Phía sau những dự án dang dở: Làm gì để không còn dự án “treo”? (Bài 5)

10:52, 19/08/2017

Sau khi Báo Thái Nguyên đăng tải loạt bài về những dự án (DA) chậm triển khai, không triển khai và không còn khả năng triển khai, đang “đắp chiếu” gây lãng phí, dư luận xã hội trong tỉnh đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến phản hồi. Qua các kênh khác nhau, chúng tôi ghi nhận được không ít ý kiến tâm huyết từ nhân dân, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và các chủ doanh nghiệp (DN) đang đầu tư tại Thái Nguyên.

Cương quyết thu hồi để răn đe

 

Gần như các ý kiến khi được hỏi đều đề nghị tỉnh sớm thu hồi các DA không khả thi để tránh bức xúc trong dư luận, giảm lãng phí và tạo môi trường đầu tư lành mạnh hơn cho địa phương. Bà Nguyễn Thị Minh Lý, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 5, phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) cho rằng, các DA dây dưa chưa triển khai không chỉ kéo lùi sự phát triển của nền kinh tế mà đang từng ngày làm khổ người dân vùng DA. Ở phường Quang Vinh hiện có 2 DA chậm tiến độ kéo dài, khiến một số hộ dân “đi không được, ở chẳng xong”. Thỉnh thoảng lại thấy chủ đầu tư đến thông báo sẽ làm, nhưng rồi lại bỏ đấy khiến người dân không biết thật giả ra sao.

 

Còn ông Nguyễn Văn Hiển, tổ dân phố số 8A, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) một trong hàng trăm hộ dân từng bị ảnh hưởng của DA “treo” đề xuất, nếu chính quyền chỉ đến kiểm tra xong lại gia hạn thì không đủ sức răn đe. Chắc chắn nhà đầu tư sẽ tiếp tục chây ì hoặc có làm thì cũng làm chiếu lệ. Do vậy, DA nào đã quá hạn tới vài năm mà không tiếp tục triển khai, đề nghị tỉnh cương quyết thu hồi.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái (người có nhiều năm làm công tác quản lý, giờ đã nghỉ hưu nhưng vẫn rất tâm huyết dõi theo tình hình thời sự chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh), cho rằng: Khi một DA không triển khai theo đúng trình tự, chậm trễ kéo dài, chính quyền cần “tuýt còi” dứt khoát. Đã có Luật Đầu tư quy định cụ thể, nên cứ đúng luật mà làm, không vì lý do gì mà nhân nhượng. Thực tế thì tình trạng giữ phần, chiếm chỗ của các chủ DA hiện nay đang khá phổ biến. Bởi vậy, cần mạnh tay thu hồi DA, quá trình thu hồi nên công khai để toàn dân được biết.

 

Còn ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hội DN thành phố Thái Nguyên bày tỏ quan điểm: Cộng đồng DN luôn ủng hộ chủ trương thu hồi các DA chậm tiến độ của tỉnh. Chính những DA này đang là “con sâu bỏ rầu nồi canh”, tạo sự bất bình đẳng trong cộng đồng các DN. Tuy nhiên, trong thu hồi cũng cần có hành lang mở, phù hợp với từng dạng DA khác nhau, tạo điều kiện để chủ đầu tư có DA bị thu hồi hoàn tất các nghĩa vụ liên quan.

 

Chỉ cấp dự án cho nhà đầu tư đủ năng lực

 

Có một thời gian dài chúng ta khao khát thu hút đầu tư, chỉ quan tâm đến số lượng DA, nên cũng khó tránh khỏi những DA “treo” tới… cả chục năm trời. Đã đến lúc, cần phải chọn lọc các nhà đầu tư có chất lượng, đủ năng lực thực hiện DA. Ông Lê Thanh Tuyết, Bí thư Thị ủy T.X Phổ Yên đề nghị: Khi tiếp nhận DA, các ngành của tỉnh cần xem xét kỹ (có kiểm tra cụ thể) năng lực tài chính, kỹ thuật của nhà đầu tư. Nếu DN có tiềm lực thực sự mới cho tiến hành các bước tiếp theo. Sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, các ngành cũng cần thường xuyên kiểm tra tiến độ triển khai. Vì theo quy định, sau 12 tháng được chấp thuận mà DN không triển khai đầu tư là có thể thu hồi DA. Đồng quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên, ông Nguyễn Hoàng Mác khẳng định: Năng lực nhà đầu tư là điều kiện số một để DA triển khai chậm hay nhanh, khả thi hay không. Tình trạng đầu tư dàn trải của các DN đang diễn ra, một DN có thể xin đầu tư nhiều DA, trong khi năng lực thực sự không có. Vấn đề này phải được kiểm soát ngay từ bộ phận một cửa liên thông của tỉnh và từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư. Có một thực tế nữa là, khi chưa có mặt bằng, chủ đầu tư gia sức thúc giục chính quyền giải phóng, nhưng khi có mặt bằng rồi nhà đầu tư lại không triển khai.

 

Theo ông Nguyễn Trọng Hiếu, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch - Đầu tư), có nhiều cách để đánh giá năng lực nhà đầu tư trước khi cấp DA. Đối với nhà đầu tư đã lên sàn chứng khoán thì việc minh bạch tài chính đã rõ ràng và rất dễ để nhận biết năng lực. Còn đối với các trường hợp khác chỉ cần thẩm tra kỹ báo cáo tài chính của DN và xem xét cam kết cấp tín dụng của ngân hàng cho DA là biết được năng lực thực sự của nhà đầu tư. Khi đã có đủ năng lực tài chính thì các năng lực khác đi kèm đều không đáng lo ngại.

 

Một số chuyên gia cho rằng, từ năm 2015 trở về trước, khi Luật Đầu tư chưa có hiệu lực thì hầu như báo cáo tài chính để thực hiện DA đều do nhà đầu tư tự lập và chịu trách nhiệm. Cơ quan Nhà nước không buộc DN phải chứng minh năng lực tài chính, nên mới dẫn đến tình trạng nhiều DN không có khả năng vẫn được thực hiện DA. Được biết, hiện nay, Luật Đầu tư đã có những thay đổi bổ sung theo hướng tích cực hơn, đó là chứng minh năng lực nhà đầu tư bằng cách ký quỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, do thời gian yêu cầu ký quỹ không quy định cụ thể nên nhiều DN đã vin vào đó để kéo dài thời gian không phải đóng quỹ. Như thế rất khó để có thể sàng lọc được các nhà đầu tư có năng lực thực sự hoặc không có năng lực. Do vậy, một số chuyên gia đề nghị DN phải ký quỹ sau khi được cấp phép đầu tư khoảng 40 đến 60 ngày.

 

Tạo môi trường đầu tư lành mạnh

 

Đánh giá của UBND tỉnh mới đây cho thấy, toàn tỉnh hiện có 850 DA đầu tư ngoài ngân sách với số vốn đăng ký 305 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có nhiều DA hoàn thành và đang triển khai đúng tiến độ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh. Hơn 7 tháng qua, toàn tỉnh cũng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho trên 50 DA. Tuy vậy, thực tế vẫn không tránh khỏi tình trạng tồn tại những DA chậm tiến độ. Theo ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái, lỗi để chậm tiến độ thuộc bên nào bên đó phải chịu trách nhiệm. Lỗi chậm do công tác giải phóng mặt bằng thì thuộc về chính quyền địa phương, còn lỗi do không triển khai DA thuộc về chủ đầu tư. Phải rạch ròi như vậy thì môi trường đầu tư của tỉnh mới được cải thiện, minh bạch và lành mạnh.

 

Theo quan sát của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh hiện đang có một số DN tên tuổi sẵn sàng đứng ra cùng tỉnh giải quyết tồn tại của những DA chậm tiến độ. Tập đoàn An Khánh là ví dụ điển hình. DN này đã triển khai đầu tư xong DA Trung tâm tài chính, thương mại FCC tại phường Hoàng Văn Thụ và đang hoàn thiện Trung tâm thương mại hơn 20 tầng ở phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên). Không chỉ thực hiện tốt DA của mình, DN này còn đứng ra thương thảo tiếp nhận lại một số DA không khả thi đã được tỉnh thu hồi. Giới thạo tin cho hay, với năng lực vượt trội của mình, DN này đang có kế hoạch tiếp nhận lại hai DA “khủng” nhưng bất khả thi của Công ty CP Trung Tín ở trung tâm T.P Thái Nguyên để đầu tư sau khi tỉnh chính thức thu hồi. Chính những việc làm này của DN đã và đang giúp tỉnh giải quyết tình trạng lãng phí, thanh lọc dần môi trường đầu tư ở địa phương.

 

Trả lời câu hỏi, làm gì để không còn DA “treo”, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, ông Hoàng Thái Cương cho rằng: Quan trọng nhất là khâu kiểm soát việc cấp phép DA ngay từ đầu, trong đó có đánh giá năng lực nhà đầu tư. Sở sẽ tham mưu cho tỉnh thực hiện quy định phải ký quỹ chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư trước khi được cấp phép. Sở sẽ chỉ đề xuất với tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư cho những DA đã thẩm định chặt chẽ, đáp ứng đủ yêu cầu về năng lực, cương quyết loại ngay từ đầu những DA thiếu khả thi. Cùng với đó, sẽ tham mưu cho tỉnh nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về đầu tư đối với tất cả các sở, ngành, địa phương liên quan. Lỗi ở khâu nào, cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Cần thiết phải tăng cường công tác theo dõi tiến độ, nếu DN gặp khó khăn sẽ cùng chung tay tháo gỡ với tinh thần cao nhất, vì sự thành công của DA. Và cuối cùng, cương quyết thu hồi DA chây ì, không khả thi do lỗi của nhà đầu tư. Với cách làm này, chúng tôi tin rằng, tình trạng DA “treo” sẽ từng bước được giải quyết, môi trường đầu tư của tỉnh sẽ ngày một cải thiện hơn…