Sức sống mới ở một xã Anh hùng

10:33, 27/08/2017

Những ngày tháng Tám lịch sử, về xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên), chúng tôi được chứng kiến không khí thi đua sôi nổi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây. Tất cả đang chung tay, góp sức làm nên một diện mạo Thịnh Đức mới, đầy sức sống cho vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

Ông Lê Thành Long, Chủ tịch UBND xã tự hào: Có được một Thịnh Đức đổi mới như hôm nay, đó là kết quả triển khai, thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của Đảng bộ, chính quyền nhân dân trong xã. Với chủ trương làm đâu, chắc đó, dễ thực hiện trước, khó thực hiện sau, cán bộ, đảng viên và mọi người dân trong xã cùng vào cuộc làm thay đổi diện mạo quê hương, nâng cao được chất lượng sống cho người dân.

Xã Thịnh Đức có diện tích đất tự nhiên hơn 1.612ha, với trên 1.000ha đất nông nghiệp, hơn 2.100 hộ, hơn 8.000 nhân khẩu, cư trú tại 25 xóm, gồm 6 dân tộc chung sống. Năm 2011, triển khai Chương trình XDNTM, xã Thịnh Đức có 9 tiêu chí đạt chuẩn, nhưng đến hết năm 2015, xã đã đạt chuẩn 19 tiêu chí NTM, và hiện xã đang tiếp tục nâng chuẩn NTM lên mức cao hơn.

Chuyện XDNTM, ông Hoàng Văn Thêm, Chủ tịch UBMT Tổ quốc xã cho biết: XDNTM, quan trọng là đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền địa phương có tâm, có tầm, không tư lợi, không gượng ép quá sức dân, nhất là việc phát huy tinh thần dân chủ, tôn trọng nhân dân, mọi công việc đều thực hiện trên nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Nhớ lại ít năm trước đây, việc sản xuất của người dân xã Thịnh Đức cơ bản phụ thuộc vào thiên nhiên, chưa làm chủ được mùa vụ. Nhưng đến nay, nông dân trong xã đã cơ bản chủ động được công việc đồng áng. Ông Long cho biết thêm: Năm 2014, được sự khuyến khích, động viên của chính quyền địa phương, vụ xuân năm 2014, trong xã có một số hộ đưa vào gieo cấy thử giống lúa BTE, kết quả đạt năng suất 2,7 tạ/sào. Gạo BTE thơm, ngon, dẻo, có giá bán 14.000 đồng/kg, cao hơn so với gạo bao thai 2.000 đồng/kg. Đến nay, hầu hết các diện tích đất ruộng được nông dân gieo cấy lúa giống mới, chủ yếu là: BTE, BG1, BG6, HKT99, TH3-5, Hương thơm Kinh Bắc. Ông Tạ Quang Dũng, Trưởng xóm Cầu Đá cho biết: Từ tham gia XDNTM, nông dân chúng tôi có nhận thức đầy đủ hơn về cánh đồng một giống. Hiện nông dân các xóm: Cầu Đá, Lượt 1, Lượt 2 bảo nhau cùng làm cánh đồng 1 giống, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Việc xây dựng cánh đồng 1 giống đã trở thành phong trào của nông dân trong xã. Và trở thành câu cửa miệng như: Hoa tươi xóm Cây Thị; cây cảnh xóm Bến Đò; cây ăn quả xóm Ao Miếu... Cây chè cũng được người dân quan tâm phát triển. Từ nhiều năm gần đây, nông dân trong xã từng bước đầu tư trồng chè cành giống mới, chủ yếu LDP1 thay thế diện tích chè già cỗi, trong đó năm 2016 trồng mới, trồng lại được 6ha. Hiện diện tích chè kinh doanh của xã đạt diện tích hơn 200ha, sản lượng đạt 2.660 tấn/năm.

Để làm giàu, nhiều nông dân trong xã đã liên kết lại, làm ăn tập trung theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác. Hiện trên địa bàn xã có Công ty TNHH Thái Hải; doanh nghiệp cây cảnh Hoàng Vĩ và 2 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả. Các công ty, doanh nghiệp, tổ hợp tác tập hợp được hàng chục hộ dân trong vùng góp tiền vốn và công sức, bảo đảm đủ mạnh về tiềm lực kinh tế cũng như khả năng sản xuất, kinh doanh để vươn ra thị trường lớn trong, ngoài tỉnh.

Xã Thịnh Đức đã có cuộc “lột xác”, thoát khỏi “cái vỏ kén” nghèo đói để cùng cả tỉnh đi lên. Ông Đặng Quang Dần, nguyên Chủ tịch UBND xã cho rằng: Nguồn vốn do Nhà nước hỗ trợ cho Thịnh Đức XDNTM, ví như một cú hích quan trọng làm đổi thay được nhận thức của cán bộ, nhân dân địa phương, từ đó tạo nên sự chuyển biến lớn trong nhận thức của mỗi người trong việc chung tay, góp sức XDNTM.

Về các xóm Mỹ Hào, Làng Cả, Đà Tiến, đi trên tuyến đường bê tông sạch, đẹp mới được xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng năm 2016, chúng tôi như được lây niềm phấn chấn của cán bộ, nhân dân Thịnh Đức, bởi Chương trình XDNTM có tác động lớn đến tư tưởng của người dân. Chương trình làm “chuyển hóa” từ suy nghĩ trông đợi vào Nhà nước sang chủ động đóng góp tiền của, công sức xây dựng hạ tầng cơ sở ngay trên quê hương mình. Nhờ vậy mà sau 6 năm bền bỉ vừa tuyên truyền, vừa vận động đóng góp, cán bộ, nhân dân trong xã đã cùng xây dựng nên một Thịnh Đức hoàn toàn mới. Cụ thể là các công trình thủy lợi được xây dựng chắc chắn, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho các khu đồng, người nông dân chủ động được mùa vụ.

Từ một triền đồi cao, phóng mắt nhìn bao quát vùng đất xã Thịnh Đức, thấy từng cánh đồng một giống, đan cài vào đó là các vạt đồi chè đang tủa búp đợi bàn tay người thu hái. Thịnh Đức đổi thay nhanh quá, tôi thảng thốt nói với mọi người khi nhìn ngắm những mái nhà xây lợp tôn đỏ ẩn hiện trong vườn xanh cây lá. Đây là kết quả của việc triển khai có hiệu quả Chương trình XDNTM ở Thịnh Đức từ năm 2011 đến nay. Trong giai đoạn này, nhân dân trong xã đã hiến gần 10.000m2 đất, đóng góp gần 1.000 ngày công, hơn 20 tỷ đồng. Riêng năm 2016 người dân tại các xóm Mỹ Hào, Làng Cả, Đà Tiến, nhân dân đã hiến gần 3.500m2 đất xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Ông Nguyễn Minh Lực, xóm Đức Cường, một nông dân hiến hơn 300m2 đất làm NTM cho biết: Được hiến đất, góp công, của cùng Nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, với người dân chúng tôi không chỉ là trách nhiệm, mà là niềm vinh dự.

Chương trình XDNTM đã làm đổi thay diện mạo Thịnh Đức, hiện 100% số hộ của xã có nhà ở đạt chuẩn; 100% xóm có nhà văn hóa làm nơi hội họp cho nhân dân; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,21% (theo chuẩn nghèo đa chiều); thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/người/năm (năm 2011 đạt 12 triệu đồng/người/năm). Đạt chuẩn NTM, nhưng người Thịnh Đức chưa bằng lòng với thực tại, tiếp tục với chủ trương giữ chuẩn, nâng chuẩn NTM, với mục đích thiết thực là từng bước nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho mọi người dân.