Giúp nhau xóa đói, giảm nghèo

10:48, 05/07/2017

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc trở về với cuộc sống đời thường, với phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, những cựu chiến binh (CCB) huyện Đại Từ đã vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.

Tận mắt xem mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông Phạm Văn Trọng, xóm Bình Xuân, xã Bình Thuận mới hiểu được những vất vả của ông. Đối với một người bình thường, để làm được như vậy đã khó vậy mà ông lại là một thương binh hạng 2/4 với tỷ lệ thương tật 61% và nhiễm chất độc da cam.

 

Năm 1979, ông Trọng xuất ngũ trở về quê hương mang theo nhiều vết thương trên người. Lúc đó, do cuộc sống khó khăn, gia đình ông đã phải bán nhà ở thị trấn Đại Từ để mua đất vào xã Bình Thuận sinh sống. Ngày ngày, ông tự san đồi, cày ruộng, trồng cây, chăn nuôi. Từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong, nuôi dúi, đến làm ruộng, trồng chè, trồng rừng, những gì có thể làm để tăng thêm thu nhập ông đều làm và tất cả đều do ông tự mày mò, học hỏi. Với sự cần cù chịu khó, dần dần kinh tế gia đình ông ngày càng khá giả, tạo điều kiện để ông nuôi 4 người con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện nay, 4 người con của ông đều đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng. Giờ đây đã 63 tuổi đời và 40 tuổi Đảng, nhưng ôngTrọng vẫn hăng say lao động, sản xuất.

 

Với sự cần cù, chịu khó, ông Ngô Xuân Vụ, xóm 2, xã Tân Linh đã đầu tư mô hình nuôi ong ngay tại vườn nhà. Để có thể thành công như hôm nay, ông Vụ cũng đã trải qua nhiều lần thất bại. Sau mỗi thất bại, ông không nản lòng mà tự rút kinh nghiệm cho mình, đồng thời mua thêm sách về đọc để tìm hiểu về kỹ thuật nuôi ông. Cuối cùng sự kiên trì của ông cũng được đền đáp, sau gần 10 năm mày mò, tích lũy kinh nghiệm, ông Vụ đã thuộc hết các đặc tính của loài ong. Hiện nay, ông có 100 thùng ong, mỗi năm cho trên 150 lít mật, thu về gần 200 triệu đồng.

 

Không riêng ông Trọng, ông Vụ mà hầu hết các hội viên CCB sau khi xuất ngũ trở về phải đối mặt với nhiều khó khăn của cuộc sống. Tuy nhiên, càng khó khăn, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” lại được thể hiện rõ nét. Họ không ngại khó, ngại khổ, mày mò để tìm ra hướng làm ăn với đủ các ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng chế biến thủy sản đến sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, kinh doanh...

 

Hội CCB huyện Đại Từ hiện có trên 10.600 hội viên, sinh hoạt ở 35 tổ chức Hội cơ sở với 491 chi hội. Đồng hành cùng hội viên trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, những năm qua, các cấp hội CCB trong huyện đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho cán bộ, hội viên; tạo điều kiện cho hội viên đi tham quan những mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm; vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, tăng thu nhập.. Cùng với đó, Hội đã thực hiện hợp đồng ủy thác đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay.

 

Trong 5 năm trở lại đây, Hội đã nhận ủy thác, cho vay số tiền dư nợ trên 80 tỷ đồng, nhiều hội viên đã được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Ngoài nguồn vốn vay của Ngân hàng, Hội cũng phát động các hội viên tham gia đóng góp xây dựng quỹ Hội để cho các hội viên vay phát triển kinh tế. Đến nay, nguồn vốn do hội viên đóng góp trên 5 tỷ đồng. Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Linh cho biết: Xã có 14 chi hội thì cả 14 chi hội đều xây dựng được quỹ với tổng số quỹ hiện nay trên 200 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, các chi hội đã luân phiên cho các hội viên có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, trong đó ưu tiên các hộ thuộc diện nghèo. Nhờ đó mà nhiều hộ hội viên thoát nghèo. Đơn cử như gia đình hội viên Bùi Tiến Huy, xóm 3, mặc dù có đến 10 sào chè nhưng do đều là chè trung du cằn cỗi, không được đầu tư chăm bón tốt nên năng suất, giá bán thấp. Năm 2015, Chi hội đã cho ông Huy vay 5 triệu đồng để mua vật tư phân bón chăm sóc.  Ông cũng chuyển đổi một số diện tích chè già cỗi sang trồng chè giâm cành, nên năng suất chè của gia đình ông đã tăng lên. Đến năm 2016, gia đình ông Huy đã được thoát nghèo.

 

Từ sự chung tay, giúp đỡ của tổ chức Hội và sự nỗ lực của mỗi CCB, đời sống của các CCB trong huyện từng bước được nâng lên, số hộ nghèo giảm từ 30-50 hộ/năm, hiện Hội còn 4,6% hộ nghèo; số hộ khá, giàu ngày càng tăng nhanh. Đặc biệt, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả kinh tế cao do CCB làm chủ. Đến nay, toàn huyện có 65 doanh nghiệp, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã của CCB, tạo việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động là CCB, cựu quân nhân và con em CCB. Năm 2016, có 10 cán bộ, hội viên là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại tham gia vào Hội Doanh nhân CCB tỉnh, bước đầu Chi hội doanh nhân CCB huyện Đại Từ đã trở thành ngôi nhà chung để các CCB giao lưu, học hỏi, hỗ trợ nhau làm kinh tế và các hoạt động xã hội, từ thiện.