Không trông chờ vào Nhà nước, huy động tối đa sức dân để mua đất, xây dựng nhà văn hoá xóm với số tiền gần 700 triệu đồng, đó là cách làm của xóm Bãi Á 1, thị trấn Chợ Chu, Định Hoá.
Những ngày này, người dân vùng đất “Thủ đô gió ngàn” đang phấn khởi chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về ATK Định Hoá cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20/5/1947 - 20/5/2017), với riêng người dân xóm Bãi Á 1, thị trấn Chợ Chu niềm vui như được nhân đôi khi chuẩn bị đưa nhà văn hoá xóm vào sử dụng.
Nhà văn hoá xóm Bãi Á 1 được thiết kế thoáng rộng với 300m2, mái lợp tôn, có sức chứa gần 200 chỗ ngồi, có đầy đủ các thiết bị như: loa đài, máy lọc nước, quạt điện, gương, phông rèm… Không giấu nổi niềm vui, ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng xóm Bãi Á 1, cho biết: Công trình được khởi công xây dựng tháng 8-2016 và nghiệm thu tháng 4-2017, với tổng kinh phí là 670 triệu đồng, đều do người dân đóng góp.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Xóm Bãi Á 1 nằm ở vị trí trung tâm thị trấn Chợ Chu. Đây là xóm có dân số đông nhất thị trấn với 186 hộ, 684 nhân khẩu. 70% số hộ dân sống bằng nghề kinh doanh, buôn bán. Từ khi thành lập xóm (năm 1998) đến nay, do chưa có nhà văn hoá nên việc sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Mỗi lần hội họp hay sinh hoạt văn nghệ, xóm thường thuê địa điểm là Nhà thiếu nhi huyện, hoặc lên khu chợ Tân Lập, lúc lại họp nhờ nhà dân. Năm 2015, có một hộ dân nằm giữa trung tâm xóm bán đất có giá hơn 430 triệu đồng. Với suy nghĩ đây là cơ hội nên Ban Công tác Mặt trận đã họp bàn và quyết định “liều” là bỏ ra 40 triệu đồng để đặt cọc mua đất trước và xin ý kiến của bà con sau.
Quyết định đó của Ban công tác Mặt trận đã được 90% số dân trong xóm ủng hộ ngay trong buổi họp đầu tiên. Nhiệm vụ mua đất, làm Nhà văn hoá nhanh chóng được đưa vào Nghị quyết của Chi bộ. Theo tính toán, mỗi hộ dân phải đóng gần 6 triệu đồng (gồm tiền mua đất, làm nhà) và số tiền đóng góp sẽ thu trong 2 năm. Để thực hiện nhiệm vụ này, nghị quyết chỉ rõ, sự tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên phải được đặt lên hàng đầu. Gia đình nào chưa đồng ý thì sẽ kiên trì vận động, tôn trọng ý kiến của họ để có cách thuyết phục hiệu quả. Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực xã hội hoá từ con em trong xóm, các doanh nghiệp trên địa bàn. Ông Sáng cho hay: Ban đầu chúng tôi thấy khó thực hiện vì số tiền quá lớn. Nhưng buổi đầu phát động, chúng tôi đã thu được 100 triệu đồng, và trong 20 ngày, xóm đã thu đủ tiền mua đất.
Tiếp xúc với các hộ dân, chúng tôi thấy ai cũng phấn khởi và ủng hộ việc làm Nhà văn hoá. Ông Hà Văn Dưỡng, một người dân chia sẻ: “Hai ông bà tôi năm nay ngoài 80 tuổi, dù không phải đóng góp theo nghị quyết của xóm,nhưng tôi muốn ủng hộ để làm gương, cũng là để xóm có nhà văn hoá khang trang lấy chỗ cho bà con sinh hoạt. Ngoài mức đóng góp chung, nhiều gia đình còn ủng hộ thêm bằng tiền hoặc hiện vật, với tổng số tiền trên 70 triệu đồng, như gia đình anh Nguyễn Xuân Hậu, ủng hộ 7 triệu đồng; anh Khúc Văn Yến ủng hộ bàn và tượng Bác Hồ; anh Lương Văn Bình ủng hộ máy lọc nước…
Đồng chí Lý Văn Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Chu đánh giá: Đây là Nhà văn hoá có quy mô, diện tích và kinh phí lớn nhất thị trấn, tất cả kinh phí xây dựng do người dân đóng. Điều này thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết cao của lãnh đạo và nhân dân trong xóm, nhất là trong điều kiện kinh phí Nhà nước còn hạn hẹp.