Thời gian qua, khởi nghiệp là vấn đề nhận được sự quan tâm của cả xã hội. Đối với hệ thống ngân hàng (NH), doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) được cho là một trong những đối tượng khách hàng không thể không quan tâm. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho vay đối với đối tượng khách hàng này của đại đa số NH trên địa bàn tỉnh hiện không có gì đáng kể, bởi chưa có cơ chế cụ thể nào dành cho DNKN.
Thế nào là DNKN? - dường như vẫn chưa có được định nghĩa đầy đủ, chính xác, vì thế mỗi lãnh đạo ngân hàng lại có những quan niệm khác nhau. Ông Hà Mậu Quý, Giám đốc NHTMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên thì cho rằng đó là những DN mới thành lập, DN mở thêm ngành nghề sản xuất - kinh doanh mới hoặc cũng có thể là DN tái hoạt động sau thời gian ngừng hoạt động, đều phải có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Còn theo ông Trần Thùy Dương, Giám đốc NHTMCP Ngoại Thương (Vietcombank) Thái Nguyên thì DNKN phải là những DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc dịch vụ, mà ở đó có hàm lượng chất xám cao, có ý tưởng mới, bắt kịp, thậm chí là đón đầu xu thế phát triển. Ông Dương giải thích thêm: Khởi nghiệp hay còn gọi là Start-up được khởi nguồn ở các nước phương Tây từ nhiều năm trước. Nó thường đi đôi với rủi ro cao, thậm chí mất trắng, nhưng nếu thành công thì lợi nhuận thu lại, lại rất đáng kể. Còn ở Việt Nam, Start-up hiện được hiểu là để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, DN.
Ông Dương chia sẻ thêm: Bản thân tôi rất thích Start-up, nhưng phải là những Start-up thực sự, chứ nếu như cách hiểu thông thường hiện nay, thì nguồn lực của xã hội sẽ không đủ để đầu tư hay hỗ trợ. Và như thế dễ khiến những DNKN thực sự mất đi cơ hội được đầu tư thích đáng. Cũng bởi chưa có quy định cụ thể nào nên ở Vietcombank Thái Nguyên tính đến cuối tháng 7 này vẫn chưa có DNKN đúng nghĩa nào được tiếp cận với nguồn vốn vay cũng như được ưu đãi về lãi suất, mặc dù dư nợ cho vay của Chi nhánh đạt tới 2.500 tỷ đồng và có trên 300 khách hàng DN.
Đối với BIDV Thái Nguyên, mặc dù người đứng đầu Chi nhánh quan niệm về DNKN khá cởi mở, cũng là NH có số dư nợ cho vay DN lớn nhất tỉnh (với 6.650/8.100 tỷ đồng tổng dư nợ) và mới đây, BIDV đã triển khai gói cho vay ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó có DNKN, song đến nay, cũng mới có 4 DNKN được hưởng một phần ưu đãi trong việc định giá tài sản đảm bảo và được hạ lãi suất cho vay. Tuy vậy, mức ưu đãi đối với các DN này là không đáng kể. Một trong những nguyên nhân là do đối tượng được quy định để hưởng hỗ trợ của DNKN rất hẹp, phải là DN có hoạt động kinh doanh hiệu quả. Với quy định này, chỉ có DN đã hoạt động được một thời gian nhất định, nay mở thêm ngành nghề mới, mới đủ điều kiện. Ông Hà Mậu Quý cho rằng để DNKN có điều kiện tiếp với cận nguồn vốn ưu đãi thì Chính phủ cần phải đưa ra quy định cụ thể về các tiêu chí đối với DNKN cũng như ban hành cơ chế ưu đãi kèm theo.
Trên thực tế, một DN thông thường để đáp ứng đủ điều kiện vay vốn NH như phải có tài sản đảm bảo; hoạt động kinh doanh hiệu quả; có phương án kinh doanh khả thi… đã không phải dễ dàng, nói gì đến những DN mới thành lập hay tái sản xuất, kinh doanh sau khi làm ăn thua lỗ. Cũng chính vì các điều kiện này nên không ít trường hợp dù tài sản đảm bảo có giá trị gấp 2-3 lần số vốn muốn vay nhưng lại không được NH cấp vốn do thiếu phương án kinh doanh hiệu quả. Lý giải về điều này, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Tài sản đảm bảo là điều kiện cần, chứ chưa đủ. Nếu 1 khoản cho vay không hiệu quả, khiến người vay không có khả năng trả nợ thì buộc NH phải tiến hành đấu giá tài sản mà khách hàng đã thế chấp. Tuy nhiên, trên thực tế, để xử lý được tài sản đó không hề đơn giản và mất rất nhiều thời gian. Do đó, điều kiện mà các NH đưa ra không phải làm khó cho DN, mà bởi NH phải có sự đảm bảo đối với khoản cho vay hiệu quả, vì trên thực tế NH cũng là DN, luôn phải đặt hiệu quả kinh doanh lên hàng đầu.
Cũng theo ông Khoa: Nếu như trước đây, DN phải “cầu cạnh” NH, thì giờ “NH phải đốt đuốc đi tìm khách hàng”. Điều này phần nào cho thấy việc vay vốn NH chưa bao giờ thuận lợi đến thế. Tuy nhiên, đó chỉ là đối với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện mà NH đưa ra. Còn nếu không, việc vay vốn hiện nay còn được cho là khó khăn hơn trước, bởi các quy định về hoạt động tín dụng ngày càng được siết chặt.
Như vậy có thể thấy, hiện chưa có quy định cụ thể nào về việc cho vay đối với DNKN, nên hầu hết các NH đang chủ yếu áp dụng theo Thông tư số 16/2013/TT-NHNN của NH Nhà nước quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm: Nông nghiệp, nông thôn; sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; DNNVV; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, để được áp dụng theo Thông tư này, khách hàng vẫn phải đáp ứng được các điều kiện về tài sản đảm bảo; có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh… Do đó, nếu là những DN vừa thành lập hoặc DN tái hoạt động sản xuất sau thời gian bị thua lỗ thì sẽ không phải là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này từ phía NH.
Trước thực tế này, đại diện lãnh đạo nhiều NH cho rằng, Chính phủ cần có quy định rõ về DNKN; bổ sung DNKN cũng là đối tượng của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Thực tế ở Thái Nguyên, mặc dù Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV đã thành lập được gần 2 năm, nhưng đến nay, mới có 1 DN với 2 lần được bảo lãnh, trong khi số DN có nhu cầu bảo lãnh để được vay vốn NH khá nhiều. Nguyên nhân chính là do các điều kiện để được Quỹ bảo lãnh không khác gì điều kiện vay vốn NH, trong khi đó DN lại phải đồng thời trả lãi suất NH, vừa phải trả phí bảo lãnh cho Quỹ là 0,8%/năm. Cùng với đó, Nhà nước cũng cần tạo cơ chế khuyến khích để các nhà đầu tư tạo quỹ như Quỹ đầu tư mạo hiểm như nhiều nước đã và đang làm; tạo điều kiện về vốn cho các hội, đoàn thể, câu lạc bộ như thanh niên, phụ nữ, DN để những hội viên nếu hội tụ được những yêu cầu bắt buộc sẽ được tiếp cận với nguồn vốn vay. Được biết, tính đến cuối tháng 6-2017, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 42.022 tỷ đồng, tăng 6,57% so với cuối năm 2016.