Giá lợn tăng: Người chăn nuôi thận trọng tái đàn

13:31, 17/07/2017

Từ đầu tháng 7, giá lợn hơi có dấu hiệu hồi phục sau hơn 9 tháng sụt giảm mạnh (từ quý IV-2016). Đây là tín hiệu tích cực đối với ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp - PTNT cũng khuyến cáo bà con tránh tái đàn ồ ạt, dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, gây thua lỗ như thời gian vừa qua.

Những ngày này, diễn biến tình hình giá cả thịt lợn tăng được các hộ chăn nuôi theo dõi, cập nhật từng ngày, từng giờ. Trò chuyện với chúng tôi, bà Dương Thị Tư, ở xóm Ngoài, xã Tân Đức (Phú Bình) cho biết: Từ đầu năm 2017, hết vốn, gia đình tôi đã phải vay Ngân hàng hơn 500 triệu đồng để tiếp tục đầu tư. Ngoài ra, gia đình tôi đã cắt giảm đàn tối đa, từ 20 con lợn nái xuống còn 10 con và 400 con lợn thịt xuống còn 100 con; đồng thời, cho lợn ăn thêm bèo tây, rau, ngô... để giảm chi phí. Mấy ngày nay, giá lợn có dấu hiệu nhích dần lên, chúng tôi rất phấn khởi. Cụ thể, giá lợn hơi đã tăng từ 18 nghìn đồng/kg lên 32 nghìn đồng/kg, có nhà lợn đẹp còn bán được 38 nghìn đồng/kg. Gia đình tôi vừa mới vào đàn hơn 70 con, hy vọng sẽ không còn cảnh giá thấp kỷ lục như trước nữa.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ quý IV-2016 đến tháng 6-2017, giá lợn giảm sâu khiến nhiều hộ dân bỏ trống chuồng. Đối với các hộ nuôi lợn nái cũng cắt giảm đàn tối đa. Hiện nay, lượng lợn thịt tồn đọng trong dân là không còn vì đa phần người dân đã bán tống, bán tháo để cắt lỗ. Nguồn cung lợn cũng giảm so với trước đây vì một số hộ dân, doanh nghiệp đã cạn vốn và không tái đàn. Trong khi đó, phía Trung Quốc lại bắt đầu nhập khẩu lợn qua đường tiểu ngạch để bù lại sản lượng thiếu hụt do ảnh hưởng của thiên tai. Đây là những nguyên nhân khiến giá lợn tăng mạnh trở lại.

 

Giá lợn hơi tăng kéo theo giá thịt lợn tại các chợ và giá lợn con cũng tăng. Ông Đỗ Vương Năng, một hộ chăn nuôi lợn ở xóm Nam Thái, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) cho biết: Cách đây 1 tháng, 1 con lợn con có giá bán 100.000 đồng mà không có người mua, cho cũng chẳng ai lấy, thế nhưng hiện nay đã tăng lên 600.000 đồng/con mà còn phải đặt tiền trước mới có. Tuy nhiên, so với thời điểm giá cao (tháng 8-2016) thì giá lợn giống mới chỉ bằng 50%. Vài tháng trước đây, để nuôi 1 con lợn thịt đến khi đạt 100kg phải mất tổng chi phí (con giống, cám, vắc xin... ) vào khoảng 3,5 triệu đồng. Với giá bán từ 36 nghìn đồng/kg trở lên thì người nuôi mới bắt đầu có lãi, giá dưới 35 nghìn đồng/kg là chúng tôi thua lỗ. Hiện nay, cả lợn thịt và lợn con đều rất dễ bán nhưng chúng tôi không có nguồn cung. Ngày nào cũng có thương lái đi lùng mua lợn thịt nhưng người dân đã không còn lợn để bán. Với tình hình này, trong thời gian tới, giá lợn giống và lợn thịt có thể sẽ tiếp tục tăng.

 

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi - Thú y, trong những năm qua, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Năm 2016, toàn tỉnh có trên 400 trang trại chăn nuôi lợn, tăng 162% so với năm 2015; tổng đàn lợn tăng rất nhanh, năm 2016 đạt trên 745.000 con, tăng 132% so với năm 2014; riêng đàn lợn nái năm 2016 đạt 214.000 con, tăng 230% so với năm 2014. Qua đợt "bão giá" vừa qua, tổng đàn lợn thịt và lợn nái trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Hiện, chỉ còn khoảng 130.000 con lợn nái chất lượng được duy trì để cung cấp con giống phục hồi sản xuất. Người chăn nuôi đã loại thải khá nhiều lợn nái và lợn con kém chất lượng mà trước đây đều để nuôi tận dụng.

 

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT khuyến cáo: Hiện nay, giá lợn đã bắt đầu nhích lên nhưng các hộ dân chưa nên vội vàng tái đàn, tăng đàn ngay. Trước mắt, bà con cần tiếp tục áp dụng các biện pháp giảm chi phí chăn nuôi như lựa chọn con giống tốt, bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có như ngô, khoai, sắn, rau... để có được loại lợn chất lượng, hạ chi phí sản xuất. Ngoài ra phải chủ động phòng, chống dịch bệnh. Đối với các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ và doanh nghiệp tiêu thụ cũng cần hợp tác với nhau, tạo thành chuỗi liên kết khép kín, ổn định.

 

Thời gian qua, do giá lợn xuống thấp nên nhiều hộ nuôi không quan tâm chăm sóc đàn lợn, buông lỏng tiêm vắc xin phòng bệnh. Thêm vào đó, hiện đang trong mùa mưa bão, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều, độ ẩm lớn... nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, trong giai đoạn này, bà con cần tập trung tăng cường khâu kiểm soát dịch bệnh, nhất là sử dụng đầy đủ các loại vắc xin, tiêu độc, khử trùng chuồng trại để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, không nên tái đàn ồ ạt.