Thương hiệu “Chè Thái Nguyên” từ lâu đã được bạn bè xa gần biết đến với nhiều vùng chè đặc sản như: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài… Nhờ thực hiện tốt việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, nhiều làng nghề đã mở rộng thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn sản phẩm. Tuy nhiên cũng có không ít làng nghề chè vẫn chưa quan tâm xây dựng thương hiệu.
Chúng tôi đến Làng nghề chè xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh (Phú Lương) trong những ngày mưa lắc rắc. Sau cơn mưa, các nương chè ở đây đâm búp tua tủa, xanh mướt. Sở dĩ chúng tôi lựa chọn Làng nghề chè xóm Gốc Gạo cho chuyến đi tìm hiểu vì được biết, Làng nghề từng tham gia Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam năm 2013 và nhận giải “Búp chè vàng”, “Bàn tay vàng”. Những giải thưởng này góp phần khẳng định giá trị và chất lượng chè ở xóm Gốc Gạo. Vậy nhưng khi được hỏi về thị trường tiêu thụ của làng nghề, ông Phan Đức Thụ, Trưởng xóm Gốc Gạo lắc đầu ngán ngẩm: Đến thời điểm này, người tiêu dùng vẫn chưa biết về sản phẩm của Làng nghề chè Gốc Gạo. Bởi từ trước tới nay, người làm chè trong làng nghề mới chỉ chú ý sao cho làm ra được nhiều chè, còn tiêu thụ như thế nào và ở đâu thì phụ thuộc vào thương lái.
Rời Làng nghề chè xóm Gốc Gạo, chúng tôi xuôi về huyện Phú Bình để tìm hiểu về Làng nghề chè xóm Cả, xã Tân Khánh. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Làng nghề chè xóm Cả chia sẻ: Người dân trong xóm có truyền thống trồng chè từ cách đây hơn 5 thập kỷ. Tuy nhiên, cho đến nay, sản phẩm chè của chúng tôi mới chủ yếu đóng bao bán cho các thương lái. Cũng vì vậy mà đầu ra chưa ổn định, giá bán khá bấp bênh.
Thực trạng sản phẩm chè chưa có thương hiệu như trên không chỉ diễn ra ở Làng nghề chè Gốc Gạo, xóm Kê mà ở hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, toàn tỉnh có 174 làng nghề trồng và chế biến chè, nhưng số lượng làng nghề đã xây dựng được thương hiệu hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở nhiều làng nghề, mặc dù có truyền thống canh tác lâu đời (từ 20-50 năm), diện tích lớn, hương vị thơm ngon không thua kém gì các vùng chè đặc sản khác, thế nhưng, vẫn chưa được nhiều người biết đến tên tuổi. Thậm chí, sản phẩm của làng nghề làm ra phải chịu cảnh “áo gấm đi đêm”, bị trà trộn nhãn hiệu với các vùng chè đặc sản khác…
Nguyên nhân của tình trạng trên là do người dân chưa quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè của làng nghề. Ngay cả yếu tố quan trọng nhất để tạo nên thương hiệu là nhãn hiệu hàng hóa cũng chưa được nhiều làng nghề đăng ký, thực hiện. Theo thống kê của Sở Công Thương, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có 8 nhãn hiệu tập thể được cấp bởi Cục Sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè, gồm: chè Thái Nguyên, chè La Bằng, chè Trại Cài, chè Vô Tranh… Năm 2015, 3 làng nghề chè được cấp chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Năm 2017, nhãn hiệu “chè xóm 5” thị trấn sông Cầu được cấp đăng ký nhãn hiệu. Như vậy, số lượng các làng nghề đã đăng ký nhãn hiệu còn quá nhỏ so với 174 làng nghề chè trên địa bàn tỉnh. Ông Nông Hữu Trọng, Trưởng Làng nghề chè xóm Kê, xã Tân Khánh nói: Làng nghề chúng tôi cũng muốn đăng ký nhãn hiệu rồi xây dựng thương hiệu nhưng chưa ai đứng ra để thực hiện các thủ tục. Còn một khó khăn nữa là kinh phí để thực hiện việc này không nhiều nhưng người dân chưa mặn mà nên huy động không đơn giản.
Bên cạnh việc chưa quan tâm đăng ký nhãn hiệu, nhiều làng nghề cũng chưa quan tâm đầu tư thiết bị, cải tiến kỹ thuật canh tác, chế biến chè. Đơn cử như 9 làng nghề chè ở huyện Võ Nhai. Đến nay, hầu hết hộ dân ở các làng nghề này vẫn canh tác theo phương thức cũ, ngại thay thế giống chè cũ bằng giống mới, chậm ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đầu tư thiết bị chế biến chè. Cũng vì vậy mà năng suất trung bình của các làng nghề chè này tương đối thấp, đạt gần 5 tấn chè búp tươi/ha, chỉ bằng một nửa năng suất bình quân toàn tỉnh. Giá chè chỉ dao động từ 60.000-100.000 đồng/kg, thấp hơn các địa phương khác trung bình từ 30.000-60.000 đồng/kg.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Bùi Quang Huân, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề tỉnh, cho biết: Thương hiệu chính là “vũ khí” quan trọng để các làng nghề tồn tại trong bối cảnh tự do hóa thương mại, nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Muốn xây dựng thương hiệu, trước hết, các cá nhân, tổ chức trong làng nghề cần tăng cường hơn nữa trong việc quan tâm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bao bì, nhãn mác sản phẩm để tạo ra sự khác biệt riêng. Bên cạnh đó là sự quan tâm, hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các chuyên gia. Tuy nhiên, “có bột mới gột nên hồ”, muốn có thương hiệu bền vững, chất lượng sản phẩm phải được coi trọng hàng đầu, trong đó cần tập trung thực hiện quy trình sản xuất chè sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm… Thời gian tới, Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị - xã hội liên quan để tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, cũng như quy trình đăng ký nhãn hiệu, từng bước xây dựng thương hiệu cho các làng nghề.