Đòn bẩy cho phát triển kinh tế tập thể

10:47, 13/07/2017

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, trong số các hợp tác xã (HTX) đang hoạt động trên địa bàn thì có tới 64% là hoạt động hiệu quả. Đây là con số ấn tượng mà không phải địa phương nào cũng có được. Với những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực, năng động của chính các HTX thì sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy và chính quyền địa phương đóng vai trò không nhỏ.

Theo thống kê, huyện Đại Từ hiện có 40 HTX đang hoạt động với trên 1.300 thành viên. Doanh thu trung bình của các HTX ước đạt 815,5 triệu đồng/năm/HTX, thu nhập bình quân của các thành viên đạt 3,5 triệu đồng/tháng. Các HTX điển hình xuất sắc trên địa bàn huyện có thể kể đến như: HTX Chè La Bằng (La Bằng), HTX Thanh niên Tân Linh (Tân Linh), HTX Nông nghiệp Thắng Lợi ( Na Mao), HTX Rau an toàn thị trấn Hùng Sơn (thị trấn Hùng Sơn)…     

Thông tin về vấn đề này, bà Trịnh Việt Hà, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Những năm gần đây, để khuyến khích kinh tế tập thể (KTTT) phát triển, huyện Đại Từ đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Cụ thể là: hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thành lập mới các HTX; tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của KTTT; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực quản lý HTX cho cán bộ và các thành viên; hỗ trợ trực tiếp bằng vốn, máy móc, thiết bị cho các đơn vị mở rộng sản xuất kinh doanh... Điều này đã mang lại những kết quả khả quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị KTTT trên địa bàn, thể hiện qua số lượng và chất lượng hoạt động của các HTX được nâng lên đáng kể, ngày càng nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu ra đời từ các HTX...

 

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc  HTX Chè Thanh Lương, xóm Gốc Mít, xã Tân Thái cho hay: Ngay từ quá trình vận động thành lập, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng ủy, UBND xã và các cơ quan cấp trên trong việc tư vấn giúp hoàn thiện các thủ tục, xây dựng điều lệ và định hướng hoạt động. Các xã viên được tham gia nhiều lớp đào tạo, tập huấn khoa học - kỹ thuật về chế biến chè an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm 2016, HTX được hỗ trợ 100 triệu đồng để mua máy móc chế biến, bảo quản chè, gồm: 1 tôn sao gas và 1 máy hút chân không.

 

Một trường hợp khác là HTX Dịch vụ cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Mỹ Yên (xã Mỹ Yên). Năm 2005, HTX được thành lập xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của địa phương. Từ nguồn vốn đầu tư hệ thống cấp nước của tỉnh trị giá 3,7 tỷ đồng, HTX có nhiệm vụ quản lý 2 công trình nước tự chảy ở địa phương. Ban đầu, HTX gặp khá nhiều khó khăn và lúng túng khi nhiều hộ dân kiên quyết không chịu đóng phí hoặc đóng không đầy đủ. Kinh phí để tái đầu tư và duy trì hoạt động của công trình vì thế khá thiếu thốn. Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Từ khi chính quyền xã vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân thì thói quen sử dụng nước có trả phí đã dần hình thành. Đến nay, 970 hộ dân của xã sử dụng nước đều đóng phí đầy đủ. Nhờ đó, hệ thống đường nước trên 30.000m của HTX luôn được quản lý tốt, các hiện tượng người dân tự ý phá đường nước, thiếu nước đã không còn… Qua một số lần kiện toàn, đặc biệt là chuyển đổi theo Luật HTX 2012 (năm 2015), HTX hiện có 9 thành viên và một cán bộ hợp đồng. Với bộ máy tinh gọn, hoạt động theo mô hình kiểu mới, HTX đã và đang là 1 trong những đơn vị KTTT tiêu biểu của huyện, trở thành “điểm sáng” trong lĩnh vực dịch vụ để nhiều HTX học tập.

 

Còn HTX Nông nghiệp Trung Na (xã Tiên Hội), dù mới thành lập vừa tròn 1 năm, cũng gặp phải không ít khó khăn. Đặc biệt là trận mưa lớn từ cuối tháng 3 vừa qua đã khiến toàn bộ diện tích nhà kính cùng hệ thống tưới nhỏ giọt của HTX bị sập đổ, kéo theo 6.000m2 rau màu vừa xuống giống bị dập nát. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh và điạ phương đã nhanh chóng xuống HTX kiểm tra tình hình, đồng thời chỉ đạo hỗ trợ 20% thiệt hại (khoảng 500 triệu đồng) cho đơn vị. Nhờ đó, HTX đã dần đi vào hoạt động ổn định, dự kiến có thể cung cấp ra thị trường rau, củ các loại với số lượng ước đạt 60 tấn/năm.

 

Ngoài các HTX kể trên thì liên tục trong suốt nhiều năm qua, đặc biệt là khi Luật HTX 2012 được triển khai thực hiện, đã có rất nhiều HTX trên địa bàn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, thể hiện rõ nhất thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Cụ thể: Từ năm 2013 đến nay, huyện đã tổ chức được trên 80 lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ HTX với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng; hỗ trợ các HTX trong đào tạo nghề, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại trong sản xuất, chế biến từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh như: HTX Chè an toàn Sơn Thành (70 triệu đồng), HTX Chè Thanh Lương (100 triệu đồng); HTX Chè Đại Phú: 150 triệu đồng; xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng; phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đưa các HTX tham gia triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh…

 

Qua đây cho thấy, ngoài nỗ lực của chính các đơn vị KTTT thì vai trò hỗ trợ của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng. Nói về kế hoạch phát huy hiệu quả của KTTT thời gian tới, bà Trịnh Việt Hà cho biết thêm: Cùng với nhiều giải pháp khác, huyện đề ra kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về KTTT mà nòng cốt là các HTX, thu hút các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với HTX, đồng thời, chú trọng xây dựng các mô hình mới, điển hình tiên tiến để tạo tính lan tỏa ở địa phương…