Văn Hán là một trong những xã có diện tích chè lớn nhất huyện Đồng Hỷ với trên 900ha. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính quyền địa phương thì cây chè Văn Hán chưa mang lại giá trị kinh tế tương xứng với điều kiện tự nhiên thổ nhưỡng nơi đây. Do đó, xã Văn Hán đang tập trung nhiều giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu cho loại cây trồng chủ lực này.
Ông Vi Ngọc Thi, Phó Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: Toàn xã hiện có trên 2.600 hộ dân, trong đó gần 2.300 hộ có nguồn thu nhập từ chè. Cây chè đã được trồng ở đây khoảng 60 năm, mặc dù thổ nhưỡng, khí hậu rất thích hợp với loại cây trồng này nhưng sản phẩm chè Văn Hán vẫn chưa có thương hiệu, giá bán ra thị trường khá thấp so với những vùng chè khác trong tỉnh, mỗi kg chè búp khô thường dao động trong khoảng 80.000 đồng - 100.000 đồng.
Nguyên nhân là do trước kia, người dân ở đây chủ yếu trồng chè bằng các loại giống cũ nên năng suất, chất lượng không cao. Trong khi đó, diện tích trồng chè lại không tập trung, ở một số xóm cây chè được trồng xen kẽ hoặc dưới tán rừng nên không phát huy được hiệu quả kinh tế. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, sản xuất, chế biến chè còn hạn chế.
Trước thực tế đó, những năm gần đây Đảng ủy, chính quyền xã Văn Hán đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng cho bà con nhân dân nhiều giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm chè Văn Hán: chú trọng ến việc cải tạo, thâm canh, mở rộng diện tích trồng chè; thay thế các giống chè cũ, chè địa phương bằng những giống chè lai có năng suất, chất lượng cao; thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các hộ dân có nhu cầu gắn bó, phát triển cây chè; phối hợp với các đơn vị chuyên môn tăng cường tập huấn cho bà con; tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình trồng, chế biến chè theo quy trình VietGAP, đồng thời giữ gìn và phát huy truyền thống của các làng nghề chè…
Qua đó, nhận thức của người dân đã dần được nâng lên, chất lượng chè Văn Hán đang từng bước được cải thiện. Chỉ tiêu trồng mới, trồng lại chè ở địa phương hàng năm đều vượt so với kế hoạch. Hiện nay, toàn xã có trên 400ha chè lai với các giống LDP 1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…; 50ha chè được công nhận sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP; giá bán chè bình quân được từ 120.000 đồng - 150.000 đồng/kg.
Hòa Khê 1 là xóm có diện tích chè lớn trên địa bàn xã Văn Hán. Cây chè ở đây không chỉ được thiên nhiên ưu ái cho thổ nhưỡng phù hợp mà còn được con suối Hòa Khê trong lành tưới mát cho trên 150ha chè của toàn xóm nên hương vị chè rất thơm và đậm đà. Phát huy những lợi thế sẵn có, Chi bộ xóm Hòa Khê 1 đã bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy xã để xây dựng những nghị quyết, mục tiêu phù hợp trong việc phát triển cây chè ở xóm.
Ông Triệu Minh Tương, Bí thư Chi bộ xóm Hòa Khê 1 cho biết: Những năm gần đây các hộ dân trong xóm ngày càng chú trọng đến việc đầu tư thâm canh tăng năng suất cho cây chè. Trung bình mỗi năm, toàn xóm trồng mới, trồng lại được 20ha chè, trong đó chủ yếu là các giống chè lai. Đặc biệt sau khi được tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc, chế biến chè do các đơn vị chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức, người trồng chè ở Hòa Khê 1 đã chủ động làm quen với quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, giá bán của sản phẩm. Hiện nay toàn xóm có 20ha chè VietGAP, mỗi lứa cho thu hoạch từ 110 tạ - 120 tạ chè búp tươi/ha, mỗi cân chè khô thường có giá khoảng 150.000 đồng, loại chè ngon nhất có thể bán được với giá cao gấp đôi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng xóm Hòa Khê 1 mà tại các xóm khác trên địa bàn xã Văn Hán người dân cũng rất chú trọng nâng cao chất lượng chè của địa phương. Chị Nguyễn Thị Vân, ở xóm La Đùm cho biết: Gia đình tôi có hơn 10 sào chè, trước đây hầu như tất cả diện tích này đều là chè trung du. Nhưng từ năm 2010 tôi được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, biết được những ưu điểm vượt trội của cây chè lai nên gia đình tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích chè giống cũ sang trồng chè lai LDP1. Ngoài ra tôi còn tham khảo các hộ dân khác trong xã về cách chăm sóc, chế biến sản phẩm chè an toàn để áp dụng trên diện tích chè của gia đình. Hiện tại, mỗi cân chè khô của nhà tôi bán ra có giá cao hơn so với trước kia từ 20.000-40.000 đồng, sản phẩm làm ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó.
Được biết xã Văn Hán hiện có 8 làng nghề chè, và 4 tổ hợp tác chè. Xã đang phấn đấu xây dựng 2 làng nghề chè mới ở xóm La Củng và xóm Ấp Chè, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để thành lập Hợp tác xã chè trong năm nay. Theo ông Vi Ngọc Thi: Việc thành lập Hợp tác xã chè chính là bước đệm trong xây dựng thương hiệu, giúp sản phẩm chè của xã Văn Hán mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và góp phần thiết thực vào việc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Dự kiến khi thành lập xong, Hợp tác xã sẽ tổ chức cho các thành viên đi tham quan, học tập mô hình tại những địa phương đã thành công trong phát triển cây chè, tạo dựng thương hiệu, sản phẩm chè khô của Hợp tác xã cũng sẽ được bán ra thị trường với đầy đủ bao bì, nhãn mác. Về lâu dài, Đảng ủy, chính quyền xã sẽ chỉ đạo các xóm và nhân dân tích cực mở rộng diện tích trồng chè giống mới, nhất là chè chất lượng cao. Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, coi trọng công tác đảm bảo an toàn trong toàn bộ quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến chè. Tiến tới việc xây dựng vùng nguyên liệu và làm tốt công tác quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.