Nỗi lo của người trồng cây dược liệu

14:31, 07/07/2017

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Phú Thượng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập cho người dân bằng việc đưa cây Hà Thủ ô  và Đinh Lăng về địa phương. Thế nhưng, hiện nay, người dân đang lo lắng khi nhiều khả năng hai loại cây này không đạt hiệu quả như mong muốn...

Xã Phú Thượng đưa cây hà thủ ô đỏ và đinh lăng về cho người dân trồng từ cuối năm 2014 với hy vọng nâng cao thu nhập của người dân. Trong đó, phần lớn kinh phí là sử dụng lồng ghép các nguồn ngân sách của tỉnh, còn lại là do người dân đối ứng. Địa phương đã quy hoạch gần 7ha để phát triển cây dược liệu (hơn 4ha trồng Hà Thủ ô đỏ, hơn 3ha trồng cây Đinh Lăng), theo mục tiêu  sau 3 năm, Hà Thủ ô sẽ được thu hoạch, với năng suất khoảng 1,5 tấn/sào. Công ty Nông dược Vạn Xuân là đơn vị cung cấp giống nhận bao tiêu sản phẩm với người dân ở mức giá 30.000 đồng/kg (mức giá thấp nhất mà Công ty ký bao tiêu sản phẩm cho người dân và sẽ tăng theo giá thị trường). Tuy nhiên, sau gần 3 năm, người dân kiểm tra thì thấy Hà Thủ ô không có củ hoặc củ bé, không đảm bảo yêu cầu.

 

Ông Nông Văn Phòng, ở xóm Mỏ Gà cho biết: Gia đình tôi đăng ký trồng hơn 2 sào (hơn 700 gốc), tổng chi phí mua cây giống, phân bón và dựng giàn là hơn 20 triệu đồng (chưa tính công chăm sóc). Trồng được khoảng 2 năm thì giàn bị đổ, do cây có nhánh là dây quấn nên không thể dựng lại giàn. Hiện tại, đã gần đến thời điểm thu hoạch nhưng cây có củ, cây không. Tương tự, gia đình anh Chu Văn Giang ở xóm Cao Lầm trồng hơn 2 sào Hà Thủ ô và hơn 1 sào Đinh Lăng cũng không hiệu quả. Anh Giang cho biết: Cây Hà Thủ ô phát triển tốt, nhưng củ thì không đạt so với yêu cầu, cây Đinh Lăng thì bị mối ăn hết rễ rồi chết. Không biết do giống hay đất không hợp.

 

Qua tìm hiểu tại nhiều hộ dân trồng cây dược liệu ở xã Phú Thượng, chúng tôi thấy sự lo lắng của người dân và chính quyền địa phương là có thực. Bà Hoàng Như Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng cho biết: Đây là mô hình thử nghiệm nên địa phương không triển khai rộng, nhưng khi người dân liên tục phản ánh về tình trạng cây Hà Thủ ô không có củ hoặc củ nhỏ, không đạt yêu cầu chúng tôi cũng rất lo. Trước mắt, địa phương vẫn tuyên truyền để người dân chăm sóc cấy đúng kỹ thuật chờ đến khi được thu hoach; đồng thời phối hợp với Công ty Nông dược Vạn Xuân kiểm tra tình hình thực tế để có phương án giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.

 

Mô hình đưa cây dược liệu về xã Phú Thượng có gần 40 hộ tham gia, với diện tích gần 7ha, tổng kinh phí thực hiện gần 400 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 60%, còn lại là nhân dân đối ứng. Nếu sản lượng Hà Thủ ô đạt như mục tiêu đề ra thì từ khoảng 3 - 5kg/gốc sẽ đem lại hiệu quả kinh tế gấp 5 lần các cây của địa phương...

 

Trước sự lo lắng của người dân và chính quyền địa phương, bà Ngô Thu Hường, Giám đốc Công ty Nông dược Vạn Xuân khẳng định: Cây giống do đơn vị cung cấp đảm bảo chất lượng, tuy nhiên nhiều gia đình chăm sóc không đúng theo hướng dẫn nên giàn bị đổ có thể ảnh hưởng tới việc sinh trưởng, phát triển của cây. Hơn nữa, hiện tại hà thủ ô vẫn chưa đến tuổi thu hoạch (giữa năm 2018 mới là thời điểm cho thu hoạch) nên củ sẽ chưa đạt được theo yêu cầu. Dù sản lượng, chất lượng Hà Thủ ô ở Phú Thượng không đạt, Công ty vẫn sẽ thu mua cả lá với giá cao hơn ngoài thị trường... Hiện tại, đơn vị đang phối hợp với Công ty Cổ phần Traphaco kiểm tra nghiên cứu tình hình cụ thể để đưa ra kết luận cuối cùng và tuyên truyền cho người dân yên tâm...

 

Việc triển khai các mô hình, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế của xã Phú Thượng là chủ trương đúng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cần lựa chọn các loại cây trồng trước khi thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho người dân để tránh lãng phí ngân sách Nhà nước, công sức của những người tham gia...