Thanh niên Phú Lương thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

10:04, 04/07/2017

Nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế, những năm qua, Huyện đoàn Phú Lương đã phát động phong trào “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” tới toàn thể đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Phong trào này đã tạo động lực thôi thúc các đoàn viên, thanh niên ra sức thi đua, từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi.

Mới 27 tuổi nhưng anh Nguyễn Văn Duy, ở xóm Hang Neo, xã Yên Lạc đã là chủ của một cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng (gạch xỉ) với quy mô 50 vạn viên mỗi năm. Không chỉ vậy, để nâng cao thu nhập, anh Duy còn tận dụng hơn 2.000m2 đất trống của gia đình để làm vườn ươm chè và keo giống. Bình quân mỗi năm, doanh thu từ việc sản xuất gạch, chè và keo giống, anh đã thu trên 800 triệu đồng, trừ các chi phí thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Hiện nay, ở cả 2 lĩnh vực trên, anh Duy đã giải quyết việc làm cho 7 lao động thường xuyên, 15 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng.

 

Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết: Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THCS, tôi đã nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ làm kinh tế. Khi đó, tôi bắt đầu đi học nhiều nghề như cơ khí, lái xe, cắt tóc... nhưng đã gặp nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định. Đến năm 2013, khi vừa lập gia đình, nhận thấy nhu cầu về cây chè giống, keo giống của người dân trên địa bàn cao nên tôi quyết định làm vườn ươm. Mỗi năm, gia đình xuất bán khoảng 80 vạn cây giống cả chè và keo cho thu nhập hơn 300 triệu đồng, trừ chi phí cũng thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Năm 2016, tôi đã được đi tham quan một số mô hình phát triển kinh tế trong và ngoài huyện do Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức đã thôi thúc bản thân có động lực mở thêm xưởng sản xuất gạch xỉ. Bình quân mỗi năm, xưởng sản xuất đã xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh được 45-50 vạn viên gạch, doanh thu trên 500 triệu đồng, thu lãi khoảng 120 triệu đồng/năm.

 

Mô hình chăn nuôi thỏ xuất khẩu ở xóm Bài Kịnh, xã Yên Trạch của anh Bùi Ngọc Toàn cũng được nhiều người biết đến. Đây cũng là mô hình chăn nuôi mới cho hiệu quả kinh tế trên địa bàn huyện Phú Lương. Anh Toàn cho biết: Năm ngoái, tôi đã đi tham quan mô hình nuôi thỏ của một hợp tác xã tại T.P Sông Công, thấy có triển vọng về thị trường (xuất khẩu sang Nhật Bản) nên tôi đăng ký làm xã viên và quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại, máy móc để chăn nuôi thỏ. Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi khoảng 700 con, trong đó có 100 con nái và 600 thỏ con. Bình quân, mỗi tháng, tôi xuất bán được 3 lứa, mỗi lứa khoảng 50 con, trừ các chi phí thu lãi 5-6 triệu đồng/tháng.

 

Trên đây chỉ là 2 trong nhiều mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi trên địa bàn huyện Phú Lương. Ngoài ra, từ phong trào “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế điển hình cho thu nhập từ 100-500 triệu đồng/năm, cụ thể như: mô hình chăn nuôi lợn, vận tải, xây dựng của đoàn viên Phạm Văn Quang (xã Tức Tranh); chăn nuôi tổng hợp của đoàn viên Bùi Văn Thành, xóm Khe Nác (xã Yên Đổ); chăn nuôi theo hướng an toàn của đoàn viên Nguyễn Xuân Hòa (xã Phấn Mễ)….

 

Anh Hoàng Đức Nghiêm, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Yên Đổ cho biết: Thực hiện các phong trào do Huyện đoàn phát động, đoàn viên, thanh niên xã Yên Đổ đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia, nhất là phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Tận dụng lợi thế diện tích rừng sản xuất trên địa bàn xã lớn (2.000ha), nhiều đoàn viên, thanh niên đã mạnh dạn đầu tư làm vườn ươm cây giống, mở các xưởng chế biến gỗ. Trong hơn 30 cơ sở chế biến lâm sản, trên dưới 15 vườn ươm cây giống trên địa bàn xã thì có tới khoảng 50% các mô hình, cơ sở chế biến do thanh niên làm chủ. Để tạo điều kiện trong phát triển kinh tế, Đoàn Thanh niên các cấp đã mở nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho đoàn viên, thanh niên tham gia. Đặc biệt, từ nhiều nguồn vốn khác nhau (Vốn vay Quỹ Quốc gia của Trung ương Đoàn, Ngân hàng Chính sách Xã hội...), nhiều đoàn viên, thanh niên có cơ hội đầu tư hoặc mở rộng quy mô phát triển kinh tế. Hiện nay, Đoàn Thanh niên xã đang quản lý 5 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ 5 tỷ đồng.

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Hiếu, Bí thư Huyện đoàn Phú Lương, cho biết: “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” là một trong những nội dung quan trọng của phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” - một trong hai phong trào thi đua lớn của Đoàn Thanh niên. Thực hiện Phong trào này, thời gian qua, các cơ sở Đoàn đã có nhiều chương trình, hoạt động như: tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt (từ đầu năm đến nay đã tổ chức 4 lớp cho 150 đoàn viên tham gia); thành lập và duy trì 14 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế. Đặc biệt, hiện nay, các cơ sở Đoàn đang quản lý và nâng cao hiệu quả của 52 tổ tiết kiệm và vay vốn thông qua 11 chương trình ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số vốn trên 48 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này, nhiều gia đình đoàn viên, thanh niên có thêm cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Thời gian tới, ngoài nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Huyện đoàn có kế hoạch đề xuất với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện để đoàn viên, thanh niên dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.