Theo Quyết định số 136/QĐ-TTg ngày 6-3-1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án khả thi đầu tư xây dựng Vườn Quốc gia Tam Đảo, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đại Từ phải giao đất cho Dự án mà không được bồi thường để di dân. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho người dân trong đời sống cũng như phát triển kinh tế. Trong khi đó, Vườn Quốc gia Tam Đảo lại chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ cũng như sử dụng một cách hiệu quả diện tích được giao.
Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp tham gia Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra việc rà soát ranh giới Vườn Quốc gia Tam Đảo trên địa bàn huyện Đại Từ. Men dọc theo hồ Vai Vành, xã Phú Xuyên, chúng tôi đi sâu vào chân dãy Tam Đảo. Nơi đây, có khoảng 10 hộ dân thuộc các xóm: Mẫn, Tân Lập và 10 đang sinh sống. Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm ngay chân núi Điệng, ông Lê Bá Huyên, xóm Mẫn cho biết: Gia đình tôi ở đây từ năm 1989, đến năm 1996, tôi có nghe nói khu vực này đã được lấy để xây dựng Vườn Quốc gia Tam Đảo. Nhưng toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn canh tác của gia đình đều ở đây, rời đi, tôi biết lấy gì để sống, thế nên cả gia đình tôi vẫn bám rừng cho đến nay. Hiện gia đình tôi có 20 sào chè, vài sào ruộng và một số diện tích rừng trồng.
Không riêng gia đình ông Huyên, theo kết quả rà soát quá trình quản lý sử dụng đất trên địa bàn huyện Đại Từ, trong ranh giới thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo vẫn còn 36 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu cư trú. Trong số này nhiều hộ đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cùng với đó là hàng trăm hộ ở ngoài nhưng có lán trại, đất trồng chè hoặc vườn cây đang canh tác nằm trong khu vực Vườn Quốc gia. Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý, sử dụng đất rừng thì được biết: Toàn bộ diện tích rừng này trước đây do huyện Đại Từ quản lý, nhưng sau khi Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng Vườn Quốc gia Tam Đảo, huyện đã bàn giao trên 12.000ha theo quy hoạch cho Vườn quản lý. Trong đó, có nhiều hộ dân vẫn đang sinh sống từ trước đó mà không được bồi thường, di dân đi nơi khác, nên dẫn đến tình trạng người dân phải sống “nhờ” đất Vườn Quốc gia Tam Đảo. Cũng bởi mang tiếng sống “nhờ”, nên người dân không dám mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, mà trước có thế nào làm thế ấy nhằm duy trì thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, không chỉ thế các hộ này luôn phải sống trong nơm nớp nỗi lo mất đất.
Một thực tế là, trong quá trình quản lý, Vườn Quốc gia Tam Đảo cũng chưa có biện pháp quản lý một cách chặt chẽ đối với diện tích rừng được giao nên còn tình trạng xâm canh, xâm lấn đất vẫn xảy ra. Đơn cử như đầu năm 2017, một số hộ dân thuộc xóm Vang, xã Quân Chu đã sử dụng máy xúc đào hào làm ranh giới giữa các thửa đất nhằm khoanh lấn chiếm đất rừng với diện tích khoảng 30ha. Đây là diện tích vẫn do Vườn Quốc gia Tam Đảo trực tiếp quản lý. Quá trình đào hào người dân đã đổ đất tràn sang hai bên từ 2-3m nên đã phá hại một số loại cây trồng như lim, xanh và cây gỗ tự nhiên khác. Ngoài ra, tại các xã: Cát Nê, Mỹ Yên, Hoàng Nông, La Bằng, Phú Xuyên cũng xảy ra tình trạng người dân tự ý trồng chè, trồng thêm cây keo dưới tán rừng thuộc sự quản lý của Vườn Quốc gia Tam Đảo, sau đó chặt tỉa dần cây rừng trồng của Vườn Quốc gia Tam Đảo rồi tự nhận bãi chè, bãi cây keo đó là của họ đã trồng từ trước, gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Tính đến nay, các trạm kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo đóng trên địa bàn huyện phối hợp với các xã đã phát hiện bắt giữ, xử lý một số đối tượng xâm lấn đất rừng và nhổ bỏ một số bãi trồng keo, chè trái phép.
Xuất phát từ tình hình thực tế và nguyện vọng của người dân địa phương, tỉnh ta đã có đề nghị điều chỉnh ranh giới cho phù hợp với thực tế nhằm ổn định đời sống của người dân vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo, đồng thời phát huy hiệu quả các diện tích rừng. Phạm vi điều chỉnh được các xã căn cứ vào tình hình thực tế sử dụng đất của người dân với tổng diện tích trên 1.800ha. Trong đó, Quân Chu là xã có diện tích điều chỉnh lớn nhất với gần 438ha, tiếp đó là Mỹ Yên: trên 281ha, Cát Nê: trên 264ha, Hoàng Nông gần 219ha, La Bằng: 173,9ha, Phú Xuyên: 166ha, Yên Lãng: 89,1ha, Văn Yên: 88,4ha, Ký Phú: 62,8ha và Khôi Kỳ: 37,3ha. Để quản lý, sử dụng có hiệu quả diện tích đề nghị điều chỉnh, tỉnh cũng đang tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích rừng và đất rừng thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo nằm trên địa bàn 10 xã của huyện Đại Từ. Từ đó xác định vị trí, ranh giới khu rừng, loại rừng, hiện trạng sử dụng đất rừng nhằm đảm bảo các diện tích đề nghị điều chỉnh là đất trống, đồi núi trọc hoặc diện tích rừng trồng trước đây không thành rừng, diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt, các diện tích người dân đã sử dụng trước năm 1997. Dự kiến việc rà soát sẽ hoàn thành vào trung tuần tháng 6.
Tuy nhiên, để việc điều chỉnh được thực hiện theo đúng kế hoạch, cần có sự phối hợp của Vườn Quốc gia Tam Đảo trong việc cung cấp số liệu, tài liệu, bản đồ, cử cán bộ phối hợp với UBND huyện Đại Từ để dẫn đạc, chỉ mốc giới, ranh giới trước và sau khi điều chỉnh. Có như vậy mới có thể giải quyết dứt điểm những tồn tại về rừng và đất rừng, đáp ứng nguyện vọng và tạo điều kiện cho người dân vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo có đất để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ đó, đảm bảo ổn định đời sống, phát triển kinh tế cho người dân sống gần rừng, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia Tam Đảo. Đồng thời, để tỉnh quản lý, sử dụng và phát triển tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp có hiệu quả, góp phần đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững của Vườn Quốc gia Tam Đảo.