Gỡ “nút thắt” trong phát triển kinh tế rừng

09:24, 15/06/2017

Trồng rừng sản xuất để tạo nguồn thu nhập cho người dân đã, đang phát triển mạnh tại huyện Võ Nhai và bước đầu đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, người trồng rừng ở huyện vùng cao này đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc bị thương lái ép giá lâm sản. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều khu vực trồng rừng sản xuất ở Võ Nhai chưa có các tuyến đường lâm sinh để vận chuyển lâm sản khi khai thác…

Những năm gần đây, trồng rừng đang là hướng phát triển kinh tế hiệu quả của hàng nghìn hộ dân ở Võ Nhai do phát huy được lợi thế về đất đai và nguồn lực lao động tại chỗ. Song điều bất cập là sản lượng lâm sản lớn, nhưng giá trị kinh tế đem lại cho người trồng rừng chưa đạt được ở mức cao.l Sở dĩ có tình trạng trên là hầu hết các cánh rừng trồng ở Võ Nhai không có đường vào khai thác (đường lâm sinh) nên chi phí vận chuyển lớn, tư thương dựa vào đó để ép giá lâm sản. Muốn khai thác và bán được sản phẩm, chủ rừng phải thuê người vác tới những địa điểm ô tô có thể vào được hoặc thương lái bỏ tiền thuê phương tiện san ủi mở đường vào bãi để khai thác rồi trừ vào tiền bán gỗ.

 

Ông Chu Văn Đồng, ở xóm Thâm, xã Liên Minh cho biết: Gia đình tôi trồng hơn 1ha keo, cách đường giao thông gần 1km. Thời điểm cây đến tuổi khai thác, nhưng không có đường vận chuyển gỗ nên thương lái thống nhất với gia đình làm đường, sau đó trừ vào tiền bán cây. Nếu ở những nơi thuận tiện giao thông thì giá bán đạt khoảng 80 triệu đồng/ha, còn ở những nơi không có đường vào chỉ được gần 40 triệu đồng/ha… Tương tự trường hợp của ông Đồng, gia đình anh Nguyễn Văn Khải ở xóm Mỏ Bễn, xã Tràng Xá trồng gần 10ha keo đã đến tuổi khai thác nhưng không có đường vận chuyển nên việc bán gỗ rừng sản xuất gặp nhiều khó khăn. Anh Khải chia sẻ: Với điều kiện kinh tế của gia đình tôi thì bỏ ra số tiền gần 60 triệu đồng để làm đường vào khai thác gỗ là vượt khả năng nên buộc phải để thương lái làm đường vào bãi, sau đó, bán gỗ sẽ trừ tiền. Vì vậy, giá bán cây thấp hơn gần 50% so với những khu vực có đường vận chuyển thuận tiện. Biết là bị thiệt nhưng cây đã đến tuổi khai thác, để lâu, quá tuổi thì càng bị mất giá…

 

Qua tìm hiểu ở một số địa phương có diện tích trồng rừng sản xuất lớn của huyện Võ Nhai, chúng tôi đều nhận được những phản ánh tương tự của người dân và chính quyền các xã. Ông Âu Tiến Thọ, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến cho biết: Ở địa phương có hơn 40% hộ dân phát triển kinh tế dựa vào trồng rừng, trong đó, 4 xóm đạt tỷ lệ trên 90%. Tuy nhiên, tất cả các cánh rừng chưa được đầu tư làm đường lâm sinh nên muốn khai thác được cây, người dân phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để làm đường vận chuyển… Với điều kiện kinh tế của người dân tại địa phương thì số tiền đó tương đối lớn. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 24.000ha rừng sản xuất và hưởng ứng chủ trương phát triển kinh tế rừng, thời gian qua người dân đã tiến hành trồng mới hàng nghìn héc ta mỗi năm. Đến nay, nhiều người dân trồng rừng đang gặp khó khăn về vấn đề đường lâm sinh. Trước những khó khăn này, UBND huyện Võ Nhai đã đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh nghiên cứu hỗ trợ người dân trong việc làm đường lâm sinh. Chỉ như vậy, trồng rừng sản xuất ở Võ Nhai mới thực sự đem lại hiệu quả cao cho người dân…  

 

Ngoài những khó khăn về nguồn vốn, việc mở đường lâm sinh phát triển kinh tế rừng ở các địa phương trong tỉnh nói chung vẫn còn nhiều vướng mắc do cơ chế chính sách có nhiều bất cập. Ông Vũ Văn Phán, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Theo quy định, việc người dân tự ý mở đường lâm sinh là vi phạm pháp luật, do làm thay đổi trạng thái rừng. Nhưng việc người dân mở đường lâm sinh phục vụ nhu cầu trồng rừng nên cơ quan chức năng khó có thể xử lý. Cùng với đó là phần lớn các con đường lâm sinh mà người dân tự mở đều không có thiết kế để đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật nên chỉ cần một trận mưa là bị xói mòn, hư hỏng. Muốn sử dụng tiếp được, người dân phải tự bỏ tiền tu sửa rất tốn kém. Trước thực trạng này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện quy hoạch đường băng cản lửa (có tác dụng là đường lâm sinh), có sự tham gia của chủ rừng. Trong đó, Nhà nước thực hiện quy hoạch, thiết kế, người dân hiến đât. Khi có quy hoạch, Nhà nước sẽ hỗ trợ 30 triệu động/km theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thực hiện được do chưa có vốn. Vì vậy, trước mắt phải thực hiện việc xã hội hóa trong làm đường lâm sinh. Dự kiến, năm 2018, Chi cục Kiểm lâm sẽ xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg.  

 

Đường lâm sinh, ngoài sử dụng để vận chuyển gỗ rừng trồng còn có tác dụng là đường băng cản lửa, đường tuần tra bảo vệ rừng của lực lượng chức năng. Việc trồng rừng sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của người dân ở vùng sâu, phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường… Vì vậy, các cấp, ngành của tỉnh và Trung ương nên sớm tháo gỡ “nút thắt” này để hỗ trợ người dân phát triển rừng sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất…