Tín hiệu tích cực từ phát triển tiểu thủ công nghiệp

07:14, 26/07/2017

Được đánh giá là một trong các địa phương có số cơ sở và lao động tiểu thủ công nghiệp (TTCN) nhiều nhất nhì tỉnh, những năm qua, sự phát triển TTCN trên địa bàn huyện Phú Bình đã có những bước tiến quan trọng. Qua đó, giải quyết việc làm cho 1 bộ phận không nhỏ lao động nông thôn, đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn…

Chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất ván ép Mừng Hằng, xóm Đồi Thông, xã Thanh Ninh vào một ngày mưa tầm tã cuối tháng 7. Dường như không quan tâm đến tình hình thời tiết đang giông bão bên ngoài, hơn chục lao động trong xưởng vẫn miệt mài làm việc, người bôi hồ, người xếp gỗ, người ép, người vận chuyển… Mọi hoạt động diễn ra nhịp nhàng, mau lẹ trong tiếng máy móc chạy rào rào. Ông Nguyễn Mạnh Cường, quản lý xưởng, chia sẻ: Hiện cơ sở của chúng tôi có các loại máy chính như: máy quét hồ, băng tải, máy ép… Để nâng công suất, đầu năm vừa rồi, chúng tôi đã thực hiện thay mới, nâng cấp máy ép sơ bộ với tổng chi phí gần 300 triệu đồng. Nhờ vậy, mỗi tháng, xưởng xuất ra thị trường khoảng 300 khối ván thành phẩm, năng suất tăng 10% so với trước đây. Được biết, cơ sở sản xuất ván ép Mừng Hằng là một trong những đơn vị sản xuất TTCN làm ăn hiệu quả trên địa bàn huyện. Được thành lập từ năm 2014, đến nay cơ sở đã tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 4-5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm cơ sở sản xuất được khoảng 3.600 khối ván ép thành phẩm, doanh thu năm 2016 ước đạt trên 15 tỷ đồng.

 

Huyện Phú Bình có 3 tổng số 10 làng nghề mộc mỹ nghệ trên toàn tỉnh. Các làng nghề mộc ở Xuân Phương, Nga My, Kha Sơn đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương và 1 bộ phận không nhỏ người làm nông nghiệp lúc nông nhàn. Không chỉ đưa máy móc vào sản xuất thay thế cho cách làm thủ công, các hộ sản xuất trong làng nay đã chú ý đến việc đa dạng mẫu mã sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng. Anh Ngô Đức Tiến, chủ cơ sở đồ gỗ, mỹ nghệ cao cấp Đức Tiến, Làng nghề Phương Độ (xã Xuân Phương) cho biết: Trước đây, xưởng nhà tôi chủ yếu làm những mẫu đơn giản với mức giá bình dân để phù hợp với số đông khách hàng. Đến nay, mặc dù chủng loại các mặt hàng không thay đổi nhiều, vẫn là bàn ghế, sập, giường tủ… nhưng chúng tôi hướng đến các loại nguyên liệu gỗ cao cấp hơn, thiết kế sang trọng và đa dạng. Phần lớn các sản phẩm tại cửa hàng do tôi tự thiết kế với ý tưởng mang dấu ấn riêng chứ không sản xuất đại trà. Năm 2016, xưởng nhà tôi xuất bán ra thị trường trên 200 sản phẩm, chủ yếu là bàn thờ, sập, bàn ghế. Với 8 lao động thường xuyên, tôi trả lương 5 triệu đến 10 triệu đồng/người/tháng, tùy theo tay nghề.

 

Trên địa bàn huyện Phú Bình hiện có hơn 2.100 cơ sở sản xuất TTCN, tập trung vào các ngành nghề như: gia công cơ khí, cửa nhôm kính, sản xuất gạch không nung, gia công 1 số mặt hàng may xuất khẩu, chế biến chè búp khô, khai thác cát sỏi… Sự phát triển đa dạng các ngành nghề TTCN đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 5.000 lao động, giá trị sản xuất TTCN năm 2016 tăng hơn 7 lần so với năm 2011, đạt gần 430 tỷ đồng. Thực tế những năm qua cho thấy, các cơ sở sản xuất TTCN và sản xuất tại các làng nghề đã chú ý hơn đến việc đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất, tận thu phế liệu công nghiệp thải và nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tạo ra sản phẩm mới. Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng cơ sở và giá trị sản xuất TTCN đã góp phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện.

 

Song song với đó, để hỗ trợ, đồng hành cùng các hộ sản xuất, từ năm 2011, huyện Phú Bình đã thực hiện Đề án quy hoạch, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2011-2015, 2016-2020. Ngoài vận dụng cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để các hộ sản xuất, kinh doanh hưởng lợi, huyện đã có nhiều sự ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, TTCN. Điểm nổi bật là huyện đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng…

 

Ông Hoàng Xuân Phương, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương cho biết: Những năm gần đây, các làng nghề đều nhận được hỗ trợ từ các chính sách khuyến công quốc gia và tỉnh, chủ yếu là đào tạo nghề và đầu tư máy móc, thiết bị. Về phía xã, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận với các chính sách ưu đãi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà xưởng, cửa hàng, tiếp cận các nguồn vốn tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội… Bên cạnh đó, hàng năm, huyện Phú Bình còn tổ chức gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó có các hộ phát triển ngành nghề TTCN.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đình Đức, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Bình, cho biết: Tình hình phát triển TTCN trên địa bàn huyện những năm qua đã có những bước tiến đáng kể, dần khắc phục tình trạng sản xuất thủ công, manh mún, do vậy, sức cạnh tranh của các sản phẩm cũng nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của huyện. Bên cạnh sự năng động, “dám nghĩ dám làm” của các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, rất cần sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong đào tạo nghề, hỗ trợ về vốn, trang thiết bị kỹ thuật, đặc biệt là ưu tiên đầu tư cho các ngành nghề có tiềm năng…