Phía sau những dự án dang dở: Có hay không dự án “chiếm chỗ, giữ đất”? (Bài 1)

17:24, 15/08/2017

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn không ít dự án (DA) chậm triển khai, không triển khai hoặc không còn khả năng triển khai, đang “đắp chiếu” gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Đáng chú ý, trong đó có những DA dang dở nằm ở vị trí đắc địa của T.P Thái Nguyên. UBND tỉnh đã nhiều lần cho kiểm tra, rà soát và có các quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi DA, nhưng chưa nhiều. Không ít DA buộc phải tiếp tục gia hạn hoặc chưa thu hồi dù biết chủ đầu tư thiếu khả năng thực hiện. Phía sau các DA dang dở là hàng loạt nguyên nhân, cả khách quan, chủ quan, trong đó có cả những điều khó nói.

Điểm danh sơ sơ, trên địa bàn T.P Thái Nguyên có hàng chục DA cấp xong bỏ đấy, trong đó có những DA nằm ở vị trí “đất vàng” của tỉnh. Theo giải thích của các chủ đầu tư thì lỗi để chậm hoặc không triển khai DA là bởi kinh tế khủng hoảng, thị trường bất động sản đóng băng, tính toán đầu tư không có lãi… Tuy nhiên, phân tích của các nhà chuyên môn lại cho rằng, những lý do trên chỉ là thứ yếu, còn thực chất lại do nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính hoặc lập DA để chiếm chỗ, giữ đất. Bởi thực tế, một số DA được cấp phép gần chục năm nay nhưng không triển khai, hoặc triển khai chiếu lệ, để rồi đến kỳ kiểm tra lại… xin được gia hạn.

Đổi công trình lấy “đất vàng”

Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin viện dẫn một vài trường hợp điển hình về thực hiện hình thức đầu tư “đổi đất lấy công trình” (theo cách gọi trước đây) và hình thức đầu tư BT - xây dựng và chuyển giao (theo cách gọi hiện nay) trên địa bàn T.P Thái Nguyên.

Trường hợp đầu tiên chúng tôi muốn nhắc đến là của Doanh nghiệp (DN) Anh Thắng, có trụ sở tại phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Cách đây khoảng 14 năm, trước thực tế chợ Quang Vinh, nằm trên trục đường Dương Tự Minh (T.P Thái Nguyên) xuống cấp nghiêm trọng, UBND tỉnh đã đồng ý để DN Anh Thắng tiến hành xây dựng chợ mới ở vị trí khác, đổi lại DN này được thuê phần diện tích chợ cũ để đầu tư DA mới. Theo ông Vũ Anh Thắng, Giám đốc DN Anh Thắng, đơn vị đã đóng trên 3 tỷ đồng để xây chợ mới. Tại vị trí chợ cũ, DN lập DA đầu tư xây dựng Trụ sở làm việc và cửa hàng giao dịch.

Trường hợp khác là của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thủ đô Gió ngàn, có địa chỉ tại đường Lương Thế Vinh (T.P Thái Nguyên). Tháng 3-2014, DN này đã trúng thầu đấu giá tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất trụ sở Tỉnh Đoàn Thái Nguyên (nằm ở vị trí Trung tâm hành chính tỉnh, hướng ra Quảng trường Võ Nguyên Giáp và gần một số cơ quan Nhà nước của tỉnh). Theo đó, DN đã chi trả trên 26 tỷ đồng cho tỉnh để xây dựng trụ sở mới cho Tỉnh Đoàn sang vị trí khác, đổi lại tỉnh giao phần diện tích trên 1.400m2 của trụ sở Tỉnh Đoàn cũ để DN thực hiện dự án khác. Ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Công ty cho biết, khi tiếp nhận phần đất trên, DN đã lập DA xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê. Tiếp đó, đơn vị đã có văn bản xin điều chỉnh quy hoạch để xây dựng tại đây Khách sạn 4 sao.

Chưa đưa đất vào sử dụng

Việc thực hiện DA theo hình thức đầu tư BT là chủ trương của tỉnh nhằm tạo điều kiện cho DN, tăng nguồn lực đầu tư phát triển toàn xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách địa phương. Chỉ có điều, các nhà đầu tư sau khi thực hiện xong phần BT đã gần như không triển khai các DA đã cam kết mà bỏ trống những vị trí “đất vàng” ở trung tâm thành phố, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị. Đối với DN Anh Thắng, phải mất tới 10 năm (từ 2003 đến 2013) để hoàn thành xây dựng chợ Quang Vinh mới và khi chợ hoàn thành, DA xây dựng Trụ sở làm việc và cửa hàng giao dịch để thế chỗ vào vị trí chợ cũ đến nay vẫn bỏ trống.

Theo quan sát của chúng tôi, khu đất này mới chỉ được san phẳng, một phần dành để giâm cây xanh công trình, một phần bỏ trống. Với Công ty CP Đầu tư Thương mại Thủ đô Gió ngàn, từ năm 2014 đến nay, vị trí đất của Tỉnh Đoàn cũ do đơn vị sở hữu cũng mới chỉ hoàn thành phần phá dỡ công trình, mặt bằng còn nhôm nhoam mà chưa có một động thái đầu tư nào ngoại trừ đưa về một khối đá lớn dựng lên và che đậy lại.

Lãng phí hay thiếu cơ hội?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong một số DA “đất vàng” không triển khai nói trên, không phải hoàn toàn do nhà đầu tư không có khả năng thực hiện, vì hầu hết các DN này đều có tiềm lực kinh tế mạnh. Tuy nhiên, không chủ DN nào thừa nhận là không triển khai DA mà để chậm là bởi nhiều lý do khác nhau. Đại diện DN Anh Thắng thì cho rằng, đơn vị đang cùng lúc triển khai nhiều DA khác nhau, trong đó có những DA quan trọng phải triển khai trước. Hơn nữa, khu đất tại vị trí chợ Quang Vinh cũ tạm thời chưa thể triển khai vì còn vướng mắc mặt bằng. Còn đại diện Công ty CP Đầu tư Thương mại Thủ đô Gió ngàn thì cho rằng, việc DN lập DA xây dựng Khách sạn 4 sao tại trụ sở Tỉnh Đoàn cũ không được các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh chấp thuận vì lý do an ninh trật tự. Vị trí này nằm lọt trong khu vực toàn các cơ quan Nhà nước của tỉnh nên hoạt động kinh doanh khách sạn, phòng nghỉ sẽ không hợp lý. Bởi vậy, từ đó đến nay DN chưa tìm được phương án đầu tư nào phù hợp.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư bất động sản thì đây là hình thức gây lãng phí tài nguyên đất. Có ý kiến cho rằng, các DN đang chây ỳ để giữ lại những vị trí “đất vàng” của thành phố. Những vị trí này càng ngày càng hiếm, nếu không nhanh chân giữ lại, sau sẽ rất khó sở hữu nếu muốn đầu tư hoặc chuyển nhượng. Được biết, lĩnh vực sở trường của các DN trên đều không phải là kinh doanh dịch vụ thương mại, nên chắc chắn họ ít mặn mà với đầu tư siêu thị, khách sạn, trung tâm thương mại. Bởi vậy, dư luận cho rằng, nhiều khả năng mục tiêu chính của các DN ở đây chỉ là chiếm chỗ, giữ đất mà thôi.

Khi chúng tôi đưa vấn đề này trao đổi với ông Phan Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường thì được biết, theo quy định của Luật Đất đai, các DA nào vượt quá 24 tháng kể từ khi giao đất mà DN không đưa đất vào sử dụng sẽ xem xét gia hạn. Nếu hết thời gian được gia hạn mà DN vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì sẽ kiến nghị thu hồi và khi thu hồi sẽ không bồi thường về đất và tài sản trên đất, trừ trường hợp bất khả kháng.