Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây lúa trên một đơn vị diện tích, từ tháng 7-2016, Trạm Khuyến nông T.P Thái Nguyên đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng phân nén dúi sâu N-K trong thâm canh lúa kết hợp với phương pháp cấy hàng rộng, hàng hẹp” trên địa bàn. Đến nay, Dự án đã thu được kết quả tốt, được bà con nông dân đánh giá cao.
Về các xã Thịnh Đức, Tân Cương, Cao Ngạn... (T.P Thái Nguyên) đúng mùa gặt, đâu đâu chúng tôi cũng thấy phảng phất hương thơm nồng của lúa chín. Dưới các cánh đồng, bà con đang nhanh tay cắt từng khóm lúa, bó gọn để chuyển lên máy tuốt. Trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, ai nấy đều hiện lên sự phấn khởi vì có một mùa lúa bội thu. Bà Phạm Thị Bình, xóm Cầu Đá, xã Thịnh Đức vui vẻ nói: Gia đình tôi có 4 sào lúa HKT99. Những vụ lúa trước, do vẫn bón phân theo phương thức truyền thống (bón vãi trên mặt ruộng), tốn nhiều phân mà năng suất lúa không cao. Vụ xuân này, tham gia mô hình áp dụng bón phân viên nén N-K dúi sâu kết hợp cấy hàng rộng, hàng hẹp, tôi thấy cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, nhiều bông, năng suất lúa cao hơn hẳn (đạt khoảng 2,8 tạ/sào).
Còn ông Nguyễn Văn Kim, xóm Nam Thái, xã Tân Cương chia sẻ: Gia đình tôi áp dụng phương pháp bón phân nén dúi sâu N-K kết hợp cấy hàng rộng, hàng hẹp đến nay đã được 2 vụ. Qua quá trình chăm sóc lúa, đồng thời áp dụng phương pháp bón phân mới, tôi thấy không những giảm lượng giống, phân, thuốc BVTV mà năng suất lại tăng, góp phần đem lại thu nhập cho gia đình. Tôi sẽ vận động người dân trong xã áp dụng, làm theo.
Phân nén dúi sâu N-K là loại phân nhả chậm, được hòa tan từ từ. Viên phân được ép từ máy nén, có chứa 55% đạm u rê và 45% Kali Clorua (do Trạm Khuyến nông thành phố sản xuất). Do được dúi sâu trong đất (chỉ dúi một lần duy nhất sau khi cấy từ 3-5 ngày), xung quanh vùng rễ của cây lúa nên việc hấp thu dinh dưỡng của cây tốt hơn, đồng thời khắc phục được hiện tượng bốc hơi, rửa trôi của phân. Đặc biệt, sử dụng phân nén dúi sâu sẽ tiết kiệm được chi phí về phân bón, công lao động và hạn chế sâu bệnh. Còn phương pháp cấy lúa hàng rộng, hàng hẹp (hay còn gọi phương pháp hiệu ứng hàng biên) là công nghệ cấy lúa tiên tiến, được kết hợp quy luật hiệu ứng hàng biên tối ưu với quy luật sức tạo bông tối ưu/khóm để gieo cấy. Thâm canh lúa theo phương pháp này có nhiều ưu điểm như: tiết kiệm giống, hạn chế được sâu bệnh hại, cây lúa tận dụng được ánh sáng đều nhau nên sinh trưởng, phát triển tốt. Số dảnh hữu hiệu trên khóm cao, chiều dài bông tương đối đồng đều, số hạt trên bông nhiều, do đó khi áp dụng phương pháp trên trong gieo cấy, năng suất lúa sẽ cao hơn so với với tập quán canh tác truyền thống của người nông dân. Đây là phương pháp gieo cấy lúa hoàn toàn mới, thân thiện với môi trường. Qua theo dõi ở vụ Mùa năm 2016 và vụ Xuân năm 2017, Trạm Khuyến nông thành phố đánh giá: Khi kết hợp bón phân viên nén dúi sâu N-K với cấy lúa hàng rộng, hàng hẹp, lượng giống giảm từ 15-30%, phân bón giảm từ 10-25%, năng suất tăng từ 20-30%, chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm, cây lúa ít sâu bệnh, tiện chăm sóc...
Tham gia dự án, các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật gieo mạ, làm đất, cấy hàng rộng hàng hẹp, bón phân viên nén dúi sâu; được hỗ trợ 80% giá giống, 40% giá vật tư để đảm bảo các điều kiện thực hiện nghiêm ngặt của quy trình kỹ thuật. Đối với những hộ dân không tham gia dự án có thể mua phân nén tại Trạm khuyến nông với giá 12.500 đồng/kg để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Vũ Công Định, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thành phố cho biết: Dự án là cơ hội để nông dân tiếp cận gần hơn với các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong thâm canh lúa, góp phần thực hiện thành công chương trình 3 giảm 3 tăng, tăng thu nhập cho người nông dân. Thành công của dự án đã làm thay đổi cách nghĩ, tập quán canh tác của bà con, khắc phục được tình trạng bón phân không cân đối, không đủ lượng, đủ loại và không đúng cách. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các xã, phường tiếp tục tuyền truyền, vận động bà con trên địa bàn áp dụng hơn nữa các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh lúa nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.