Tăng dự án đầu tư ngoài ngân sách: Tín hiệu tích cực cho nền kinh tế

09:00, 28/06/2017

Những năm gần đây, việc đẩy mạnh thu hút các dự án (DA) đầu tư sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh. Riêng trong những tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã có hơn 40 DA đầu tư ngoài ngân sách được chấp thuận với tổng số vốn đăng ký trên 4,2 nghìn tỷ đồng. Đây được xem là tín hiệu tích cực góp phần kích thích tăng trưởng bền vững, đồng thời còn giảm tải cho đầu tư công, giúp cân bằng cán cân đầu tư trên địa bàn...

6 tháng đầu năm nay, khu vực đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh chứng kiến sự bứt lên của các DA bất động sản. Theo thông tin từ Phòng Đăng ký - Kinh doanh (Sở Kế hoạch - Đầu tư), đã có 13 DA khu dân cư được cấp mới, chiếm 44% so với tổng số dự án thu hút đầu tư vào tỉnh. Điển hình là các DA như: DA xây dựng nhà ở xã hội - Ngôi nhà xanh (Green house), Khu dân cư Tấn Đức JSC, Khu dân cư Vinaconex 3 tại T.X Phổ Yên... Hiện nay, nhà đầu tư các DA này đang hoàn thiện thủ tục về đất đai, xây dựng DA. Lãnh đạo UBND T.X Phổ Yên nhận định, khi các DA này đi vào hoạt động sẽ đáp ứng thêm nhu cầu về nhà ở của người dân trên địa bàn và các khu vực lân cận, nhất là khi Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và các đơn vị phụ trợ cho Samsung ở T.X Phổ Yên và huyện Phú Bình đang thu hút một lượng lớn lao động phục vụ sản xuất.

 

Tiếp đến là các DA đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Hiện đã có 8 DA (3 DA đầu tư trong nước, 5 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI) được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tiêu biểu là DA Khu liên hợp xử lý chất thải Sông Công (T.P Sông Công) của Công ty TNHH Môi trường Phú Hà, vốn đầu tư 1.271 tỷ đồng; DA Nhà máy WOOJINQPD VINA - Thái Nguyên tại KCN Điềm Thụy (Phú Bình) của Công ty TNHH WOOJINQPD VINA, vốn đầu tư 2,3 triệu USD. Khi được hỏi, lãnh đạo Công ty TNHH Môi trường Phú Hà cho biết, môi trường đâu tư của Thái Nguyên đang được cải thiện theo xu hướng ngày càng thông thoáng hơn. Mặt khác, tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, tư duy điều hành kinh tế của lãnh đạo tỉnh khá năng động... Tất cả những điều đó đã khiến chúng tôi chọn Thái Nguyên làm nơi đầu tư DA.

 

Cùng với đó là các DA đầu tư về khoáng sản, nông nghiệp, trong đó có 4 DA được cấp quyết định chủ trương đầu tư về lĩnh vực khoáng sản, đáng chú ý là DA khai thác vàng gốc, deluvi Bãi Mố (Võ Nhai) và DA khai thác mỏ cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại huyện Phú Bình. Các DA này đã được UBND tỉnh cấp giấy phép thăm dò và nhà đầu tư đang thực hiện các thủ tục để được cấp Giấy phép khai thác. Có 4 DA thuộc lĩnh vực nông nghiệp được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, điển hình như: DA nông trại Thái Bình Nguyên tại huyện Đồng Hỷ; DA trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại siêu nạc tại huyện Võ Nhai...

 

Đặc biệt, ngoài đầu tư mới, một số DA đã cấp phép đầu tư từ trước đến nay được hoàn thành và đưa vào hoạt động, như: DA xây dựng Trung tâm thương mại - tài chính (FFC), với số vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thái Nguyên tại T.P Thái Nguyên; DA mở rộng đầu tư của Công ty MaNi Hà Nội, vốn đầu tư 43,5 triệu USD (tương đương 1.000 tỷ đồng) tại Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình) cùng một số DA về nông nghiệp tại các huyện Đại Từ, Định Hóa.

 

Ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư thông tin, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 840 DA đầu tư ngoài ngân sách với tổng số vốn đăng ký trên 305 nghìn tỷ đồng, diện tích đất sử dụng gần 18.500ha, trong đó có 720 DA đầu tư trong nước, 122 dự án vốn FDI. Nhận xét về các DA đầu tư ngoài ngân sách 6 tháng đầu năm nay, ông Hoàng Thái Cương cho rằng, số DA tuy nhiều, nhưng chủ yếu là đầu tư trong nước (tăng 20 dự án so với cùng kỳ năm trước) và có quy mô vừa và nhỏ. Hầu hết mới được cấp chủ trương đầu tư nên nhà đầu tư đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng, môi trường để triển khai DA. Mặc dù vậy, việc có thêm nhiều nhà đầu tư đến với Thái Nguyên là dấu hiệu đáng mừng. Kết quả đó cho thấy công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của tỉnh có chiển biến tích cực, trong đó doanh nghiệp được tạo điều kiện tối đa, được quan tâm tháo gỡ khó khăn...

 

Không thể phủ nhận sự gia tăng của các DA đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh thời gian qua, song các nhà chuyên môn cho rằng, nếu chỉ quan tâm đến số lượng DA thu hút đầu tư thì chưa đủ mà cần xem xét đến chất lượng các DA được cấp phép đầu tư. Bởi từ thực tế cho thấy vẫn còn những DA triển khai chậm hoặc chưa triển khai làm ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển chung của tỉnh, gây lãng phí tài nguyên đất, tác động xấu đến cuộc sống của nhân dân trong vùng DA. Mặt khác, do chưa có nhiều quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, nên thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai và giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài, ảnh hưởng lớn đến tiến độ DA...