Rút lương qua thẻ ATM của người lao động: Có những thay đổi đáng kể

09:54, 15/07/2017

Hơn 5 nghìn tỷ đồng là số tiền mà Công ty điện tử Samsung Việt Nam Thái Nguyên và các doanh nghiệp phụ trợ trả lương mỗi năm cho người lao động qua tài khoản ATM tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Nếu như trước đây, ngay sau khi được trả lương, đại đa số chủ thẻ đều tiến hành rút ngay, thì khoảng 1 năm trở lại đây, việc rút tiền đã có những thay đổi đáng kể. Theo đại diện một số ngân hàng, điều này phần nào cho thấy công nhân trong khu công nghiệp đã có tích lũy và bắt đầu hình thành thói quen hạn chế sử dụng tiền mặt khi thực hiện các giao dịch…

Trong số các ngân hàng thực hiện việc trả lương qua thẻ ATM cho khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phải kể đến Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Chi nhánh Thái Nguyên. Tính đến cuối tháng 6-2017, đơn vị đã mở được hơn 100 nghìn thẻ ATM, trong số này chiếm tỷ lệ lớn là của công nhân Công ty Samsung Thái Nguyên, với trên 60 nghìn chủ thẻ được đổ lương đều đặn hàng tháng, tương ứng số tiền trung bình gần 400 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, việc đổ lương của các nhà máy còn được thông qua các ngân hàng khác, như: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Công Thương (Vietinbank), Shinhan (Hàn Quốc)…

 

Theo ông Lê Tuấn Phan, Phó Giám đốc Vietcombank Thái Nguyên: Nếu như trước đây, vào những ngày Công ty Samsung trả lương, các cây ATM của Chi nhánh luôn trong tình trạng quá tải, khiến Chi nhánh phải thường xuyên cử người túc trực để xử lý sự cố và thực hiện tiếp quỹ, thì khoảng 1 năm trở lại đây, tình trạng này đã giảm đáng kể. Hiện, chỉ có những chủ thẻ mới đi làm hoặc những người cần tiền gấp mới thực hiện việc rút ngay khi vừa được đổ lương. Còn lại, phần đông người lao động đã rút từ từ, có thể sau khi đã được đổ lương 5-7 ngày, thậm chí 1 vài tháng. Nhiều người đã hình thành thói quen để lại vài ba triệu đồng trong tài khoản để thanh toán bằng thẻ khi mua hàng tại các cửa hàng có lắp đặt máy POS (máy chấp nhận thẻ thanh toán). Đáng mừng hơn, ngày càng có nhiều công nhân khu công nghiệp sử dụng các dịch vụ Internet banking hoặc Mobil banking để thực hiện việc chuyển khoản cho người thân trong gia đình mà không cần đến cây ATM hoặc quầy giao dịch của ngân hàng…

 

Chị Nguyễn Thị Liên, ở xã Liên Minh (Võ Nhai) cho biết: Tôi làm công nhân Công ty Samsung đến nay được hơn 3 năm. Khoảng 2 năm đầu, hễ có lương là tôi đều rút ngay ngày hôm đó. Giờ đây, khi cuộc sống đã ổn định, tôi không còn phải đi rút ngay khi vừa được nhận lương. Còn theo anh Trần Hải Linh, công nhân Công ty TNHH Glonics (T.P Thái Nguyên) vì có tiền dư trong tài khoản nên khi biết có dịch vụ Mobile BankPlus, tôi đã đăng ký tham gia để việc chuyển tiền vào tài khoản cho bố mẹ ở quê cũng dễ dàng, thuận tiện hơn. Với dịch vụ này, tôi không còn phải đến ngân hàng mà vẫn có thể chuyển được, đồng thời có thể nạp tiền điện thoại với vài thao tác đơn giản.

 

Theo đồng chí Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh thì việc người lao động ở các khu, cụm công nghiệp không còn nôn nóng rút tiền ngay khi vừa được đổ lương cho thấy đời sống người lao động tại các khu, cụm công nghiệp đang được nâng lên rất nhiều. Xuất phát từ thực tế này, nhiều ngân hàng đã lắp đặt thêm các máy POS.

 

Hiện, toàn tỉnh có 190 máy ATM và 746 máy POS (với 673 đơn vị chấp nhận thẻ), tăng 162 máy so với cuối năm 2016. Phần lớn các máy POS được lắp đặt ở các nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cửa hàng thời trang… Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, giá trị thanh toán qua máy POS trên địa bàn tỉnh đạt trên 473 tỷ đồng, với 207.191 lượt giao dịch (tăng gấp 1,3 lần về giá trị thanh toán, gấp gần 2 lần về số lượng giao dịch so với cùng kỳ năm 2016). Trong số này có một lượng lớn giao dịch tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%, Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn quan tâm, lắp đặt thêm các máy POS để người dân thuận tiện hơn trong các giao dịch, mua bán, đặc biệt là ở các khu, cụm công nghiệp và những nơi tập trung đông dân cư.