Phú Ninh thơm ngát hương chè

15:15, 06/07/2017

Gần 50 năm qua, người dân vùng ATK Phú Đình (Định Hóa) đã gắn bó với cây chè, vươn lên thoát nghèo từ cây chè. Tuy nhiên, chỉ có 3 xóm Phú Ninh (Phú Ninh 1, Phú Ninh 2, Phú Ninh 3) là sản xuất được sản phẩm chè ngon hơn cả. Hiện nay, chè Phú Ninh đã được nhiều khách thưởng trà trong và ngoài tỉnh biết đến. Vùng chè này được đánh giá là có chất lượng ngon nhất, nhì huyện Định Hóa.

Tháng Bẩy, thời tiết đỏng đảnh như thiếu nữ tuổi trăng rằm. Trong một ngày, trời khi thì nắng, lúc lại mưa ào xuống. Gặp mưa, những nương chè ở các xóm Phú Ninh trổ búp mỡ màng, non tơ. Anh Ma Đình Chung, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã Phú Đình khẳng định: Được thiên nhiên ưu đãi nên sản phẩm chè do người dân ở 3 xóm (Phú Ninh 1, Phú Ninh 2, Phú Ninh 3) làm ra ngon không kém các vùng chè có tiếng của tỉnh như Minh Lập và Hòa Bình (Đồng Hỷ); La Bằng (Đại Từ); Tức Tranh (Phú Lương); Tân Cương (T.P Thái Nguyên)…

 

Không chỉ được trời phú cho chất đất và nguồn nước phù hợp với cây chè, người dân các xóm Phú Ninh còn nhanh nhạy trong việc áp dụng các quy trình trồng, chăm sóc, chuyển đổi giống chè; công phu trong chế biến để tạo ra những sản phẩm chè có hương thơm, vị đượm, làm nức lòng người thưởng trà khắp nơi trong, ngoài tỉnh. Hiện, diện tích chè của 3 xóm Phú Ninh là gần 60ha, trong đó diện tích chè giâm cành với các giống Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, TRI 777, LDP1 chiếm 70%, còn lại là chè trung du. Năng suất bình quân đạt 115 tạ chè búp tươi/ha. Bà Đỗ Thị Tâm, xóm Phú Ninh 1, cho hay: Người làm chè ở các xóm Phú Ninh thu hái chè đến đâu, chế biến bằng máy móc đến đó chứ không dùng phương pháp hong chè như nhiều địa phương khác trong huyện. Vì thế, chè không chỉ được nước mà mẫu mã cũng rất bắt mắt. Khi pha, nước chè có màu mật ong sóng sánh, thơm dịu.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lý Hoàng Huy, những hộ làm chè ở các xóm Phú Ninh chủ yếu là những người dân từ Thái Bình lên đây khai hoang. Cuối năm 2015, xóm Phú Ninh 3 đã được công nhận làng nghề chè truyền thống. Các xóm Phú Ninh 1 và 2 được công nhận một năm sau đó. Những năm qua, nhiều hộ dân ở các xóm này đã mạnh dạn sản xuất chè an toàn. Đặc biệt, từ cuối năm 2016, khoảng 20 hộ dân ở các xóm này đã hình thành tổ sản xuất chè theo quy trình VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) nên sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Nhờ sản xuất được sản phẩm chè có chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chè Phú Ninh đang được tiêu thụ khá thuận lợi tại nhiều huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh và các tỉnh như Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội… Thực tế cho thấy, cây chè góp phần cải thiện cuộc sống của người dân ở các xóm Phú Ninh. Nhờ có cây chè, trên 80% số hộ ở các xóm này đã xây dựng được nhà ở kiên cố và bán kiên cố; đường liên thôn, liên xã đã được trải nhựa và bê tông; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới và nước sạch theo tiêu chuẩn Bộ Y tế... Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay, chất lượng chè giữa các hộ dân ở các xóm này không đồng đều. Có đến 1/3 số hộ vẫn sản xuất chè theo hướng “bóc lột đất” và không mạnh dạn đầu tư máy móc chế biến chè hiện đại. Bà Đỗ Thị Tâm cho biết thêm: Nhiều hộ tập trung đầu tư thâm canh, chế biến công phu như sử dụng các loại phân bón vi sinh chăm bón chè, dùng nong nia đựng chè búp tươi, đầu tư tôn sao chè bằng I-nox… nên chất lượng chè ngon hơn rất nhiều, giá bán chè búp khô đạt khoảng 200.000 đến 300.000 đồng/kg. Những hộ không đầu tư phân bón cho chè hoặc chưa mạnh dạn mua các loại máy móc chế biến hiện đại, chất lượng chè thấp hơn, giá bán tuy có cao hơn mặt bằng chung của huyện, xã từ 20 đến 50 nghìn đồng/kg nhưng cũng chỉ bằng một nửa so với những hộ có đầu tư.

 

Sự không đồng đều về chất lượng này sẽ khiến cho các xóm Phú Ninh có thể trở thành vùng sản xuất chè đặc sản tập trung cũng như làm giảm hiệu quả sản xuất nhiều hộ dân. Bởi vậy, để phát triển vùng chè đặc sản Phú Ninh theo hướng bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất chè thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho một số hộ dân trong việc đầu tư thâm canh cây trồng thế mạnh của địa phương là rất cần thiết. Cùng với đó, cán bộ phụ trách nông nghiệp của xã, cán bộ khuyến nông của huyện cũng nên sát cánh cùng nông dân, hướng dẫn bà con kỹ thuật thâm canh chè và quy trình sản xuất chè VietGAP, chè an toàn. Về phía chính quyền xã, huyện nên tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận với các “gói” hỗ trợ của tỉnh trong phát triển cây chè, từ đó sẽ khuyến khích người làm chè Phú Ninh vươn lên, giữ vững thương hiệu đã gây dựng được như hiện nay.