Phía sau những dự án dang dở: Thu hồi dự án - Khó hay dễ? (Bài 4)

11:25, 18/08/2017

Trước thực tế nhiều dự án (DA) trên địa bàn không triển khai hoặc để chậm tiến độ, thời gian qua tỉnh đã đôn đốc, gia hạn và thu hồi các DA không khả thi. Tuy nhiên, với những DA chưa đầu tư, việc thu hồi không đáng ngại; nhưng với các DA đã đầu tư dang dở, nhất là DA có số vốn lớn, việc thu hồi không dễ bởi sau thu hồi là hàng loạt vấn đề cần giải quyết. Do đó, hậu thu hồi DA là vấn đề được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm. Bằng chứng là UBND tỉnh đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện Hướng dẫn trình tự, thủ tục thu hồi các DA đầu tư ngoài ngân sách, nhằm chuẩn bị cho một chiến dịch thanh lọc DA chây ỳ.  

“Nghìn lẻ một” lý do chậm tiến độ

 

Lý giải về sự chậm trễ, chây ỳ của DA, các chuyên gia cho rằng mỗi lĩnh vực đều có những tồn tại nhất định, trong đó có cả những thiếu sót của cơ quan quản lý Nhà nước. Các chủ DA kinh doanh bất động sản lý giải, do thị trường nhà đất gặp khó khăn, nên chủ DA chưa vội đầu tư, chỉ triển khai cầm chừng để giữ đất. Còn các DN trong lĩnh vực khai thác, làm dịch vụ thì cho rằng, giá đầu vào tăng trong khi đầu ra một số sản phẩm công nghiệp gặp trở ngại nên phải dừng DA. Các DN khai khoáng kêu ca vì tiến độ ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư một số DA khai thác khoáng sản rất ngắn khiến DN khó khăn.

 

Mặt khác, nhiều chủ DA phàn nàn về công tác giải phóng mặt bằng của chính quyền còn chậm trễ; người dân tranh thủ cơi nới, xây dựng đón đền bù; chính sách bồi thường còn chưa đồng nhất đã ảnh hưởng đến tiến độ của DA. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của cơ quan Nhà nước về các trình tự thủ tục đất đai chưa sát sao, chưa hết trách nhiệm. Điều đáng quan tâm là việc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư một số DA còn thiếu tính khả thi, có hiện tượng chồng chéo đất trong các DA. Khi chấp thuận đầu tư còn chưa xem xét kỹ dẫn đến một số DN cùng lúc tiếp nhận nhiều DA, khiến năng lực đầu tư bị quá tải.

 

Hơn nữa, các chủ đầu tư DA khu dân cư đô thị chủ yếu triển khai trên phần diện tích đất công, đất ruộng dễ thu hồi, còn phần đất có nhà cửa, kiến trúc chậm triển khai do giá thu hồi lớn, khó thực hiện bồi thường, không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Còn các DA đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, nhà đầu tư chủ yếu trông chờ hỗ trợ tài chính của Chính phủ, đến khi không đươc hỗ trợ dẫn đến chậm hoặc không thực hiện DA. Tuy vậy, việc để DA chậm phải bị thu hồi phần lớn thuộc lỗi của chủ đầu tư, trong đó yếu tố quan trọng nhất chính là năng lực tài chính của DN khó khăn, không cho phép tiếp tục đầu tư.

 

Dễ với DA chưa đầu tư

 

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch - Đầu tư) khẳng định, việc thu hồi các DA mới cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chưa triển khai xây dựng hoặc mới chấp thuận chủ trương đầu tư là khá đơn giản. Bởi thực tế, các DA này chủ yếu mới triển khai trên giấy tờ, thủ tục, hoặc có chăng mới đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, lượng vốn mà nhà đầu tư bỏ ra chưa đáng kể.

 

Theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư, khoảng 5 năm trở lại đây, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ chấp thuận chủ trương đầu tư khoảng 80 DA vi phạm tiến độ. Trong hai năm 2015 và 2016, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra các DA đang triển khai trên địa bàn. Kết quả, năm 2015, đã rà soát khoảng 600 DA, lập danh sách kiểm tra 202 DA, từ đó đề xuất thu hồi 66 DA chậm tiến độ hoặc không triển khai. Năm 2016, lập danh sách kiểm tra 97 DA, đề xuất thu hồi 20 DA với tổng diện tích đất thu hồi khoảng 6.000ha. 

 

Có thể nêu ra đây một vài trường hợp điển hình. Dự án xây dựng Bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng Phúc Thắng tại xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) sau khi được chấp thuận đầu tư nhưng không có khả năng triển khai đã bị thu hồi chuyển giao cho Công ty CP Đầu tư Picenza Việt Nam đầu tư Dự án Khu đô thị Picenza Plaza Thái Nguyên và hiện đã hoàn thành, mang lại hiệu quả thiết thực. Hay như Dự án xây dựng Trường lái xe tại xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) của Công ty TNHH Bình Nguyên Thịnh Đức sau khi được cấp phép đầu tư đã bỏ trống một thời gian dài, sau đó bị tỉnh thu hồi giao lại cho Công ty may Thành Hưng đầu tư Dự án may mặc, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương…

 

Khó với DA lớn, triển khai dang dở

 

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch - Đầu tư, có khoảng 20% DA đề nghị thu hồi gặp khó khăn trong quá trình triển khai thu hồi. Không dễ gì để thu hồi đối với một DA lớn đang được triển khai dở dang vì sau khi thu hồi phải tìm được nhà đầu tư mới hoặc dự án khác khả thi hơn thế chỗ nhà đầu tư và DA cũ. Và khi thu hồi, tài sản và vốn đầu tư của nhà đầu tư cũ bỏ ra phải được tính toán, hoàn trả cho nhà đầu tư này. Nếu sử dụng ngân sách để giải quyết chắc chắn sẽ không khả thi. Chúng ta còn nhớ DA đầu tư Trung tâm thương mại Thái Nguyên (tòa tháp đôi) sát khu vực đường tròn Trung tâm T.P Thái Nguyên do Công ty TNHH Prime Thái Nguyên (Tập đoàn Prime) làm chủ đầu tư.

 

Sau 5 năm triển khai nhưng chỉ xây được phần móng, DA này đã nằm trong danh sách đề nghị thu hồi của tỉnh. Tuy vây, DN này đã đầu tư trên 50 tỷ đồng vào DA nên phương án thu hồi của tỉnh là khó khả thi. Rất may cách nay 2 năm, DA này đã được chuyển giao cho một nhà đầu tư mới có tiềm lực hơn. Và nhà đầu tư này đã phải mất rất nhiều thời gian lập lại hồ sơ toàn bộ DA mới, thuê tư vấn nước ngoài, đánh giá cung cầu thị trường để chuẩn bị tái khởi động DA vào cuối năm 2017 này.

 

Việc thu hồi DA đã đầu tư còn khó bởi chính nhà đầu tư luôn tìm cách chứng minh năng lực, đề nghị tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện mỗi khi tỉnh kiểm tra và yêu cầu thu hồi. Ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho hay, chủ trương của tỉnh là tạo điều kiện cho nhà đầu tư, cùng chia sẻ với những khó khăn của DN, bởi vậy, có nhiều DA được gia hạn tiến độ để DN tiếp tục có cơ hội đầu tư. Tuy vậy, cũng có nhà đầu tư cố tình chây ỳ, kiếm cớ kéo dài thời gian dù không còn đủ năng lực triển khai.

 

Hai DA đầu tư của Công ty CP Trung Tín là Thái Nguyên Building và Khách sạn 5 sao tại Trung tâm T.P Thái Nguyên là một ví dụ. Sau gần 5 năm không triển khai và được gia hạn một vài lần, tháng 12-2013, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư DA Thái Nguyên Building. Sau khi nhận quyết định thu hồi, DN này đã có văn bản kiến nghị, cho rằng quyết định của tỉnh chưa đúng và đề nghị tiếp tục được thực hiện DA. UBND tỉnh đã giao Thanh tra Nhà nước tiến hành thanh tra toàn diện hai DA trên. Hiện, các DA này vẫn chưa thể thu hồi đất để bàn giao cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn.

 

Cần nhất là phương án xử lý hậu thu hồi

 

Vấn đề hậu thu hồi được xem là cực kỳ quan trọng, thể hiện hiệu lực, hiệu quả của các quyết định hành chính. Bởi vậy, UBND tỉnh đang gấp rút hoàn thành bản hướng dẫn trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký đầu tư; hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực quyết định chủ trương đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương, chấp thuận địa điểm đối với DA đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước. Từ đó, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện việc thu hồi các DA chậm tiến độ hoặc không còn khả năng thực hiện được thuận tiện, nhanh chóng, đúng quy định pháp luật hiện hành.

 

Có ý kiến về vấn đề này, tại một cuộc họp mới đây của UBND tỉnh, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Tỉnh rất cân nhắc việc thu hồi hay chưa thu hồi DA chậm tiến độ. Tuy nhiên, đối với những DA chây ỳ, tỉnh sẽ cương quyết thu hồi; với các DA mà chủ đầu tư còn khả năng thì sẽ xem xét tiếp tục gia hạn để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DN.

 

Được biết, tỉnh cẩn trọng trong thu hồi DA bởi khi DA bị thu hồi, nhất là các DA lớn, thường có tác động đến nhiều đối tượng. Sau thu hồi, một loạt các phần việc phải giải quyết, trong đó có những việc không hề đơn giản. Đó là xử lý tài sản gắn liền với đất, xác định nghĩa vụ tài chính của chủ DA bị thu hồi, giải quyết những tồn tại, vướng mắc của nhà đầu tư, bồi thường xử lý chi phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến chủ đầu tư. Hơn nữa, còn phải giải quyết chế độ cho người lao động bị mất việc và các đối tượng liên quan khác… Tất cả các vấn đề trên phải được giải quyết ổn thỏa, hợp tình, hợp lý mới được xem là thành công. Hơn nữa, nếu thu hồi DA này mà không có DA khác thế chỗ và triển khai tốt hơn thì việc thu hồi cũng coi như không hiệu quả.