Hiện nay, thịt lợn bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh đang có giá 50 nghìn đồng/kg, giảm 40 đến 50% so với đầu năm. Giá lợn xuống thấp, nhiều hộ chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp đã chuyển sang chăn nuôi theo phương thức truyền thống nên chất lượng thịt lợn ngon hơn. Người tiêu dùng vì thế cũng không lo mua phải thịt lợn có chứa chất cấm trong chăn nuôi.
Chị Nguyễn Thị Hà, tổ 31, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi thường mua thịt ngoài chợ. Khoảng 1 tháng nay, khi chế biến, tôi thấy thịt rất thơm, ăn ngọt đậm, nhất là khi luộc, nước luộc trong, không có bọt như trước. Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ lợn nuôi bằng các loại thức ăn truyền thống, chất lượng mới ngon như vậy. Còn lợn nuôi bằng cám công nghiệp, cám có chứa chất tăng trọng, khi chế biến, thịt vẫn có mùi tanh…
Không chỉ riêng chị Hương mà nhiều người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đều có chung nhận định như vậy. Chị Lê Thị Nguyệt, xóm Phú Thịnh, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), chuyên kinh doanh thịt lợn tại chợ Đại Từ nói: Kinh doanh thịt lợn hơn 20 năm nay nhưng chưa bao giờ tôi thấy giá thịt lợn hơi giảm mạnh như hiện giờ. Với giá bán rẻ như thời điểm hiện tại, nếu chăn bằng các loại cám công nghiệp, người nuôi lợn sẽ bị lỗ nặng. Bởi vậy, để duy trì chăn nuôi, người dân chỉ còn cách chuyển sang chăn nuôi “dông dài” theo phương thức truyền thống.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi bao cám công nghiệp nặng 25 kg. Giai đoạn đầu, lợn được nuôi bằng loại cám có giá bình quân 370 nghìn đồng/bao; giai đoạn sau, lợn nuôi bằng loại cám có giá từ 220 đến 250 nghìn đồng/bao. Từ lúc nuôi đến lúc xuất chuồng khoảng 4 tháng đối với giống lợn mỡ và 5 tháng đối với giống lợn siêu nạc, tiền mua cám nuôi 1 con lợn mất khoảng 1,8 đến 2 triệu đồng. Đó là chưa kể chi phí mua lợn giống (800 nghìn đồng/con lợn thường, 1,3 triệu đồng/con lợn siêu nạc) và thuốc thú y, công chăm sóc... Với giá bán từ 18 đến 22 nghìn đồng/kg lợn hơi như hiện nay, mỗi con lợn khoảng 1 hoặc trên 1 tạ sẽ bán được từ 1,9 đến 2,3 triệu đồng. Như vậy, nếu chăn bằng cám công nghiệp, người dân sẽ lỗ trên dưới 1 triệu đồng/con. Bà Dương Thị Châm, tổ dân phố số 3, phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên) cho hay: Gia đình tôi nuôi 20 con lợn. Để giảm chi phí đầu tư tôi đã chuyển sang nuôi lợn bằng cám ngô, cám gạo và các loại rau như khoai lang, mon, vừng… Trước đây, chăn nuôi cám công nghiệp, tôi mất gần 14 triệu đồng/tháng, nhưng nay, chi phí giảm xuống chỉ còn 1/3. Dù chi phí giảm, nhưng lợn tăng cân chậm, thời gian từ lúc nuôi đến lúc xuất chuồng kéo dài thêm 2 đến 3 tháng. Bù lại, chất lượng thịt lợn của gia đình tôi ngon hơn, bởi thế đầu ra thuận lợi hơn.
Một thực tế là, khi giá bán lợn hơi cao, nhiều hộ chăn nuôi sử dụng các loại cám có chất tăng trọng để kích thích đàn lợn mau lớn, nhanh được xuất chuồng nhưng chất lượng thịt kém, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi giá bán rẻ, người nuôi lợn lại sử dụng các loại thức ăn truyền thống như cám gạo, cám ngô, rau xanh… để giảm chi phí đầu tư và duy trì sản xuất. Với phương thức chăn nuôi này, vô hình chung, người tiêu dùng lại được lợi vì họ được sử dụng sản phẩm thịt lợn “sạch”. Thay vì phải lặn lội về các vùng nông thôn tìm lợn “sạch” thì thời điểm này, chỉ cần ra bất cứ cửa hàng kinh doanh thịt nào trên địa bàn tỉnh, người dân đều mua được thịt lợn vừa tươi, vừa ngon, vừa “sạch”. Thậm chí, thấy thịt lợn hơi rẻ, nhiều nhóm gia đình còn chung tiền mua khoảng 5 đến 10 con về nuôi rồi thịt dần. Ông Nguyễn Đức Thuận, tổ 2, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) cho biết: Chúng tôi góp tiền mua mấy con lợn về nuôi, từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ được ăn thịt lợn “sạch” giá rẻ, bảo đảm sức khỏe.
Chỉ khi giá thịt lợn rẻ như hiện nay, người tiêu dùng mới có cơ hội được ăn thịt “sạch” ở mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng được hưởng lợi thì người chăn nuôi lại rơi vào cảnh lao đao, thậm chí nhiều người đã bị rơi vào cảnh khánh kiệt tài sản do thua lỗ. Đây là điều mà những người được hưởng lợi không hề mong muốn.
Nghịch lý rẻ - “sạch”, đắt - “bẩn” đã tồn tại nhiều năm nay đối với việc tiêu thụ nông sản của cả nước nói chung, của tỉnh ta nói riêng. Thông thường khi được giá, người dân đầu tư các loại thuốc kích thích tăng trưởng để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Khi mất giá, bà con lại “bỏ không” để cây trồng, vật nuôi phát triển tự nhiên, hiệu quả kinh tế không cao. Nghịch lý này sẽ vẫn tồn tại nếu các cấp, ngành chức năng không có sự định hướng và đánh giá thị trường tiêu thụ sát với thực tế; và người nông dân tiếp tục phát triển các mặt hàng nông sản (trong đó có đàn lợn) theo hướng tự phát, thiếu kế hoạch; không theo quy trình an toàn, bảo đảm an toàn thực phẩm…