Năm 2013, một số diện tích rừng đầu nguồn của suối Khe Đậy thuộc xóm Tân Lập 1, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) được quy hoạch, chuyển đổi thành rừng sản xuất nên chủ rừng đã tiến hành khai thác lâm sản, xử lý thực bì để trồng rừng mới. Tuy nhiên điều này lại khiến nhiều người dân địa phương lo lắng công trình cấp nước sinh hoạt Khe Đậy có nguy cơ không phát huy được tác dụng do cạn kiệt nguồn nước…
Năm 2000, Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt Khe Đậy tại suối Khe Đậy ở kinh phí hơn 600 triệu đồng để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân 2 xóm: Tân Lập 1, Tân Lập 2. Theo thiết kế, công suất nước của công trình cấp nước đáp ứng cho hơn 70 hộ dân và sau khi hoàn thành, huyện Đồng Hỷ đã bàn giao lại cho chính quyền địa phương trông coi, bảo vệ, trong đó có cả diện tích rừng khu vực đầu nguồn để bảo vệ môi trường, tích trữ nguồn nước…
Theo một số người dân trong xóm Tân Lập 1, trước đây, toàn bộ khu vực rừng đầu nguồn Khe Đậy là rừng phòng hộ nên nguồn nước tại suối rất dồi dào, công trình nước sạch cấp cho người dân vượt so với thiết kế. Năm 2013, một phần diện tích rừng ở khu vực này (gần 12% diện tích rừng đầu nguồn Khe Đậy) được quy hoạch thành rừng sản xuất và giao cho một số hộ dân quản lý, sử dụng. Năm 2014, rừng đầu nguồn Khe Đậy bắt đầu được người dân xử lý thực bì, phục vụ mục đích trồng rừng sản xuất. Ông Nguyễn Quang Chúc, ở xóm Tân Lập 1 cho biết: Từ đầu năm 2014, một số người dân đã tiến hành đốt bãi, xử lý thực bì để trồng rừng sản xuất nên chúng tôi lo lắng ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân trong xóm… Còn ông Lăng Văn Dim, ở xóm Tân Lập 1 lo lắng: Từ khi đưa vào sử dụng, Công trình nước sạch Khe Đậy luôn cung cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân, nhưng tháng tư vừa qua thì xuất hiện tình trạng thiếu nước. Chúng tôi cũng không biết có phải do việc chặt hạ, đốt bãi tại rừng đầu nguồn gây ra hay không.
Chúng tôi đi dọc theo suối Khe Đậy (bắt đầu từ chân núi Cô Tiên lên đến khu vực vực đặt ống lấy nước của công trình nước sạch), nhiều diện tích đã được xử lý thực bì và trồng keo, bạch đàn. Ông Nguyễn Văn Diện, Trưởng xóm Tân Lập 1 cho biết: Hiện nay, phần lớn các hộ dân và hơn 30ha đất nông nghiệp của 2 xóm Tân Lập 1, 2 phụ thuộc vào nguồn nước của công trình này. Việc đốt rừng để xử lý thực bì tại khu vực đầu nguồn có nguy cơ làm suy giảm khả năng trữ nước tại đây, dẫn tới công trình không phát huy được hiệu quả như trước. Người dân chúng tôi còn nhiều khó khăn, bây giờ khoan giếng mất hàng chục triệu đồng thì không có tiền…
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết: Năm 2013, diện tích rừng phòng hộ Khe Đậy chuyển thành rừng sản xuất thuộc Khoảnh 4 (Bản đồ điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng của xã Văn Lăng), với diện tích gần 170ha. Diện tích rừng này nghèo kiệt, chỉ có cỏ và dây leo, ít cây thân gỗ nên không có nhiều giá trị phòng hộ. Hiện nay, người dân đã tiến hành trồng được 14ha keo và bạch đàn, một số diện tích rừng trồng đã bắt đầu khép tán. Việc người dân phản ánh về tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất do ảnh hưởng của quá trình đốt bãi, chặt cây là chưa có cơ sở, vì diện tích xử lý thực bì rất ít so với toàn bộ diện tích rừng đầu nguồn Khe Đậy. Còn ông Phạm Văn Hách, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ cho biết: Lực lượng Kiểm lâm huyện sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra để tránh tình trạng lợi dụng xử lý thực bì để khai thác trái phép lâm sản tại diện tích rừng đầu nguồn Khe Đậy. Bên cạnh đó, qua kiểm tra, rà soát thực tế, tại khoảnh 4 có một số diện tích rừng có giá trị phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện đang đề nghị cấp có thẩm quyền chuyển về rừng phòng hộ.
Diện tích rừng sản xuất tại khu vực đầu nguồn suối Khe Đậy khá lớn nên việc xử lý thực bì để trồng rừng sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân. Vì vậy, chính quyền các cấp của huyện Đồng Hỷ nên có giải pháp thực hiện thiết kế trồng rừng sản xuất tại đây một cách hợp lý để vừa đảm bảo lợi ích kinh tế, vừa đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân hai xóm.