32 tuổi, chị Đàm Thị Quy, ở xóm Non Tranh, xã Tân Thành (Phú Bình) đã gây dựng được một trang trại chăn nuôi chuyên nghiệp trị giá hàng tỷ đồng. Nói về thành công của mình, chị chỉ gói gọn trong 2 chữ: cần cù. Tuy nhiên, theo chúng tôi cảm nhận, ngoài sự cần cù, ở người phụ nữ này còn có thêm một yếu tố dẫn đến thành công, đó là bản lĩnh.
Chị Quy sinh ra và lớn lên trong một gia đình người dân tộc Nùng có truyền thống làm nông nghiệp. Năm 2006, chị kết hôn và ra ở riêng với tài sản duy nhất là sức lao động của 2 vợ chồng. Những ngày đầu sau khi cưới nhau, anh chị rong ruổi khắp các nơi từ huyện Phú Bình, T.P Thái Nguyên đến Bắc Giang, Bắc Ninh để bán gà thịt, gà con. Chị Quy nhớ lại: Ngày đó, vợ chồng tôi gánh những lồng gà đi khắp các ngõ ngách để rao bán. Hoặc bất cứ đâu có nhu cầu, chúng tôi đều gánh đến tận nơi. Đi từ sáng sớm đến tối muộn như vậy, mỗi ngày, 2 vợ chồng mới kiếm được 100-200 nghìn đồng.
Năm 2008, anh chị quyết định trở về quê và lập nghiệp. Ban đầu, ngoài mảnh đất bố mẹ cho và ngôi nhà nhỏ 2 vợ chồng tự tay xây dựng, anh chị không có bất cứ một tài sản nào, gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2009, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, gia đình chị Quy được vay 20 triệu đồng để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi nên chỉ sau 2 tháng, đàn gà của gia đình chị bị bệnh nên chết toàn bộ. Không nản lòng trước khó khăn, chị Quy tiếp tục vay thêm vốn từ anh em, bạn bè để đầu tư chăn nuôi. Nhận thấy ở xã có quá nhiều hộ chăn nuôi gà thịt và lợn thịt nhưng hiệu quả kinh tế không cao do mô hình nhỏ lẻ và giá cả thị trường không định, chị Quy quyết định chăn nuôi gà đẻ trứng và lợn nái sinh sản. Rút kinh nghiệm từ thất bại trước đó, lần này, chị bỏ công học hỏi kỹ kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại. Nhờ có sự đầu tư đúng hướng và chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, chỉ sau 1 năm đầu tư, mô hình chăn nuôi của gia đình chị Quy đã cho thấy hiệu quả tích cực.
Đến năm 2010, nhận thấy nhu cầu về gà con giống ở địa phương là rất lớn, chị đã bàn với chồng chuyển hướng hoàn toàn sang kinh doanh ấp nở gà con giống. Một năm sau đó, mô hình kinh tế của gia đình chị đã bắt đầu cho thu lãi. Năm 2012, gia đình đã trả được hết nợ và thoát nghèo. Hiện nay, chị Quy đang tích cực mở rộng chăn nuôi theo hướng trang trại trên diện tích gần 2ha. Gia đình chị hiện đang chăn nuôi 6.000 con gà mái. Mỗi ngày, chị thu về từ 3.000-4.500 quả trứng. Số trứng này, anh chị đầu tư 8 lồng ấp để cung cấp giống cho các thị trường như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Gia Lai… Trung bình mỗi tháng, trang trại của gia đình chị cho doanh thu từ 700-800 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương 4 triệu đồng/tháng.
Nhắc đến quá trình xây dựng kinh tế của gia đình, chị Quy tâm sự: Sau thất bại của lần chăn nuôi đầu tiên, vợ chồng tôi đều nản chí. Lúc đó, số tiền gia đình vay nợ đã lên đến gần 100 triệu đồng, nếu muốn tái đầu tư, phải tiếp tục vay thêm vốn. Sau nhiều lần bàn đi bàn lại, cuối cùng chúng tôi vẫn quyết định đầu tư chăn nuôi. Thêm nữa, mỗi lần đầu tư đổi mới phương pháp chăn nuôi, mua lồng ấp trứng hay cải tiến kỹ thuật… đều là một lần mạo hiểm. Nếu không thành công có thể lâm vào cảnh trắng tay bất cứ lúc nào. Có những đêm, tôi và chồng thức trắng để ngồi tính toán, bàn thảo chỉ để quyết định làm hay không làm?
Để có được thành công từ thất bại ban đầu, chị Quy đã chăm chỉ học hỏi kiến thức từ bất cứ nguồn nào có thể. Chị tham gia tất cả các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do xóm, xã tổ chức; xem các chương trình tivi, đọc sách, báo về chăn nuôi. Không chỉ dừng lại ở việc học lý thuyết, chị còn thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ gia đình đã chăn nuôi lâu năm tại địa phương. Cuối năm 2015, chị Quy dành thời gian 3 tháng đến học tại Trung tâm nghiên cứu gia cầm (thuộc Viện gia cầm – Bộ Nông nghiệp và PTNT). Tại đây, ngoài những kiến thức chăn nuôi, phòng bệnh, chị Quy còn học được kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà. Chị bảo: So với thụ tinh tự nhiên chỉ có tỷ lệ thành công 65-70% thì thụ tinh nhân tạo có tỷ lệ tạo phôi lên đến 98%. Thêm vào đó, thụ tinh theo phương pháp nhân tạo cần số lượng gà trống ít hơn so với phương pháp thông thường.
Thêm một điều đặc biệt nữa ở trang trại của chị Quy là khu vực nuôi gà luôn thoáng mát, kể cả trong những ngày hè nóng bức nhờ hệ thống làm mát thông minh. Ở một đầu của chuồng nuôi, chị Quy lắp đặt dàn phun với nước giếng khoan chảy từ từ qua những lớp phên bằng cót. Đầu kia của khu nuôi được là các quạt lớn chạy bằng điện. Như vậy, gió mát được thổi liên tục suốt dọc khu chăn nuôi. Ngoài ra, chị Quy không dùng theo phương pháp nuôi gà thả vườn như hầu hết các hộ dân xung quanh mà nuôi trong lồng nuôi gà đẻ trứng công nghiệp. Lồng được thiết kế chuyên dùng để nuôi gà đẻ trứng với 3 tầng bậc thang, được thiết kế cả máng ăn, máng nước hứng giọt và máng hứng trứng phù hợp. Việc này vừa giúp tăng hiệu quả chăn nuôi, phòng tránh bệnh tật cho gà vừa giảm công lao động.
Bên cạnh việc sản xuất, kinh doanh, chị Quy còn tích cực tham gia các phong trào thi đua tại địa phương. Chị luôn có mặt đầy đủ trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và công tác xã hội. Sau thành công trong chăn nuôi, chị Quy đã hướng dẫn thêm nhiều hộ đổi mới phương thức sản xuất, cho hộ nghèo vay vốn, con giống để phát triển kinh tế gia đình. Gia đình chị nhiều năm đạt gia đình văn hóa tiêu biểu. Chị Hoàng Thị Tình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thành cho biết: Chị Quy là một trong những tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế và tham gia hoạt động tại địa phương. Trong bất cứ hoạt động nào của Hội, chị đều tham gia nhiệt tình, trách nhiệm. Chị là 1 trong 4 đại biểu của tỉnh Thái Nguyên tham dự Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017.