Với hơn 15ha chè cành, Na Giang là một trong những xóm có diện tích chè lớn nhất xã Bá Xuyên (T.P Sông Công). Với những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu cũng như nguồn lao động dồi dào, những năm qua, người dân trong xóm đã tập trung phát triển cây trồng này, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Dọc đường vào Na Giang là những tuyến đường bê tông trải dài đến từng ngõ xóm, những đồi keo, bãi sắn cằn cỗi xưa kia được thay thế bởi những nương chè xanh mướt. Trên những soi chè, râm ran câu chuyện kể về kỹ thuật thu hái chè ra sao rồi việc mua máy đốn chè, lắp hệ thống tưới van xoay tự động như thế nào.
Ông Dương Văn Bảy, Trưởng xóm Na Giang cho biết: Xóm hiện có 115 hộ dân và trên 500 nhân khẩu, trong đó có trên 80 hộ làm chè. Trước năm 2000, cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn, họ phải tha hương nhiều nơi làm nghề tự do để trang trải cuộc sống. Nhưng kể từ năm 2001, Sở Khoa học Công nghệ triển khai Dự án đưa chè cành xuống ruộng tại các xóm Chũng Na, Ao Cang, Na Giang (xã Bá Xuyện) với diện tích 10ha thì cuộc sống của bà con nơi đây đã dần thay đổi. Ở Na Giang, bên cạnh những lợi thế về điều kiện tự nhiên thì quan trọng hơn cả là sự năng động, nhạy bén của người dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè. Hiện, Na Giang có trên 15ha chè cành giống LDP1, Phúc Vân Tiên, bình quân mỗi năm, xóm cung cấp ra thị trường gần 10 tấn chè khô, doanh thu đạt trên 1,2 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống của người dân càng thêm khấm khá, tỷ lệ hộ khá giàu tăng lên đáng kể.
Dẫn chúng tôi đi thăm diện tích chè của gia đình, ông Nguyễn Văn Hùng thông tin: Trước đây, hơn 1 mẫu đất đồi tôi trồng để cây rừng hay một số loại cây ăn quả nhưng chỉ thu hoạch được một vài năm cây lại cằn cỗi. Nhận thấy người dân xóm Chũng Na, Ao Cang trồng chè mang lại hiệu quả kinh tế, tôi đã thuê máy móc về cải tạo diện tích đồi, soi bãi để nhân rộng cây trồng này. Hiện nay với hơn 1 mẫu chè cành, mỗi năm gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng. So với các cây trồng khác, trồng chè chỉ vất vả lúc mới trồng còn lại thời gian chăm sóc cũng vừa phải mà lại cho thu nhập ổn định. Hiện, gia đình tôi đang đầu tư lắp đặt hệ thống tưới van xoay tự động nhằm giảm công chăm sóc chè trên các sườn đồi.
Với những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình sản xuất, cùng sự chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện nay, một số hộ dân xóm Na Giang đã mạnh dạn chuyển sang hình thức sản xuất chè hữu cơ thông qua việc sử dụng phân bón vi sinh và thuốc trừ sâu thảo mộc. Đây là hình thức sản xuất mới, đòi hỏi kỹ thuật cao và tuân theo một quy trình khắt khe từ chăm sóc cho đến thu hái và chế biến. Mặc dù, diện tích chè hữu cơ trong xóm chưa nhiều (gần 2ha) nhưng đã phần nào cho thấy, tư duy sản xuất chè của người dân đã dần thay đổi, góp phần đảm bảo sức khỏe cho con người và bảo vệ môi trường.
Theo chị Nguyễn Thị Hương, một trong những hộ tiên phong sản xuất chè hữu cơ trong xóm, gần 10 năm nay, hầu hết chè bà con làm ra đến đâu đều được các tư thương tìm đến thu mua với giá khoảng 150 nghìn đồng/kg. Năm 2014, gia đình chị đã dành một phần diện tích (0,5ha) để sản xuất chè hữu cơ. Ban đầu, sản lượng có sụt giảm do chưa quen với kỹ thuật mới, tuy nhiên sản lượng chè ở những lứa tiếp theo ngày càng tăng lên. Cụ thể, lứa chè đầu tiên gia đình chị thu được 1,5 tạ chè búp khô, hiện nay sản lượng tăng lên tới gần 2,5 tạ và với hình thức canh tác cũ chỉ bán được 150.000 - 170.000 đồng/kg thì nay giá chè hữu cơ được bán với giá 200.000 - 250.000 đồng/kg.
Từ những chuyển biến tích cực trong đời sống cũng như sản xuất chè, ông Dương Văn Bảy khẳng định: Có thể nói, 5 năm trở lại đây, cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực giúp đời sống của bà con thêm khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo từ 15% (năm 2014) đã giảm xuống còn 2%, thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Đời sống nâng lên, năm 2016, bà con đã bảo nhau đóng góp tiền và ngày công lao động để bê tông hóa hơn 2km đường nội thôn; xây kiên cố hơn 1km kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng nhà văn hóa với tổng kinh phí trên 400 triệu đồng; phong trào văn nghệ, thể thao được đẩy mạnh...