hình, cơ sở hạ tầng dịch vụ hiện đại và truyền thống được triển khai đầu tư: 22 trung tâm thương mại, 24 siêu thị, 54 cửa hàng tự chọn và 139 chợ... Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn năm 2016 đạt trên 22,3 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 18%/năm. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu hiện nay của tỉnh đã đạt mức kỷ lục, năm 2016 đạt 19,1 tỷ USD, gấp 193 lần so với năm 2010. Trong quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 4,742 tỷ đồng, vươn lên đứng vị trí thứ 3 toàn quốc. Công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Ngành chủ động đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại ra nước ngoài; tổ chức nhiều hội chợ thương mại, hoạt động xúc tiến, giới thiệu quảng bá sản phẩm tiêu biểu của tỉnh; quan tâm tuyên truyền, định hướng người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Tự hào thương hiệu Việt”, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”...
Để góp phần ổn định tình hình thị trường, ngành đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường bám sát nhiệm vụ chính trị, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chống gian lận thương mại, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trước xu thế hội nhập hiện nay, ngành Công Thương đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Để chủ động thích ứng với điều kiện mới, Ngành đã tham mưu cho tỉnh xây dựng chiến lược phát triển dài hạn. Trong đó, đề xuất nhiều giải pháp mang tính căn cơ, bền vững, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế cơ bản của tỉnh đến năm 2020 được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10%/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2020 của tỉnh sẽ là, công nghiệp và xây dựng chiếm 53%, dịch vụ chiếm 36%, nông nghiệp chiếm 11%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15%/năm; giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 9%/năm (trong đó, xuất khẩu địa phương tăng 20%/năm trở lên); phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 20%/năm trở lên…
Để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu chủ yếu trên, ngành Công Thương xác định những nhiệm vụ trọng tâm:
Về Công nghiệp: Phát triển công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó, ưu tiên tập trung vào một số ngành có giá trị gia tăng lớn và tỉnh có lợi thế như: Công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp công nghệ thông tin; công nghiệp vật liệu mới... Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành theo hướng chú trọng chất lượng tăng trưởng, phát triển công nghiệp theo chiều sâu. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các lợi thế so sánh của tỉnh. Phát huy nội lực và tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài với nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia vào đầu tư, xây dựng và phát triển ngành.
Về dịch vụ thương mại và quản lý thị trường: Phát triển nhanh, đa dạng, chất lượng và bền vững với các loại hình dịch vụ hiện đại, tiện ích... đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao, tương xứng với lợi thế của tỉnh. Đặc biệt, quan tâm phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ tỉnh ta có thế mạnh, lợi thế so sánh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch. Gắn phát triển các loại hình dịch vụ với phát triển đô thị, phát triển các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ; tăng cường xã hội hoá đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ; tăng khả năng dự báo những biến động và đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đảm bảo thị trường phát triển ổn định, bền vững. Phát triển dịch vụ trong mối liên kết vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong và ngoài nước.