Vượt lên chính mình

09:31, 08/07/2017

Trong phong trào vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng, chúng tôi được biết đến nhiều nông dân giàu nghị lực, họ luôn cố gắng vượt lên chính mình, chứ không đổ lỗi tại “sinh ra phải phận nghèo”. Người tôi muốn nhắc đến trong bài viết này là ông Lê Tự Đức, xóm Bắc Hà 2, xã Mỹ Yên (Đại Từ).

45 tuổi, nhưng ông Đức đã trải qua rất nhiều khó nhọc để có được cuộc sống khá giả như bây giờ. Năm 18 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ, rồi ra quân như bao thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Ông trở về nhà với người thân, với công việc trồng chè, hái chè và sao chè như cha, mẹ và bao nông dân trong vùng.

 

Nhấp ngụm trà đã nhạt nước, ông tiếp tục câu chuyện: Năm 1993, tôi xây dựng gia đình cùng bà Dương Thúy An, người bên xã Bình Thuận, cùng huyện Đại Từ. Thấy vợ chồng chăm chỉ làm lụng, các cụ thân sinh cho chúng tôi ra ở riêng, vốn liếng hồi môn là 8 sào đất trồng chè.

 

Để cuộc sống ổn định, ngoài việc làm chè trên phần đất các cụ cho, vợ, chồng ông tranh thủ đi mua gom thêm chè tươi, chè khô về bán giao lại cho các điểm thu mua tập trung. Việc làm ăn thuận lợi, tiền vốn tích lũy được cũng thêm đày đặn, vợ chồng ông có điều kiện làm lại nhà ở mới và mua sắm thêm tiện nghi phục vụ cuộc sống.

 

Song cuộc đời nhiều khi không được như mong muốn. Ông tiếp tục câu chuyện: Bởi vùng đất thuộc xóm Bắc Hà 2, nơi tôi sinh sống không có cánh đồng cò bay mỏi cánh, mà toàn đồi dốc. Mỗi mùa mưa, nước từ dãy núi Tam Đảo đổ về dâng ngập đồng, làng xóm cũng chìm trong nước. Nhà tôi là một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nhất, tài sản coi như không còn gì.

 

Ông đã khôi phục lại kinh tế gia đình bằng chính sức lao động của mình và bằng sự động viên, giúp đỡ của bà con chòm xóm. Hơn thế, trong lúc hoàn cảnh gia đình khó khăn nhất, ông không chỉ chăm lo tới cuộc sống riêng của gia đình mình, mà còn tích cực tham gia giúp đỡ các hộ cùng khắc phục thiên tai, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Thấy ông là người có lý trí, lại hăng hái, tích cực trong các hoạt động phong trào, nên đã bầu ông làm Trưởng xóm, kiêm luôn Chi hội trưởng Nông dân. Ông tâm sự: Đó là năm 2001, cùng lúc đảm nhận 2 vai, toàn việc “cha chung”, nhưng bà con tin tưởng, mình làm hết sức.

 

Ông sống gần gũi, thân thiện với mọi người, nên trong xóm nhà ai có việc gì, ông đều biết để đến chia sẻ đúng lúc. Để bà con tích cực tham gia các phong trào xóa đói, giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa; bảo vệ an ninh trật tự và các phong trào khác tại địa phương, ông cùng các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên vận động bà con tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất chè an toàn; vận động các hộ giúp nhau trồng chè, thu hái chè đúng lứa. Tại các buổi họp xóm, ông thực hiện lồng ghép thêm hoạt động tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Giao thông đường bộ; vận động các cặp vợ chồng trẻ không sinh con thứ 3 trở lên. Ở vị trí Chi hội trưởng Nông dân, ông luôn đi đầu trong phong trào sản xuất, như việc đưa cây chè giống mới vào trồng thay thế trên diện tích chè già cỗi; sử dụng phân chuồng, phân xanh cải tạo đất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm an toàn.

 

Ông đúc kết: Nông dân mình chất phác, cứ phải sờ được bằng tay, trông thấy bằng mắt thì nói mới nghe. Ví như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón và thu hái chè, chế biến chè đúng cách, bà con thường đối chứng, thấy cách làm nào mang lại hiệu quả cao hơn thì mới theo. Để bà con được thực chứng, tôi đứng ra nhận làm ô mẫu tự nguyện. Và lứa chè nào cũng thắng cả về năng suất, chất lượng và giá bán. Do vậy, tôi có tiền làm được nhà mới, sắm sửa tiện nghi và mua thêm được 12 sào đất để trồng chè.

 

Nhìn từng vạt chè búp đua mơn mởn đợi bàn tay người thu hái, ông Đức cho biết thêm: Hiện gia đình tôi đã có được 20 sào đất trồng chè, chủ yếu là chè lai. Nhưng để cây chè phát triển tốt, tôi mua gần 1.000 xe đất (5m3/xe) tôn cao các bãi trồng chè. Nhiều bà con trong xóm cũng làm như vậy.

 

Kinh tế gia đình ổn định, người dân có điều kiện tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi chung. Điển hình như công trình nhà văn hóa xóm, năm 2011, được sự nhất trí của chi bộ Đảng, ông Đức cùng đại diện các thành viên Ban công tác mặt trận vận động bà con đóng góp tiền mua được 200m2 đất và xây dựng hoàn thành nhà văn hóa xóm, hết cảnh mượn nhà dân làm nơi hội họp. Hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2012, ông Đức và các thành viên Ban công tác mặt trận vận động 27 hộ tham gia hiến gần 10 nghìn m2 đất để mở rộng đường trục chính và đường về các ngõ. Từ những thành tích đạt được, tháng 6-2012, ông Đức vinh dự được kết nạp vào Đảng.

 

Tiếp tục đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế địa phương, năm 2015, ông được các thành viên Tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè an toàn của xóm bầu làm Tổ phó. Ông cho biết: Tổ hợp tác có 28 hộ thành viên, với diện tích chè tham gia gần 5ha. Tổ hợp tác thực hiện có hiệu quả mô hình ứng dụng chế phẩm bảo vệ thực vật Anisap SH và chế phẩm vi sinh xử lý phế thải đồng ruộng Vixura. Ban đầu, mô hình ứng dụng gặp rất nhiều khó khăn, song chúng tôi quyết tâm thực hiện nghiêm ngặt đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Và chúng tôi tiếp tục gặt hái được thành công trong phát triển kinh tế. Chè của Tổ hợp tác đang tạo dựng được thương hiệu bằng chính chất lượng sản phẩm, giá bán cao hơn so với chè bên ngoài từ 10.000  đến 20.000 đồng/kg.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Bá Khương, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Yên cho biết: Đồng chí Đức là một đảng viên năng động trong phát triển kinh tế; sáng tạo trong công tác dân vận; nhiệt huyết trước các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Đồng chí được Đảng ủy đánh giá cao, bà con chòm xóm quý mến. Nhưng đồng chí không vì thế mà tự mãn, tiếp tục phấn đấu, xứng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền nhân dân địa phương.