Nhận thấy việc trồng rừng đem lại những lợi ích thiết thực về kinh tế - xã hội, bảo vệ nguồn nước, môi trường, trong những năm qua, bà con nông dân huyện Phú Lương đã tận dụng lợi thế về đất đai để phát triển kinh tế đồi rừng, góp phần tạo việc làm tại chỗ và tăng thu nhập.
Trên 200 triệu đồng là số tiền thu được hằng năm từ phát triển kinh tế đồi rừng của gia đình ông Lã Quý Hồng, ở xóm Na Rau, xã Phủ Lý (Phú Lương). Dẫn chúng tôi đi thăm những đồi keo xanh ngút ngàn bao bọc xung quanh ngôi nhà, ông Hồng chia sẻ: Trước đây, kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm. Nguồn thu của cả nhà trông cả vào 8 sào lúa, thóc gạo thì cũng chỉ đủ ăn chứ không làm giàu được. Sau khi được cán bộ kiểm lâm tuyên truyền về chủ trương trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc, ban đầu nhà tôi trồng toàn bộ là cây bạch đàn. Về sau, thấy không đem lại hiệu quả kinh tế, từ năm 2006 đến nay, gia đình tôi đã khai thác và trồng lại toàn bộ bằng keo lai. Hiện nay, mỗi héc ta keo cũng cho khai thác được từ 70-80 triệu đồng. Ngoài trồng rừng, gia đình tôi còn tận dụng diện tích đất đào ao thả cá, nuôi 25 thùng ong lấy mật và hơn 90 con dê. Kinh tế từng bước phát triển, tôi có điều kiện sắm sửa các vật dụng cần thiết trong gia đình như ti vi, tủ lạnh, máy giặt...
Giống như gia đình ông Hồng, gia đình anh Lã Văn Đặng, một hộ dân trong xóm cũng đi lên từ kinh tế đồi rừng. Anh Đặng chia sẻ: Nhà tôi có 15ha rừng sản xuất, trồng gối lứa nọ lứa kia, trung bình mỗi năm được khai thác khoảng 2ha, trị giá 160 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn đầu tư 3 hồ câu cá với diện tích 2ha để phục vụ nhu cầu của bà con trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, trừ chi phí, tổng thu nhập của gia đình tôi đạt trên 250 triệu đồng/năm. Có được kết quả như ngày hôm nay, gia đình tôi đã phải vất vả, lam lũ, vay mượn cả ngân hàng, bà con lối xóm cùng anh em dòng họ để có vốn mua đất, giống cây trồng, phân bón, thả cá... Nói về hiệu quả kinh tế đồi rừng, ông Nguyễn Thế Đậu, Phó Chủ tịch UBND xã Phủ Lý cho biết: Toàn xã có hơn 886ha rừng, tập trung ở 12/12 xóm. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng nên nhiều năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra hiện tượng cháy rừng, không có tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Ở các xóm đều có Tổ quản lý, bảo vệ rừng hoạt động khá hiệu quả. Nhờ phát triển kinh tế rừng, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ trên 500 hộ (năm 2012) xuống còn 247 hộ hiện nay.
Không chỉ tại xã Phủ Lý, nhiều địa phương khác của huyện Phú Lương như: Yên Đổ, Yên Ninh, Phú Đô, Ôn Lương, Yên Trạch, Yên Lạc... cũng phát triển mạnh kinh tế đồi rừng. Tổng diện tích rừng của toàn huyện trên 17.000ha; trong đó, rừng sản xuất gần 14.000ha, rừng phòng hộ 3.000ha. Trước đây, việc sử dụng đất của bà con kém hiệu quả, các chủ mô hình kinh tế đồi rừng phát triển tự phát. Người dân mới chỉ tập trung mở rộng diện tích mà chưa quan tâm nhiều tới việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế từ rừng chưa cao. Từ năm 2010 trở lại đây, huyện đã vận động người dân tự bỏ vốn ra trồng rừng, diện tích rừng khai thác đến đâu trồng ngay đến đó không để đất trống. Đồng thời, chính quyền địa phương còn phối hợp với lực lượng kiểm lâm vận động bà con tích cực chăm sóc rừng trồng, có biện pháp quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, không xâm hại rừng. Để lấy ngắn nuôi dài, các hộ trồng rừng còn kết hợp thực hiện các mô hình kinh tế dưới tán rừng như: Nuôi ong lấy mật, chăn nuôi lợn, nuôi gà thả đồi, xây dựng mô hình vườn - rừng - ao - chuồng... Qua đó, đã giúp người dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, đổi mới tư duy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thế Phương, Phó Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Phú Lương cho biết: Để bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, thời gian qua, công tác tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ rừng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lâm luật được chúng tôi tiến hành thường xuyên. Vì vậy, hầu hết các diện tích đất lâm nghiệp đều được trồng trừng và khoanh nuôi bảo vệ tốt. Nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ kinh tế đồi rừng. Mặt khác, phát triển kinh tế đồi rừng còn giúp người dân làm quen với kinh tế thị trường, tạo nhu cầu hợp tác, liên hệ với các doanh nghiệp để bán sản phẩm cũng như đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng giống mới vào trồng rừng sản xuất.
Việc phát triển các mô hình từ kinh tế rừng đang là hướng đi bền vững, mang lại hiệu quả trong giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.