Một cựu chiến binh năng động

15:02, 20/07/2017

Về xã Tân Kim (Phú Bình), hỏi chuyện làm giàu, ông Bùi Văn Giảng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã giới thiệu ngay đến gia đình hội viên Vũ Văn Bản, 68 tuổi, chủ trang trại chăn nuôi gà ở xóm La Đuốc. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình ông thu nhập hơn 300 triệu đồng.

Đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi của gia đình, ông Bản tự hào: Tôi đã khởi nghiệp bằng sự cần cù, chăm chỉ lao động và sử dụng có hiệu qủa từng đồng tiền tích lũy hằng năm, để làm nên một gia sản lớn hơn.

 

Câu chuyện của ông đưa chúng tôi ngược về thời gian của hơn 40 năm trước. Ông cũng như bao trai tráng trong làng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau 10 năm phục vụ trong quân đội, năm 1978, ông hoàn thành nhiệm vụ của một quân nhân, phục viên trở về với người thân ở quê nhà. Ông kể: Nhìn đồi bãi đầy cỏ dại mọc cao ngút đầu, tôi xòe đôi bàn tay nói với vợ rằng: tôi sẽ biến những vạt đồi đầy cỏ dại kia thay bằng ngô, sắn, nhà mình sẽ không phải chịu cảnh thiếu lương thực.

 

Vậy là hằng ngày, vợ chồng ông Bản tay dao, tay cuốc cùng nhau khai phá đất hoang, vỡ đất, chỗ dốc trồng sắn, trồng ngô, chỗ bằng trồng vừng, lạc… Sau hơn 3 năm phát, đốt, dọn bãi, lấy ngắn nuôi dài, ông có được hơn 3 ha đất đồi bãi. Để phát huy hiệu quả kinh tế lâu dài, năm 1990, ông tự lên phương án quy hoạch lại toàn bộ khu đất. Tại các mỏm đất cao, hoặc bờ đất dốc, ông mua cây giống lâm nghiệp, chủ yếu là bạch đàn, mỡ về trồng phủ xanh đất trống. Khi cây chưa khép tán, ông trồng xen vào các loại cây sắn, ngô, mố lấy lương thực. Ngô, sắn dư dả, ông dùng chăn nuôi gà, lợn và cho một số hộ trong vùng thiếu lương thực vay ăn đợi vụ.

 

Năm 2000, ông khai thác hết vườn rừng, nhưng do các loại cây bạch đàn đỏ, mỡ phát triển chậm, sản lượng rừng thu được không đáng kể, nên ông chuyển 2 ha đất sang trồng cây keo Tai tượng. Nhờ mưa thuận, cây phát triển nhanh, chỉ sau 3 năm rừng keo đã khép tán. Ông kể: Bấy giờ tôi thực hiện mô hình trên cây, dưới gà, vịt, lợn, tuy chỉ chăn nuôi ở quy mô nhỏ, song thu được hiệu quả kinh tế khá.

 

Năm 2002, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 500 con gà về nuôi. Ngay sau 2 vụ gà “đầu tay” thắng lợi, năm 2003, ông mở rộng quy mô, nuôi 1.000 gà đẻ và dồn hết vốn liếng làm lò ấp trứng, bán gà con cho người dân trong vùng. Khi bán, ông thường hướng dẫn tỉ mỉ cho các hộ đến mua gà giống về kỹ thuật úm gà, chăn nuôi gà và cách phòng bệnh cho gà. Nhiều hộ trong vùng do kinh tế khó khăn, ông sẵn sàng cho vay con giống về nuôi, đến khi có sản phẩm mới nhận lại tiền bán giống.

 

Để chăn nuôi gà đạt hiệu quả cao, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện tổ chức. Đồng thời ông tích cực nghiên cứu thêm các tài liệu liên quan đến chăn nuôi gà trên sách báo. Mỗi năm, ông lại dành một khoản tiền nhất định để mở rộng quy mô chăn nuôi gà của gia đình. Ông cho biết: Gia đình tôi có 3/5 người con theo nghiệp chăn nuôi gà của bố. Các cháu làm trang trại chăn nuôi gà đẻ, lò ấp trứng và nuôi gà thịt đều thu được hiệu quả kinh tế cao.

 

Các con trưởng thành, ra ở riêng, nhà chỉ có 2 vợ chồng cùng ở tuổi “mấy nay hiếm”, nhưng ông Bản vẫn tích cực làm giàu. Từ năm 2014, ông chuyển toàn bộ công nghệ lò ấp trứng cho các con, chỉ đầu tư nuôi 10.000 con gà/lứa, trong đó có 6.000 con gà ta và 4.000 con gà đẻ. 1 năm xuất chuồng 3 lứa gà ta, trọng lượng đạt trung bình 1,8 kg/con, giá bán trung bình (từ năm 2014 đến 2016) được 75.000 đồng/kg, còn trứng bán được 4.000 đồng/quả. Ông cho biết: Sang những tháng đầu năm nay, giá thịt lợn giảm mạnh, nhưng gà vẫn bán được 52.000 đồng/kg. Đầu tháng 7, tôi vừa xuất bán hơn 2 tấn gà thương phẩm, được hơn 100 triệu đồng.

 

Chiều muộn, ông lụi cụi mang cám qua khu chăn nuôi gà đẻ, gà thịt. Vừa nghe bước chân ông, từng đàn gà chạy đến trước máng, đợi cám. Với ông Bản, đó là một công việc quen thuộc, thân thiện như hơi thở hằng ngày.