“Cuộc chiến” giá cước 4G

07:57, 11/08/2017

Gần bốn tháng sau khi nhà mạng đầu tiên chính thức triển khai thương mại hóa công nghệ truyền dữ liệu không dây 4G, Việt Nam đã có khoảng 3,5 triệu thuê bao di động sử dụng dịch vụ này. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường và không khó hiểu khi các nhà mạng đều đưa ra chiến lược về giá cước nhằm nhanh chóng chiếm lĩnh lợi thế cạnh tranh.

Giá rẻ hơn 3G

 

Ngay từ khi 4G vẫn còn là kế hoạch trên giấy, tất cả các nhà mạng đều tuyên bố sẽ áp dụng giá cước cho dịch vụ mới này rẻ hơn so với 3G và thực tế đang đúng như vậy. Là nhà mạng đầu tiên triển khai thương mại hóa 4G từ tháng 4-2017, Viettel dành cho khách hàng khá nhiều sự lựa chọn với hàng loạt các gói cước 4G đa dạng về mức giá và dung lượng kèm theo như 40 nghìn đồng/tháng sử dụng dung lượng 1GB, 70 nghìn đồng/tháng với dung lượng 2GB,... Chậm chân đôi chút nhưng tham vọng nhanh chóng giành lại lợi thế, Vinaphone tung ra các gói cước có phần ưu đãi hơn, thí dụ 70 nghìn đồng/tháng được 2,4GB; 90 nghìn đồng/tháng được sử dụng 3,6GB,... Không kém cạnh, MobiFone cũng bắt đầu cung cấp các gói cước 4G rất hấp dẫn và cạnh tranh với giá cả và dung lượng tương đương các gói của Vinaphone. Ngoài đua về giá, các nhà mạng còn nâng cao sự hấp dẫn của dịch vụ bằng cách tạo ra bản sắc riêng cho từng gói cước. Vinaphone tạo dấu ấn thông qua việc cung cấp gói 3G, 4G xen kẽ cũng như đưa ra nhiều gói mua thêm giá rẻ từ 15 đến 35 nghìn đồng để đáp ứng nhu cầu tăng thêm của khách hàng. MobiFone thì lại nhắm đến các gói cước tiện ích trên nền tảng 4G chất lượng cao, tăng trải nghiệm cho khách hàng về giải trí, phim ảnh, âm nhạc, thể thao, y tế, giáo dục,... Nhà mạng Viettel cũng đưa ra một loạt các gói cước 4G chuyên biệt, phục vụ nhu cầu dùng mạng xã hội facebook hay xem youtube với giá "siêu rẻ" như gói 4G truy cập facebook 4GFB7 giá 15 nghìn đồng/tuần không giới hạn hoặc 4GFB30 giá 30 nghìn đồng/30 ngày được 20GB để truy cập facebook trong vòng 30 ngày. Ðể xem youtube, khách hàng có thể lựa chọn ba gói 4GYT1, 4GYT7 và 4GYT30 với giá cước lần lượt là 10 nghìn đồng/ngày được 3GB, 30 nghìn đồng được 9 GB trong bảy ngày và 100 nghìn đồng được 30 GB trong 30 ngày.

 

Việc cạnh tranh từ các nhà mạng đã giúp ổn định đáng kể giá cước 4G, tạo điều kiện cho người dùng dễ dàng chuyển đổi sang sử dụng dịch vụ mới với tốc độ cao, đáp ứng được nhiều nhu cầu kết nối hơn. Ðặc biệt, khi so với thế giới, giá cước của các nhà mạng trong nước đang ở mức khoảng 1,5 đô-la Mỹ/1GB rẻ hơn so với giá cước 4G trung bình của các nước trong khu vực như Thái-lan là 5,4 đô-la Mỹ/GB, Xin-ga-po là 10 đô-la Mỹ/GB; hay tại các nước phát triển khác trên thế giới như ở Anh, cước 4G trung bình ở mức 11 đô-la Mỹ/GB, Tây Ban Nha là 11,6 đô-la Mỹ/GB và Mỹ lên đến 20 đô-la Mỹ/GB.

 

Tiếp tục hoàn thiện

 

Nhiều chuyên gia nhận định, giá cước 4G các nhà mạng Việt Nam đưa ra là ở mức hợp lý, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ mới. Bên cạnh đó, ngay cả với mức cước rẻ hơn 3G, các nhà mạng vẫn có được lợi nhuận do chi phí cung cấp 1GB trên 4G thấp hơn trên 3G. Tuy nhiên, các nhà mạng đã đầu tư hàng triệu USD vào công nghệ 4G và mong muốn có nhiều người dùng sử dụng dịch vụ này. Trong khi đó, con số 3,5 triệu thuê bao 4G phát triển được trong bốn tháng mặc dù rất ấn tượng, nhưng vẫn còn sớm để đánh giá mức độ nhiệt tình đón nhận công nghệ 4G tại Việt Nam vào thời điểm này. Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Sức hút từ các ứng dụng vi-đê-ô và mạng xã hội cũng như lợi thế của kết nối với các thiết bị IoT (in-tơ-nét vạn vật) sẽ tạo ra xu hướng bùng nổ của dịch vụ nội dung số chất lượng cao trong vài năm tới. Do đó, để nhanh chóng bù đắp khoản vốn đầu tư cho triển khai 4G LTE, các nhà mạng cần đẩy mạnh phát triển các dịch vụ nội dung số, giá trị gia tăng nhằm thỏa mãn yêu cầu khách hàng, thúc đẩy khách hàng dùng dữ liệu nhiều hơn. Các nhà mạng phải xây dựng hệ sinh thái trên nền tảng của mình, đồng thời tích cực hợp tác với nhà sản xuất nội dung số, các công ty làm ứng dụng để có thể cung cấp dịch vụ rẻ, hấp dẫn hơn đến khách hàng.

 

Tổng Giám đốc khu vực Ðông Dương của Qualcomm Thiều Phương Nam nhận định: Việt Nam đang có đủ điều kiện ứng dụng và phát triển công nghệ 4G nhanh hơn các nước khác khi đã phủ sóng công nghệ này đến khoảng 95% số dân. Tuy nhiên, ngoài vùng phủ rộng, người dùng còn kỳ vọng nhiều hơn vào sự đột phá về chất lượng. Muốn 4G có chất lượng tốt hơn hẳn so với 3G thì có rất nhiều việc cần thực hiện như triển khai các công nghệ "cộng gộp sóng mạng" (ghép các kênh tần số nằm ở các phần khác nhau trên phổ tần số không dây lại với nhau) hay Voice-over-LTE (kỹ thuật giúp thực hiện cuộc gọi thông qua mạng LTE),… để người dùng thấy được chất lượng thoại trên 4G tốt hơn hẳn các công nghệ cũ. Bên cạnh đó, nhà mạng vẫn cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng 4G, tối ưu hóa mạng lưới để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.

 

Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Văn Tuấn, quan điểm chính sách trung lập công nghệ khi triển khai 4G ở Việt Nam đã giúp doanh nghiệp phát triển dịch vụ nhanh hơn, đáp ứng kịp thời trên thị trường. Tuy nhiên, chất lượng 4G triển khai trên băng tần 1.800 Mhz như hiện nay cũng chưa được tốt hẳn vì khả năng đâm xuyên kém, khiến sóng 4G trong nhà đôi khi bị chập chờn hoặc chuyển về sóng 3G. Hiện tại, Cục Tần số Vô tuyến điện đang tính toán quy hoạch lại tần số để các nhà mạng có thể có được băng tần tốt hơn trong kế hoạch triển khai 4G trong thời gian tới.

 

Tính đến nay, các nhà mạng Việt Nam đã triển khai tổng cộng khoảng 43 nghìn trạm 4G LTE trên toàn quốc, phủ sóng khoảng 95% số dân. Cả nước có hơn 60 triệu thuê bao băng rộng, trong đó có gần 48 triệu thuê bao băng rộng di động. Sau khi ba nhà mạng là Viettel, Vinaphone và MobiFone chính thức cung cấp dịch vụ 4G, đã có 6,3 triệu thuê bao băng rộng di động đổi sang SIM 4G, nhưng chỉ có 3,5 triệu thuê bao đang sử dụng dịch vụ 4G.

                                                           (Nguồn: Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông)