Người nông dân "4 trong 1"

10:49, 16/08/2017

Ở xóm Cây Thị, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên), nhiều người dân đặt cho ông Ngô Văn Bộ cái tên: Người nông dân "4 trong 1". Vì cùng lúc ông làm 4 việc: trang trại chăn nuôi, cung ứng thức ăn chăn nuôi, cung ứng con giống cho nông dân và thu gom sản phẩm cho Công ty.

Ông bắt tay vào làm kinh tế trang trại chăn nuôi gà năm 2009, với quy mô 9.000 con. Và chỉ sau 1 năm, ông không chỉ trả xong tiền nợ cho ngân hàng, bè bạn, mà còn có dư để giúp đỡ một số bà con trong vùng cùng làm kinh tế trang trại.

 

Để có tiền xây dựng trang trại, ông mang 7.000m2 đất của mình thế chấp với ngân hàng, làm thủ tục vay vốn. Chưa đủ, ông vay thêm của người thân để xây dựng hoàn thiện và duy trì hoạt động trang trại. Ông kể: Tôi vào đời lận đận, làm rất nhiều nghề để sống, kể từ đào đất, xây nhà đến đi buôn chè. Nhờ cần cù, sống tiết kiệm nên tôi cũng có chút dư dả. Rồi được một số hộ chăn nuôi trong vùng khuyến khích tham gia chăn nuôi gà ở quy mô trang trại, ban đầu cũng phân vân. Nhưng sau đó tôi nghiệm được việc chăn nuôi gà có sự ổn định hơn so với các nghề tôi từng làm.

 

Vừa xây dựng chuồng trại, ông Bộ tranh thủ đến các trang trại trong vùng học hỏi và nghiên cứu thêm tài liệu hướng dẫn chăn nuôi trên sách báo. Chính vì thế, ông tự tin đăng ký tham gia hợp tác làm ăn với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam. Ngay lứa gà đầu tiên ông nhập về 9.000 con. Sau 45 ngày, từng chú gà bé xíu như cục bông đã thành gà thương phẩm, có trọng lượng trung bình 3,5 kg/con, đạt sản lượng hơn 31,5 tấn, trừ mọi chi phí còn lãi 45 triệu đồng. Ông cho biết: Tôi là người làm thuê cho Công ty. Vì gà giống, thức ăn chăn nuôi do Công ty cấp. Sau 45 ngày nhập chuồng, Công ty đến nhận lại gà thương phẩm. Công ty làm ăn rất chặt chẽ, “họ” giao cho mình bao nhiêu con gà, bao nhiêu cám thì mình phải trả lại cho họ một sản lượng nhất định. Trung bình tôi có lãi 5.000 đồng/con gà.

 

Thấy việc hợp tác chăn nuôi gà với Công ty thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Bộ vận động thêm một số hộ trong vùng cùng tham gia. Nhiều bạn bè thân thiết ở các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh… đầu tư vốn làm trang trại chăn nuôi gà. Tiếp đó, ông cùng chủ trang trại về Công ty làm hợp đồng chăn nuôi gà. Nhờ làm ăn hiệu quả, có uy tín, nên ông được cán bộ phụ trách các bộ phận liên quan của Công ty tín nhiệm. Và ông đã "tín chấp" cách làm ăn đàng hoàng của mình với Công ty, giúp đỡ nhiều nông dân khác nhập gà, nhận cám chăn nuôi đúng thời hạn. Khi gà đến kỳ xuất chuồng, bà con lại nhờ ông liên hệ với Công ty đến trang trại thu gom sản phẩm. Thấy ông năng động, đại diện Công ty đã đến nhà tham quan, khảo sát và có một vài trắc nghiệm tâm lý. Ai nấy gật gù, động viên ông đứng ra làm đại lý cấp I cho Công ty.

 

Thoạt tiên, ông nghĩ nhiều lắm: Mình đang khắc làm, khắc ăn, giờ “ôm” đại lý cấp I, lo nhất không làm được như ý muốn, mất lòng bè bạn. Nghĩ thế, nên ông mày mò vào mạng internet, nghiên cứu về kỹ năng quản lý và tìm hiểu kinh nghiệm điều tiết trong hệ thống đại lý cấp I và các đại lý nhỏ hơn. Vốn là người tinh ý, nên ông nhanh chóng phát hiện được cách quản lý mới thông qua hệ thống mạng internet, điện thoại cầm tay và từng bước mở rộng địa bàn hoạt động của đại lý đến nhiều tỉnh phía Bắc. Ông tự tin, bảo: Tất cả mọi giao dịch đều trực tuyến. Đến nay, tôi đang làm đại lý cấp I cho gần 50 trang trại.

 

Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm khu vực chuồng trại, kho chứa thức ăn chăn nuôi và khu vực vườn, ao, cây ăn quả của “trang gia”, ông tâm đắc: Nhờ có các “nhà mạng”, nên công việc quản lý đại lý cấp I như tôi rất thuận lợi. Hằng ngày, ngồi uống nước trà, tôi vẫn giao được hàng trăm con gà giống, hàng chục tấn cám cho người chăn nuôi. Đồng thời tôi cũng gom được hàng trăm con gà thương phẩm cho Công ty. Tất cả thông qua giao dịch điện thoại hoặc một cú nhấp chuột.

 

Năm 2017, giá thực phẩm gà, lợn giảm sâu, Công ty làm ăn khó khăn, tôi và các trang trại chăn nuôi gà của Công ty chấp nhận chia sẻ, cùng gánh khó khăn với Công ty. Nếu như những năm làm ăn thuận lợi, 1 con gà nông dân chúng tôi có lãi 5.000 đồng/con. Thì như 4 lứa gà đầu năm 2017, trừ chi phí tiền điện, nước, người chăn nuôi trang trại chỉ còn có lãi 1.000 đồng/con gà thương phẩm. Như bản thân tôi, sau khi bán 4 lứa gà, trừ chi phí còn 36 triệu đồng (9 triệu đồng/lứa). Chí ít là tôi không bị lỗ như một số trang trại trong vùng. Hiện tôi đang làm vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị nhập đợt gà mới. Ông nói.

 

Với gia đình ông, nguồn thu nhập chính cơ bản ở việc cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi cho nông dân và thu gom gà thịt từ các trang trại cho Công ty. Có mặt ở đó, bà Nguyễn Thị Hương, vợ ông Bộ cho biết thêm: Để công việc bớt nặng nhọc, song mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, vợ chồng tôi vừa đầu tư gần 200 triệu đồng lắp đặt 3 đường ăn tự động trong khu chăn nuôi gà.

 

Chuông điện thoại đổ liên hồi, ông ngồi vào bàn, vừa nghe điện thoại, vừa viết lại nội dung cuộc điện đàm với Công ty và với người chăn nuôi. Ông bảo: Bận rộn, nhưng vui, vì sau mỗi cuộc điện đàm, Công ty sẽ chuyển gà giống, thức ăn chăn nuôi đến giao trực tiếp cho trang trại hoặc đến trang trại nhận thu mua lại gà thương phẩm. Còn đại lý cấp I như tôi, có chút phần trăm rất nhỏ trong phần lãi của Công ty và người chăn nuôi.