Phía sau những dự án dang dở: Nỗi niềm các dự án hạ tầng cụm công nghiệp (Bài 3)

08:43, 17/08/2017

Lâu nay, các dự án (DA) hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) luôn bị dư luận nhắc đến với thái độ không mấy thiện cảm bởi sự ỳ ạch, trì trệ của chủ đầu tư. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 CCN đã quy hoạch từ lâu nhưng chưa triển khai, gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Vì thế, gần đây tỉnh đã rút ra khỏi danh sách quy hoạch 7 CCN kém hiệu quả (diện tích 162ha), đồng thời giảm trên 250ha đất đã quy hoạch của 5 CCN khác vì quy mô không phù hợp.

Nhiều CCN bị bỏ trống

 

Những DA đầu tư hạ tầng CCN để chậm tiến độ kéo dài và được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua là: DA đầu tư xây dựng hạ tầng CCN Đại Khai, tại xóm Hang Le và xóm La Dịa, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) do Công ty CP Gang thép Gia Sàng làm chủ đầu tư; DA đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng CCN Trúc Mai tại xã Lâu Thượng (Võ Nhai), do Công ty CP Sản xuất gang Hoa Trung đầu tư; DA đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng CCN Quang Sơn tại xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàng Long đầu tư…

 

Thống kê của ngành chức năng cho thấy, trong 32 CCN của tỉnh được quy hoạch xây dựng từ trước đến nay mới có 19 CCN đi vào hoạt động với trên 60 dự án đầu tư cùng số vốn đăng ký chưa đầy 10.000 tỷ đồng. Vẫn còn một số CCN chưa thu hút được dự án nào, trong đó đáng chú ý có CCN Đại Khai, CCN Nam Hòa của huyện Đồng Hỷ quy hoạch từ lâu nhưng gần như bỏ trống. Không ít CCN chỉ có một vài dự án đăng ký đầu tư, như: CCN Vân Thượng của T.X Phổ Yên, CCN Phú Lạc của huyện Đại Từ, CCN Điềm Thụy của huyện Phú Bình... Điều đáng nói là nhiều DA đăng ký nhưng vẫn nằm trên giấy chứ chưa triển khai do thiếu nhà đầu tư hạ tầng.

 

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 CCN đã quy hoạch nhưng chưa triển khai, dẫn đến thực trạng nhiều hộ dân sinh sống trong vùng quy hoạch phải khóc dở, mếu dở vì không được chia tách đất ở cho con cái, không được xây dựng, sửa sang nhà cửa, ổn định cuộc sống. Ví dụ, CCN Nam Hòa, từ lâu bị xem là quy hoạch "treo", người dân bức xúc, nhưng địa phương lúng túng chưa biết phải xử lý thế nào ngoài việc đề xuất xin đưa CCN này ra khỏi quy hoạch.

 

Không dễ thu hút dự án thứ cấp

 

CCN số 3, Cảng Đa Phúc nằm trên địa bàn xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên), được đầu tư xây dựng từ năm 2011 do Công ty CP Tư vấn và Chuyển giao công nghệ quốc tế (ICT) làm chủ đầu tư hạ tầng với diện tích 23ha. Sau một thời gian hoàn thiện một phần hạ tầng, DN này đã mời gọi nhưng không tìm được nhà đầu tư thứ cấp tham gia. Tương tự, năm 2014, CCN số 2 Cảng Đa Phúc được Công ty này triển khai đầu tư hạ tầng với diện tích quy hoạch 20ha. Tuy nhiên, đến nay cũng chưa thể lấp đầy DA. Ông Nguyễn Duy Khanh, Giám đốc Công ty ICT có lần tâm sự: Đây là hai CCN có vị trí thuận lợi, giáp Thủ đô Hà Nội, có hệ thống giao thông kết nối quan trọng, song chúng tôi vẫn chật vật để kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp. Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi nhiều CCN khác ở các huyện miền núi lại khó thu hút DA đến vậy.

 

Mặt khác, thường các DN vào làm DA thứ cấp phải tự bỏ tiền xây dựng hạ tầng trong CCN. Cụ thể như CCN Kha Sơn (Phú Bình) hay CCN Phú Lạc 2 (Đại Từ), nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp đều là Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Do đó, nhiều nhà đầu tư thứ cấp không mặn mà vào các CCN. Ở một vài CCN, do năng lực chủ đầu tư hạ tầng yếu nên không thể hiện được vai trò chủ thể của mình khiến nhà đầu tư thứ cấp chán nản. Điển hình nhất là ở CCN Trúc Mai, tại xã Lâu Thượng (Võ Nhai). Xuất phát từ một số DA đang triển khai tại khu vực này mà tỉnh quy hoạch thành CCN Trúc Mai và giao cho Công ty CP Gang Hoa Trung làm chủ đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, DN này chỉ đầu tư hạ tầng cho chính DA của mình là Nhà máy luyện gang mà không mở rộng đầu tư sang vị trí khác. Do vậy, lâu nay ở CCN này chỉ có 5 DA đăng ký đầu tư với quy mô nhỏ, trong đó một vài DA đang có xu hướng rời đi nơi khác vì thiếu hạ tầng sạch.

 

Thực trạng này đã khiến hiệu suất sử dụng đất tại các CCN đạt thấp, gây lãng phí tài nguyên. Trong tổng số 1.218ha đất quy hoạch đến năm 2020 của 32 CCN trên địa bàn thì mới có trên 200ha đất đăng ký sử dụng, nghĩa là chỉ gần bằng số lẻ diện tích đất đã quy hoạch. Trong hơn 60 dự án đăng ký vào các CCN cũng mới có hơn 30 dự án chính thức hoạt động. Như vậy, một lượng lớn đất đã quy hoạch để sử dụng vào mục đích phát triển công nghiệp đang bỏ trống, nhiều diện tích chưa được kiểm đếm để tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, nhiều diện tích đất đã thu hồi, giao cho các nhà đầu tư trong các CCN nhưng chưa được các DN đưa vào sử dụng. Trong đó, cá biệt có CCN Phú Lạc 1 (Đại Từ), dù đã giao tới 17ha đất nhưng chủ đầu tư vẫn để trống.

 

Sự cần thiết phải sàng lọc

 

Nhận thấy thực tế trên cần phải được giải quyết, gần đây UBND tỉnh đã tiến hành rà soát, xây dựng Đề án điều chỉnh và bổ sung quy hoạch các CCN đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, số lượng các CCN của tỉnh đã tăng từ 32 lên 35 CCN. Trong đó, giữ nguyên 20 CCN vì vẫn đảm bảo cả về quy mô, vị trí lẫn tiềm năng phát triển; rút ra khỏi danh sách 7 CCN không còn phù hợp; giảm diện tích của 5 CCN và bổ sung mới 10 CCN khác.

 

Theo quyết định của tỉnh, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung triển khai và đầu tư hạ tầng cho 28/35 CCN với diện tích đầu tư khoảng 731ha, phấn đấu tỷ lệ thu hút dự án và lấp đầy các CCN đạt trung bình từ 60-65%. Ở giai đoạn 2021-2030, tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và hoàn chỉnh theo quy hoạch chi tiết khoảng 528ha, phấn đấu lấp đầy toàn bộ diện tích của 28 CCN đã đầu tư. Mặt khác, tập trung đầu tư hạ tầng cho 7 CCN còn lại với diện tích trên 202ha.

 

Đi kèm với quyết định điều chỉnh, bổ sung các CCN là các giải pháp về vốn, đất đai, lao động, bảo vệ môi trường... theo hướng bền vững. Giải pháp về vốn được tỉnh quan tâm nhất với dự kiến sẽ huy động 1.800 tỷ đồng ở giai đoạn đầu và 2.235 tỷ đồng ở giai đoạn sau, trong đó vốn huy động từ các nguồn xã hội hóa chiếm trên 1.000 tỷ đồng cho mỗi giai đoạn. Về giá đất, sẽ đổi mới cơ chế, chính sách thuê đất, phí dịch vụ và vốn đầu tư theo hướng phù hợp với mặt bằng thực tế. Sẽ ưu tiên các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng CCN theo hình thức công - tư (PPP) để giảm tải ngân sách Nhà nước...

 

Theo ông Trần Anh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương), tỉnh đang triển khai thí điểm mô hình đầu tư hạ tầng CCN theo hướng giao cho Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư hạ tầng một số CCN. Tỉnh sử dụng ngân sách ứng trước, sau khi hoàn thành sẽ thu hút DA và hoàn trả vốn đầu tư ban đầu. Trước mắt, tỉnh sẽ giao Trung tâm làm chủ đầu tư hạ tầng CCN Sơn Cẩm 2, xã Sơn Cẩm (Phú Lương), nếu thành công sẽ nhân ra diện rộng.

 

Theo các nhà phân tích, việc UBND tỉnh có những điều chỉnh, bổ sung ở thời điểm này tuy có phần hơi muộn, nhưng là rất cần thiết. Đặc biệt, với quyết định rút khỏi danh sách quy hoạch các CCN không còn phù hợp, kém hiệu quả và giảm diện tích những CCN lãng phí đất được cả giới chuyên môn và đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Tất cả đều mong muốn và kỳ vọng, sau những điều chỉnh, bổ sung này, các CCN của tỉnh sẽ có những bứt phá hơn, không còn là lực cản của toàn ngành Công nghiệp, nhất là khi chúng ta đang gấp rút thực hiện mục tiêu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.