Là xã có tới gần 700ha chè, Tân Linh được coi là vựa chè lớn nhất của huyện Đại Từ. Cùng với đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất chè, hiện nay, xã đang sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP ở các xóm 5, 10 và 12 vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ môi trường sinh thái.
Anh Đinh Xuân Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Linh cho biết: Thấy được những ích lợi của việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, tháng 3-2016, xã đã phối hợp với Công ty Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo triển khai chương trình hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình trên diện tích 16,24ha, với các giống như LDP1, Kim Tuyên, TRI 777, PH8, Keo Am Tích, Phúc Thọ 10. Trong đó, mô hình xóm 5 có 9,98 ha với 26 hộ dân tham gia; mô hình xóm 10 và 12 có 6,26 ha, với 36 hộ dân tham gia. Theo đó, bà con đã được các chuyên gia về cây chè đến để phổ biến những kiến thức mới về làm chè, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm canh tác chè theo hướng bền vững, an toàn. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình còn được đi tham quan, học tập ở những nơi đã thực hiện thành công sản xuất chè VietGAP.
Những ngày đầu đi vào thực hiện, việc triển khai chương trình này gặp không ít khó khăn do bà con đa phần đã quen với phương pháp sản xuất truyền thống. Trong khi đó sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe như: đánh giá, lựa chọn vùng, mẫu đất, mẫu nước, quản lý thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, nhà xưởng... Đặc biệt, thực hiện theo quy trình này, các phần việc đều phải ghi chép đầy đủ, lưu trữ hồ sơ, kiểm tra và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Trong khi bà con lại hay quên ghi chép sổ nhật ký nông hộ hoặc cập nhật chưa được đầy đủ và thường xuyên...
Dù khó khăn là vậy nhưng với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nước tưới; diện tích làm ô mẫu khá tập trung, nên sau một thời gian được tập huấn quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân đã nắm được và thực hiện rất tốt các quy trình bắt buộc từ khâu chăm sóc, thu hái đến chế biến sản phẩm. Trình độ nhận thức của các hộ làm mô hình được nâng lên, người dân đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; có sổ ghi chép theo dõi quá trình sản xuất: đốn tỉa, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước, thu hái, chế biến, tiêu thụ, và hạch toán... Theo ông Hoàng Văn Thành, xóm 5, trong thời gian triển khai mô hình, cùng với việc tích cực hướng dẫn người dân thực hiện đầy đủ các quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn xã Tân Linh và cán bộ của Công ty Khai thác khoáng sản Núi Pháo đã liên tục kiểm tra, hướng dẫn người dân khắc phục một số lỗi trong sổ nhật ký. Nhờ vậy các hộ tham gia đã hoàn thiện sổ nhật ký của gia đình một cách bài bản.
Sau nhiều nỗ lực, cuối năm 2016, qua 2 lần kiểm nghiệm mẫu đất, mẫu nước, mẫu chè và tiến hành kiểm tra các tiêu chuẩn như ghi chép sổ nhất ký, nhà xưởng, vườn bãi… của Trung tâm Trung tâm kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh, toàn bộ diện tích chè tham gia mô hình đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Văn Hoạch, một hộ dân ở xóm 10 cho hay: Từ khi sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm chè của gia đình tôi được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Giá chè đã tăng từ 15 đến 20% so với 2 năm trước. Hiện tại, dù đang là chính vụ nhưng giá chè lai của gia đình vẫn bán được với giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg.
Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Xuân Tuyến nói: Từ việc thực hiện mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã làm thay đổi tư duy của người trồng chè ở Tân Linh. Bà con đã có ý thức sản xuất chè an toàn để nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm, mở ra cho địa phương một hướng đi mới, bền vững trong phát triển cây kinh tế mũi nhọn. Từ những thành công của mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP ở các xóm 5, 10 và 12, đến nay, xã Tân Linh đã có 40ha chè đạt tiêu chuẩn này và đang tiếp tục nhân ra diện rộng. Mặc dù việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP không làm cho năng suất cao hơn so với các diện tích sản xuất thông thường, thậm chí trong vụ đầu năng suất còn giảm và sẽ tăng dần lên ở những vụ sau. Nhưng sản phẩm làm ra không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, giá bán vì thế cũng cao hơn rất nhiều. Nếu như trước đây, cùng sản phẩm chè ở diện tích này, bà con chỉ bán với giá 60.000-120000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 180.000-200.000 đồng/kg và điều đáng mừng là, sản phẩm chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP luôn luôn “cháy” hàng.
Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã khẳng định hiệu quả rõ nét khi chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế được nâng lên, sức khỏe của người trồng và sử dụng được đảm bảo. Tuy nhiên hiện nay, diện tích chè được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP của Tân Linh còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Đầu ra cho sản phẩm chè VietGAP ở Tân Linh chưa thật sự ổn định, vẫn phải phụ thuộc vào các thương lái. Do đó, bà con mong muốn UBND xã Tân Linh và Công ty Khai thác chế biến khoảng sản Núi Pháo tiếp tục quan tâm, đặc biệt là tiếp tục hỗ trợ nông dân triển khai các ô mẫu, mô hình sản xuất chè theo quy trình này; liên hệ với các doanh nghiệp uy tín cung ứng giống, phân bón, thuốc BVTV cho nông dân đảm bảo đúng thời gian, tiến độ và thời vụ sản xuất; tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chè VietGAP của người dân.
Về phía các hộ dân đã được cấp chứng nhận, cần tiếp tục duy trì ghi chép nhật ký, đảm bảo năng suất, chất lượng chè theo đúng tiêu chuẩn VietGAP để bảm đảm uy tín và thương hiệu chè VietGAP Tân Linh.