Mấy năm gần đây, ngành Công nghiệp khai khoáng (CNKK) của cả nước nói chung và của tỉnh ta nói riêng luôn trong tình trạng trầm lắng, ảm đạm. Nhiều sản phẩm khai khoáng trong đó có than, quặng sắt liên tục sụt giảm sản lượng. Nguyên nhân chủ yếu là do ngành Luyện kim khó khăn, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải giảm công suất khiến nguyên liệu đầu vào là khoáng sản giảm theo.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, ngoài một số đơn vị khai thác các loại khoáng sản đặc thù như volfram, vàng, ti tan... vẫn duy trì sản xuất ổn định, hầu hết số cơ sở khai khoáng còn lại gần như chỉ hoạt động cầm chừng. Không ít doanh nghiệp KK phải cắt giảm nhân công, tạm dừng hoạt động 50% máy móc, thiết bị vì hàng tồn kho lớn. Khu vực khai thác quặng sắt là trường hợp điển hình nhất.
Từ cuối năm 2015 đến nay, các mỏ sắt trên địa bàn hoạt động đều không đạt công suất. Mỏ sắt Tiến Bộ, Mỏ sắt Trại Cau trữ lượng hàng triệu tấn của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên những tháng đầu năm nay sản xuất chỉ đạt khoảng 80% công suất. Đặc biệt, Mỏ sắt Trại Cau thời gian qua đang phải tập trung giải quyết những vướng mắc xung quanh tình trạng sụt lún, mất nước của người dân sở tại, nên sản lượng khai thác càng đạt thấp, chỉ bằng khoảng 70% kế hoạch. Cùng với đó, các mỏ sắt nhỏ lẻ của một số doanh nghiệp như: Anh Thắng, Luyện kim đen, Đông Việt…, quặng đều chất đống cao ngất mà không tiêu thụ được. Ngay như đơn vị khai thác thuê cho Gang thép là Công ty CP Nhẫn và Công ty TNHH Hải Thành, nhiều điểm khai thác phải tạm dừng, máy móc đắp chiếu, công nhân cho nghỉ.
Tương tự, ngành khai thác than, cát sỏi trên địa bàn cũng trầm lắng không kém. Nhiều mỏ than đang phải đối mặt với những khó khăn do thiếu khách hàng hoặc có nguồn nhập hàng nhưng cố định theo chỉ định của đơn vị chủ quản. Ngay như Mỏ than Núi Hồng, trước đây sản lượng hàng năm đều tăng từ 10% đến 15% thì nay tỷ lệ tăng rất ít, có thời điểm còn giảm so với cùng kỳ. Được biết, Mỏ than Núi Hồng chỉ được giao cung cấp than cho Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn - TKV, nên sản lượng phụ thuộc gần như toàn bộ vào thị trường điện và năng lực sản xuất của đơn vị này. Đối với cát sỏi, thời gian gần đây nhiều điểm mỏ phải tạm dừng do chỉ đạo của Chính phủ nhằm siết chặt quản lý nên cũng có những tác động nhất định.
Thống kê toàn tỉnh cho thấy, ngành CNKK hiện có trên 30 doanh nghiệp hoạt động, trong đó chủ yếu là khai thác quặng sắt, cát sỏi, đá xây dựng. Các chuyên gia ngành Công Thương cho rằng, tăng trưởng của CNKK đang bị âm tới 2,57%, gần như chạm đáy. 6 tháng đầu năm nay, ngành CN này để sụt giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, 6 tháng đầu năm 2016, KK cũng giảm khoảng 4,5% cùng kỳ. Chỉ tính riêng tháng 5 vừa qua, quặng sắt của tỉnh chỉ đạt 9,4 nghìn tấn, giảm 20,8% cùng kỳ; than khai thác đạt 100 nghìn tấn, tăng không đáng kể (1,1%). Trong khi đó, năm 2016, than khai thác đạt 1,1 triệu tấn, giảm 21,4% và không hoàn thành kế hoạch đề ra (89,6%). Cát sỏi cũng tương tự, 6 tháng đầu năm nay dự ước giảm từ 10% đến 25% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, sở dĩ ngành CNKK gặp khó khăn chính là do hoạt động luyện kim bị đình trệ. Từ mấy năm nay, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (đơn vị đứng đầu ngành luyện kim của tỉnh, tiêu thụ lượng quặng sắt lớn nhất) đều phải giảm sản lượng khoảng 40% so với thời gian trước. Lãnh đạo Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cũng thừa nhận các dây chuyền sản xuất của đơn vị lâu nay chỉ vận hành khoảng 60% công suất thiết kế. Tương tự, ở một số cơ sở luyện kim khác như: Nhà máy luyện gang Nam Son, Nhà máy hợp kim sắt Trung Việt, Công ty CP thép Toàn Thắng... đều đang sản xuất nhỏ lẻ, cầm chừng. Lý do được đưa ra là bởi giá gang trên thị trường xuống thấp, sản xuất nhiều sẽ bị lỗ nhiều. Từ đó kéo theo giá quặng cũng xuống mức gần đáy sàn.
Qua theo dõi, trong ngành CNKK của tỉnh hiện chỉ có sản phẩm đá khai thác là tăng so với cùng kỳ. Dự ước 6 tháng đầu năm, đá khai thác ước đạt 980.000 m3, tăng 9,8%. Tuy nhiên, do tỷ trọng của sản phẩm này chiếm rất ít trong toàn ngành KK nên tác động không đáng kể. Khi nhận định về ngành KK, nhiều người cho rằng sản phẩm vonfram của Dự án Núi pháo đang tăng mạnh, có thể giúp ngành này cải thiện. Tuy nhiên, các chuyên gia thống kê khẳng định, sản phẩm vonfram không được tính cho ngành CNKK vì đây là sản phẩm tinh luyện thuộc ngành CN chế biến.
Các nhà chuyên môn nhận định, ngành CNKK tiếp tục gặp trở ngại và khó có thể phục hồi sớm. Ngành này phục hồi được phụ thuộc rất nhiều vào thị trường trong nước mà cả quốc tế. Trong khi đó, chưa có nhiều dấu hiệu ấm lên của thị trường.