Mê Kông là một trong những con sông lớn trên thế giới với chiều dài khoảng 4800 km, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và đổ ra biển Đông. Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long của nước ta, sông Mê Kông cung cấp nước, phù sa, dưỡng chất cho sản xuất nông nghiệp, nguồn lợi thủy sản cho hơn 17 triệu cư dân, đảm bảo cân bằng sinh thái cho các vùng đất ngập nước...
Trong quá trình phát triển kinh tế, các quốc gia đều cố gắng khai thác triệt để tiềm năng phát triển thủy điện từ sông Mê Kông. Tại thượng lưu thuộc lãnh thổ Trung Quốc, có 8 đập thủy điện đã và đang dự kiến sẽ được xây dựng. Tại hạ lưu, Lào và Campuchia đã có kế hoạch xây dựng 12 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Các dự án thủy điện được dự báo là sẽ tác động sâu sắc đến đời sống người dân, môi trường, an ninh lương thực, sự ổn định của khu vực.
Việt Nam là quốc gia vùng hạ nguồn có thể sẽ phải đối mặt với thách thức to lớn về nguồn nước, sinh kế, an ninh lương thực, môi trường và xã hội do tác động tích luỹ, xuyên biên giới của việc xây dựng và vận hành các công trình thuỷ điện trên dòng chính. Nguy cơ này sẽ lớn hơn khi bị cộng hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu...
Ngày nay, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và phát triển thị trường điện khu vực đang nhanh chóng thay đổi diện mạo năng lượng toàn cầu. Trong những năm tới, các dự án thủy điện mới ở Tiểu vùng sông Mê Kông sẽ phải cạnh tranh với các lựa chọn kinh tế hơn, các công nghệ năng lượng mặt trời và điện gió giá thành cũng ngày càng hợp lý và hiệu quả hơn. Do đó, việc chuyển đổi sang tiếp cận với công nghệ năng lượng tái tạo mới và cải tiến các mô hình truyền tải sẽ góp phần giảm ảnh hưởng tiêu cực đến sông Mê Kông, đảm bảo phát triển môi trường bền vững.