Doanh nghiệp mong chính quyền tạo cơ hội

17:02, 15/08/2017

Thời gian gần đây, do có những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng đất đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Mỏ đá Núi Voi (Công ty CP Cơ điện luyện kim Thái Nguyên) và một số doanh nghiệp (DN) liên kết rơi vào tình cảnh khó khăn. Các đơn vị này đã và đang nỗ lực khắc phục những vướng mắc, tìm đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được tư vấn, giải quyết trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên. Lúc này, điều cần nhất đối với các DN là được chính quyền tạo cơ hội và điều kiện để giải quyết dứt điểm tồn tại đó.

Từ nhận thức chưa đầy đủ về Luật Đất đai

Cuối năm 2016, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường đã có kết luận về việc quản lý sử dụng đất của Mỏ đá Núi Voi. Trong đó khẳng định, việc đơn vị chủ quản của Mỏ là Công ty CP Cơ điện Luyện kim Thái Nguyên (Công ty CĐLK) ký hợp đồng liên doanh hợp tác sản xuất kinh doanh với 4 đơn vị, DN bên ngoài (gồm: Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng công trình Bắc Nam, Công ty TNHH Gạch không nung Quang Minh, Công ty TNHH H&P - nay là Công ty CP Bê tông Bút Sơn HP và Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng 472) theo hình thức Mỏ góp mặt bằng sản xuất, đường giao thông, nguồn điện, DN liên doanh góp máy móc, nhà xưởng và vốn lưu động, là chưa đúng với quy định tại thời điểm ký kết. Sở Tài nguyên - Môi trường yêu cầu Công ty chủ động thanh lý với 4 hợp đồng kinh tế liên doanh nói trên. Thanh tra Sở đã thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính và truy thu số lợi nhuận của Mỏ trong quá trình liên doanh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Khoa, Giám đốc Mỏ đá Núi Voi phân trần: Quả thật, khi ký hợp đồng liên doanh đơn vị đã không nghiên cứu đầy đủ quy định của Luật Đất đai năm 2013, nên không biết việc ký liên doanh góp mặt bằng với diện tích trên 15.600m2 đất đã được Nhà nước cho Mỏ thuê là chưa đúng quy định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài nguyên do chủ quan, Mỏ đá Núi Voi còn bị tác động từ yếu tố bên ngoài. Những năm gần đây, thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt đã tạo áp lực lớn cho đơn vị. Gần 300 lao động của Mỏ phải thường xuyên nghỉ việc luân phiên do sản phẩm làm ra khó tiêu thụ.

Trong khi đó, 4 đơn vị ký hợp đồng liên doanh nói trên lại có nhu cầu lớn về nguyên liệu đá phục vụ sản xuất bê tông tươi, gạch không nung… tại chỗ. Mặt khác, trong quá trình sản xuất nhiều năm, Mỏ đá Núi Voi sở hữu cơ sở hạ tầng rộng lớn, một số vị trí chưa sử dụng đến, nên đã tận dụng lợi thế trên để liên doanh góp vốn, tháo gỡ khó khăn.

Đến nhiều khó khăn gặp phải

Công ty CĐLK chính thức ký hợp đồng liên doanh với 4 DN vào đầu năm 2015 và năm 2016, thời hạn hợp đồng từ 3 đến 5 năm. Sau khi ký hợp đồng, 4 DN trên đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm, lắp đặt thiết bị, máy móc và đưa vào vận hành ổn định 4 dây chuyền trộn bê tông nhựa nóng, bê tông tươi. Trong đó, riêng Công ty CP Bê tông Bút Sơn HP đầu tư trên 50 tỷ đồng. Thực tế báo cáo sản xuất của Mỏ đá Núi Voi thời điểm sau ký hợp đồng liên doanh cho thấy, sản lượng đá tiêu thụ đã tăng mạnh, chi phí tồn kho, chi phí vận chuyển (do sản xuất tại chỗ) giảm đáng kể. Riêng năm 2015, các đơn vị liên doanh đã tiêu thụ tại chỗ cho Mỏ 65.000m3 đá, trị giá trên 10 tỷ đồng. Từ đó, việc làm của 300 lao động tại Mỏ và hàng trăm lao động thuộc các đơn vị liên doanh ổn định hơn, thu nhập bình quân công nhân đã tăng từ 3 triệu đồng/người/tháng lên trên 4 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, từ khi thực hiện Kết luận thanh tra, các đơn vị liên doanh phải dừng hoạt động, khó khăn lại chồng chất với Mỏ và với chính các đơn vị liên doanh. Báo cáo mới nhất của Mỏ cho thấy, sản phẩm chính của đơn vị là đá các loại và vôi luyện kim đang tồn kho tới trên 110.000m3, tương đương với 4 tháng sản xuất. Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã xuống khai trường của Mỏ và khu vực sản xuất của các đơn vị liên doanh. Khu vực khai thác của Mỏ thời điểm này chỉ còn lác đác vài máy xúc, máy khoan hoạt động. Thỉnh thoảng mới có xe tải nhỏ đến giao dịch hàng hóa. Còn 4 dây chuyền sản xuất của các đơn vị liên doanh gần như không hoạt động, máy móc thiết bị nằm đắp chiếu, hoen rỉ, lao động phải nghỉ việc không lương hoặc tìm việc làm khác.

Ông Vũ Thanh Quang, Giám đốc Công ty TNHH Gạch không nung Quang Minh cho biết, đơn vị đã bán một phần máy móc, thiết bị để trả nợ ngân hàng. Còn ông Chu Minh Phương, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Bê tông Bút Sơn HP lo lắng: Do phải thanh lý hợp đồng trước thời hạn, nên các phương án sản xuất của chúng tôi bị đảo lộn. Nhiều hợp đồng cung cấp bê tông tươi có giá trị lớn của đơn vị như Dự án đường Hồ Chí Minh, Dự án xây dựng cầu Bến Tượng, công trình trụ sở Công an tỉnh… có nguy cơ gián đoạn, bị chủ đầu tư phạt hợp đồng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp…

Và những đề nghị chính đáng

Ngay khi có Kết luận thanh tra, Công ty CĐLK đã tiến hành thanh lý hợp đồng với  một số đơn vị liên doanh nói trên; tiến hành nộp phạt hành chính, nộp tiền truy thu và các khoản khác theo yêu cầu.

Tuy nhiên, theo quy định mới tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và có hiệu lực thi hành từ ngày 3-3-2017 thì việc Công ty CĐLK hợp tác liên doanh với các đơn vị bên ngoài trên diện tích hơn 15.600m2 của Mỏ đá Núi Voi lại hoàn toàn được phép. Bởi vậy, để tránh gây thiệt hại kép cho các DN, đồng thời vừa giúp DN có cơ hội sửa sai, vừa mang lại lợi ích cho xã hội, rất cần sự linh hoạt, tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Theo các nhà quan sát, nếu bắt buộc phải di dời, chắc chắn phía các DN liên doanh sẽ gặp rất nhiều khó khăn, không loại trừ khả năng bị phá sản. Lý do rất đơn giản là vì họ chưa có mặt bằng để di dời, trong khi các hợp đồng kinh tế lớn lại đang thực hiện dở dang. Nếu yêu cầu các DN liên doanh thực hiện việc di dời, chính quyền địa phương cũng nên xem xét gia hạn hoặc tạo điều kiện thuận lợi để DN chuẩn bị mặt bằng mới và giải quyết dứt điểm các hợp đồng cung cấp bê tông đã ký.

Được biết, hiện nay lãnh đạo Mỏ đá Núi Voi đang chủ động gặp gỡ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn tìm biện pháp tiếp tục ký kết hợp đồng liên doanh, giải quyết ngay những khó khăn đang gặp phải. Ông Nguyễn Văn Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CĐLK kiến nghị: DN mong muốn được UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo để các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn các thủ tục giúp đơn vị khắc phục và cho phép tiếp tục ký hợp đồng liên doanh theo Nghị định số 01 của Chính phủ.

Đối với trường hợp này, có thể nhận thấy, nguyện vọng tiếp tục được liên doanh, liên kết theo quy định mới nhất mà Chính phủ vừa ban hành của Công ty CĐLK là hoàn toàn chính đáng. Những khó khăn, vướng mắc trước đây đã và đang được các DN liên quan tiếp thu và nghiêm túc giải quyết. Thực tế thì việc liên doanh, liên kết sẽ không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho các DN liên quan, không làm tổn hại đến xã hội, mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, tránh gây lãng phí tài nguyên.