Thay đổi nhận thức của người dân về thực phẩm an toàn

16:02, 24/07/2017

Với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) đã bước đầu xây dựng được mô hình rau an toàn với liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Cách làm này đã thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm an toàn.

Ông Đặng Đình Lực, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn thông tin: Tư duy canh tác của người dân địa phương đã thay đổi kể từ 3 năm trở lại đây. Hiện nay, hầu hết các hộ trồng rau ở thị trấn đều sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đó là kết quả của chính sách khuyến khích, hỗ trợ Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2014-2015 và hiện nay là giai đoạn 2016-2020.

 

Được biết, vào khoảng năm 2010, một số hộ dân ở xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn) đã thành lập Tổ sản xuất rau an toàn Đồng Cả. Tuy nhiên, do quản lý còn lỏng lẻo và một số yếu tố thị trường, hoạt động của Tổ hợp tác thiếu hiệu quả và đã giải thể vào năm 2012. Đến năm 2014, sau khi thị trấn Hùng Sơn được thành lập, Đảng ủy thị trấn đã ra Nghị quyết về việc củng cố và phát triển lại vùng rau an toàn của địa phương với đó là nhiều giải pháp hỗ trợ người dân như: hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu nơi tiêu thụ…

 

Anh Nguyễn Ngọc Phương ở tổ dân phố Cầu Thành 1, thị trấn Hùng Sơn cho biết: Được sự vận động của cấp ủy, chính quyền thị trấn, gia đình tôi tham gia trồng rau an toàn từ năm 2015. Từ khi chuyển sang quy trình sản xuất rau an toàn, tôi đã biết cách sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu đúng chủng loại, liều lượng; đảm bảo đủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch; cách ngâm, ủ, xử lý phân trước khi bón cho rau…

 

Còn ông Nguyễn Văn Lý ở xóm Xuân Đài, thị trấn Hùng Sơn cho rằng: So với phương thức sản xuất truyền thống, trồng rau an toàn vừa tiết kiệm công sức lao động, chi phí sản xuất vừa đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Từ khi chuyển sang trồng rau an toàn, tôi cũng như các hộ xung quanh cũng bắt đầu quan tâm tìm hiểu về các loại thực phẩm an toàn khác.

 

Được sự đồng thuận của người dân, tháng 11-2016, thị trấn Hùng Sơn đã xây dựng Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ rau an toàn với 129 hộ tham gia trên diện tích 20ha. Ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc HTX cho biết: Để việc sản xuất rau an toàn thực sự bền vững, chúng tôi đã thành lập Tổ tiêu thụ gồm 11 thành viên. Các thành viên này chịu trách nhiệm là đầu mối thu mua sản phẩm rau an toàn của HTX rồi cung cấp cho thị trường. Đến nay, sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ tại một số siêu thị, cửa hàng trên địa bàn T.P Thái Nguyên và các bếp ăn tập thể của Công ty Núi Pháo, Công ty May TNG, một số trường học trên địa bàn… Tuy mới chỉ giải quyết được khâu tiêu thụ cho khoảng 30% sản phẩm của hội viên nhưng mô hình HTX đang dần cho thấy những hiệu quả tích cực.

 

Không chỉ giải quyết khâu tiêu thụ cho người dân, HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Hùng Sơn còn đang bắt đầu thực hiện các biện pháp để truy suất nguồn gốc sản phẩm. Trên các thửa ruộng của hội viên HTX đều cắm biến có đề tên hộ sản xuất, đăng ký chất lượng cùng thời điểm trồng, bón phân, phun thuốc trừ sâu… để HTX cũng như các hộ gia đình khác tiện theo dõi. Vừa qua, HTX đã tổ chức cho tất cả các gia đình hội viên bốc thăm đăng ký mã số sản phẩm. Sau khi mỗi hộ gia đình được đăng ký một mã riêng, sản phẩm của họ sẽ được dán mã số đó và phải chịu trách nhiệm về chất lượng, mức độ an toàn của sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sản xuất.

 

Với những thành công bước đầu, mô hình sản xuất, tiêu thụ rau an toàn của thị trấn Hùng Sơn không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà góp phần tích cực thay đổi nhận thức của họ về sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm an toàn.